Đỗ Doãn Hoàng
Chủ nhật, ngày 07/05/2023 09:32 AM (GMT+7)
Sau nhiều loạt bài của báo NTNN/Dân Việt, chúng tôi vui mừng khi nhận được văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra… Chúng tôi thấy vui khi báo chí góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Tôi về với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt khi tự thấy mình đã không còn trẻ nữa, con giai đã đem bạn gái về nhà ra mắt. Niềm thương mến tờ báo, thương mến người nông dân - cũng chính là những ông bà, bố mẹ mình và bản thân - đã giúp tôi cùng các đồng nghiệp kể những câu chuyện về người nông dân trên tờ báo của nông dân một cách trăn trở và quyết liệt...
Chuyện của bà con mình, chuyện cần phải kể nhất và cần làm gì đó tác động vào thực tế cuộc sống một cách hữu ích nhất - là những gì? Chúng tôi mong đợi và khát khao: Đó là một loạt bài điều tra có thể gây tác động xã hội thật sự, có thể thúc đẩy thực thi pháp luật và thậm chí điều chỉnh chính sách như một thứ "báo chí giải pháp", "báo chí kiến tạo" căn bản.
Chúng tôi đi vào các vùng quê, đôi lúc xa ngái và heo hút nghèo. Có lúc bà con giấu chúng tôi trên nóc nhà của họ, để kỳ vọng vào việc nhà báo quay phim, chụp ảnh, trắng đêm dùng "dõi mắt cú vọ" tìm ra chân lý cho những phận người tận khổ. Các bé từ Quảng Ngãi ra Bắc Ninh mưu sinh ở quán bánh xèo, bị ép làm việc như tù khổ sai, bị tra tấn như thời Trung cổ với răng gẫy, máu chảy, chi chít sẹo, vết khâu trên da thịt còn chằng chịt trắng mủ…
Cuối cùng, chúng tôi đã phối hợp với quần chúng tốt tố cáo, các đồng chí công an ập vào. Kẻ thủ ác tra tay vào còng và lĩnh án, các cháu trở thành tâm điểm một "cơn lốc" từ thiện, các nhà hảo tâm chật kín bệnh viện - nơi các vết thương trên da thịt các bé đang lành mến.
Có khi, ở miền Tây xứ Nghệ xa xôi, bà con người Thái đón chúng tôi rủ rỉ chia sẻ, tâm sự những chuyện "mật" mà đến uống chén rượu tái ngộ cũng phải ngồi trong góc buồng tối vì sợ các trùm buôn hàng cấm theo dõi ngược rồi trả thù. Và rồi, Giải A Giải Báo chí Quốc gia với "Các chiêu trò tàn sát thú rừng" ra đời từ đó.
Có khi bản người Mông ở Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) mở lòng đón chúng tôi trong bí mật: Đến gặp lúc tối trời (cuối ngày), chia tay lúc trời chưa kịp sáng tỏ mặt người. Chùm phóng sự đạt Giải A, Giải Báo chí Toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực năm 2021 với vụ phá rừng nghiến cổ thụ "khủng nhất Việt Nam" được chắp bút từ đó. Nhiều cán bộ đã bị bắt giam hoặc chịu những hình thức xử lý thích đáng.
Hoặc như khi phanh phui các tụ điểm bán bóng cười trái phép ở Hà Nội; tố cáo "Tour hút hít trên đỉnh Mã Pí Lèng" (tỉnh Hà Giang, sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc xử lý nghiêm); khi điều tra về các cỗ xe bưu chính chở hàng lậu (sau đó hơn 20 người - trong đó có cán bộ, cả lãnh đạo địa phương ở Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - bị bắt giam, bị xử lý)... nếu không có bà con nông dân bao bọc từng li từng tí, phải nói thật là chúng tôi không thể nào làm nổi trong những ngày tháng đầy cam go và cũng không ít cám dỗ đó.
Nhưng đó là những câu chuyện không bao giờ đưa lên mặt báo được, do cần bảo vệ danh tính cũng như sự an toàn tính mạng cho người tốt.
Quan trọng hơn, sau các tuyến bài, các thủ phạm bị xử lý nghiêm khắc, để rồi thiên nhiên, cuộc sống yên bình ở các vùng thôn xa bản vắng kia đã thật sự quay trở lại, một cách lâu dài và bền vững.
Làm báo tới nay đã gần ¼ thế kỷ, tôi hiểu rất rõ, đằng sau những thực tế đau lòng luôn có nguyên nhân. Và khi ta nắm rõ nguyên cớ của "những thực tế đau lòng" đó thì phải biết "biến đau thương thành hành động".
Và khi đã hành động thì phải làm tới nơi tới chốn, không bỏ dở, nửa vời. Bởi hành động của nhà báo, ngoài việc tiêu trừ cái xấu còn để ngăn chặn thảm hoạ trong tương lai. Và điều mà chúng tôi vui mừng nhất, tâm đắc nhất chính là sự thay đổi tích cực sau mỗi loạt bài chúng tôi phản ánh, mỗi sự thật đau lòng chúng tôi phanh phui...
Một tỉnh hay một loạt tỉnh thành thay đổi cách nhìn nhận, ứng xử của họ về vấn đề mà chúng tôi nêu ra. Các lỗ hổng của nhiều điều luật khi đi vào cuộc sống đã lộ rõ sau các video, hình ảnh và bài viết chúng tôi điều tra được. Và cơ quan hữu trách tìm giải pháp xử lý các bất cập đó.
Một tuyến bài đã vinh dự được góp tiếng nói tích cực (cùng các hoạt động tiếp theo của người cầm bút) để Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị bảo vệ chim hoang dã cho Việt Nam. Câu chuyện môi trường sống và thảm hoạ dịch bệnh nhãn tiền được vạch ra, với nhiều kẽ hở trong bảo tồn, đã khiến 14 tổ chức uy tín hàng đầu thế giới cùng có thư ngỏ gửi nhà chức trách nhằm ngăn chặn các chuyện buồn trong tương lai.
Hay các phận người được cứu rỗi; các oan khuất được hoá giải, nhiều bi kịch của cộng đồng được đem ra phân tích/chất vấn để rồi tìm được một lối ra đích đáng nhất.
Sau nhiều loạt bài của báo NTNN/Dân Việt, chúng tôi vui mừng khi nhận được văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra… Chúng tôi thấy vui khi báo chí góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Những hiểm nguy hay cám dỗ chúng tôi đã gặp phải, đã đối mặt, đã vượt qua cũng không hề nhỏ. Nhưng với người cầm bút, có lẽ, được tận hiến cho công chúng của mình, luôn là niềm hạnh phúc lớn nhất. Làm được điều gì đó hữu ích cho đời – đó chính là thước đo cao quý nhất của phẩm cách một ngòi bút, một toà báo hay rộng hơn là một nền báo chí.
Chúng tôi cũng chỉ hy vọng và luôn khao khát, sẽ nỗ lực hết mình để cùng tờ báo Nông thôn Ngày nay, tờ báo luôn sát cánh cùng nông dân Việt, làm được điều tốt đẹp gì đó cho cộng đồng, cho người nông dân, dù là nhỏ bé và giản dị…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.