Khai thác khoáng sản ở TT-Huế: Nhiều vi phạm, doanh nghiệp chưa nghiêm túc bảo vệ môi trường

Trần Hòe Thứ ba, ngày 19/07/2022 11:44 AM (GMT+7)
Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã xảy ra nhiều vi phạm. Hầu hết các địa phương ở tỉnh chưa thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động khoáng sản, các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường…
Bình luận 0

Xử phạt hàng chục tỷ đồng

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, UBND xã Phong Mỹ vừa lập biên bản, yêu cầu Công ty TNHH MTV Thương mại và xây dựng Tấn Hoàng ngưng hoạt động nhằm hoàn thiện hồ sơ liên quan thủ tục đất đai.

Công ty TNHH MTV Thương mại và xây dựng Tấn Hoàng là chủ mỏ khoáng sản cát, sỏi làm vật xây dựng tại khu vực bãi bồi Đội 4, xã Phong Mỹ. Theo giấy phép, doanh nghiệp này này được phép khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực bãi bồi Đội 4 với diện tích 6ha, trữ lượng khai thác 50 nghìn m3, thời hạn cấp phép mỏ 6 năm.

Khai thác khoáng sản ở TT-Huế: Vi phạm tràn lan, doanh nghiệp chưa nghiêm túc bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Với vi phạm trong khai thác đá tại mỏ đá Khe Phèn (xã Hương Thọ, TP.Huế), Công ty TNHH Coxano Hương Thọ từng bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 250.000.000 đồng. Ảnh: C.X.N.

Dù đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng Công ty TNHH MTV Thương mại và xây dựng Tấn Hoàng chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ liên quan đến thuê đất để trình địa phương mà đã cho phương tiện xuống khu vực khai thác đắp đê là trái với quy định của pháp luật.

Theo bà Dương Thị Thu Truyền, Phó trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vi phạm. Trong giai đoạn 2016 - 2021, Thừa Thiên Huế đã khoanh định 86 khu vực mỏ khoáng sản, với tổng diện tích hơn 1.319 ha. Tỉnh đã cấp 29 giấy phép thăm dò khoáng sản, 40 giấy phép khai thác khoáng sản với tổng diện tích 294 ha, trữ lượng địa chất khoảng hơn 14 triệu m3. Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 65 mỏ khoáng sản đang hoạt động khai thác.

Những năm qua, thông qua hoạt động thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng ở tỉnh đã phát hiện 1.353 vụ vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản với tổng số tiền xử phạt là 14,5 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như khai thác vượt độ sâu, không thực hiện đúng nội dung phê duyệt đánh giá tác động môi trường, không có công trình bảo vệ môi trường, khai thác cát, sỏi dưới lòng sông… Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt 60 đơn vị hoạt động trái phép, truy thu 16,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc kiểm tra vật liệu nổ để khai thác khoáng sản còn bị buông lỏng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa hỗ trợ nâng cấp, duy tu hạ tầng giao thông nông thôn, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển khoáng sản, gây bức xúc trong nhân dân.

Đặc biệt, hầu hết các địa phương chưa thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, phần lớn các doanh nghiệp khai thác khoáng sản sử dụng máy móc cũ, công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, tình trạng cắm mốc ranh giới khai thác không đúng với giấy phép khai thác được cấp và khai thác ngoài phạm vi được cấp phép.

Khai thác khoáng sản ở TT-Huế: Vi phạm tràn lan, doanh nghiệp chưa nghiêm túc bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Theo HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vi phạm. Ảnh: CTV.

Hiện Thừa Thiên Huế có 15 khu vực mỏ hết thời gian khai thác nhưng doanh nghiệp chưa lập đề án đóng cửa mỏ trình UBND tỉnh phê duyệt. Một số trường hợp chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thuê đất nhưng đã tiến hành khai thác khoáng sản. Tại huyện Phong Điền, các khu vực được cấp phép thăm dò khai thác, dự trữ khoáng sản chồng lấn với những quy hoạch khác, với đất nghĩa trang, khu vực dân cư hiện hữu. Cũng tại huyện này, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Lâm khai thác đá vôi ở xã Phong Xuân gây ra tình trạng sụt lún đất, làm mất nguồn nước ngầm ảnh hưởng đến sản xuất lúa, nhà của người dân nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm…

Doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường

Theo Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên nhân của những bất cập, vi phạm trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực thi pháp luật đối với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương về quản lý khoáng sản chưa chặt chẽ, việc điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa toàn diện, độ tin cậy của số liệu chưa cao.

Hiện nay mức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn thấp, chiếm từ 1-3% tổng mức đầu tư nên các đơn vị này chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường…

Khai thác khoáng sản ở TT-Huế: Vi phạm tràn lan, doanh nghiệp chưa nghiêm túc bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Thừa Thiên Huế chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường. Ảnh: A.K.

Trên cơ sở đó, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Sở TNMT trong quá trình lập quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản cần kết hợp quy hoạch các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác. Sở TNMT tỉnh cũng được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác tại các mỏ đã cấp phép,  phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu điều chỉnh tăng mức phí ký quỹ bảo vệ môi trường và rà soát trữ lượng của các mỏ hết thời gian khai thác để sớm tham mưu cho tỉnh cấp quyền khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng hiện nay.

Vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở TNMT tỉnh làm việc với 19 chủ mỏ vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan này yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định pháp luật về môi trường, yêu cầu các chủ xe vận tải chuyên chở vật liệu san lấp phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về an toàn giao thông, đảm bảo chuyên chở đúng trọng tải và không để rơi vãi đất, đá xuống đường trong quá trình vận chuyển… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem