Khi báo chí "giải cứu" nông sản khỏi những tin đồn thất thiệt

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 21/06/2022 12:27 PM (GMT+7)
Đằng sau một thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu chính xác về giá cả, chất lượng một loại nông sản nào đó là mồ hôi, nước mắt của những nông dân "một nắng hai sương".
Bình luận 0

Vậy nên, nhà nông, người làm về nông nghiệp mong những người làm báo hãy viết đúng, viết trúng, phản bác sự sai trái… để giúp họ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nông sản tiêu thụ thuận lợi…

Tin đồn sai sự thật, nông dân lao đao

Còn nhớ năm 2018, khi hình ảnh những trái thanh long Bình Thuận bị vứt chỏng chơ ven đường, thậm chí cho bò ăn… xuất hiện trên các trang mạng xã hội, một số trang tin và tờ báo, giá thanh long khi đó đã giảm lại tiếp tục rớt không phanh. 

Tin đồn "Trung Quốc không ăn hàng" thêm một lần nữa khiến sự vất vả, khó khăn của nông dân tăng lên gấp bội.

Thực tế, ngay sau đó, Bộ NNPTNT đã khẳng định: Thanh long giá rẻ chủ yếu là loại có phẩm cấp, chất lượng kém, còn sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có giá tốt và thị trường tiêu thụ ổn định. 

Mọi hoạt động xuất khẩu vẫn bình thường, còn giá giảm chính là do nông dân đã không đo được những cơn sóng của thị trường mà chong đèn quá sớm, khiến sản lượng thanh long tăng đột biến.

gop/Nhà báo giúp nhà nông giữ niềm tin, thêm động lực - Ảnh 1.

Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt tác nghiệp tại vùng trồng vải xuất khẩu Nhật Bản của xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Chương

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Khi viết về nông nghiệp, nhà báo không chỉ đưa tin, không chỉ phản ảnh hiện thực về những tồn tại, hiện tượng tiêu cực đây đó. Nhà báo biết cách khéo léo giữ lửa niềm tin cho những "mắt xích" tham gia chuỗi giá trị ngành hàng.

Cũng trong năm 2018, xuất hiện một clip người đàn ông ném từng túm vải thiều xuống sông trong cơn bực tức vì giá giảm, không ai mua trong thời điểm mùa vải thiều ở Bắc Giang đang thu hoạch rộ. Ngay lập tức, giá vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đã bị tác động.

Lập tức phóng viên Báo Dân Việt vào cuộc tìm hiểu và nhận định: Không hề có chuyện vải thiều Bắc Giang giá rẻ chỉ 10.000 đồng/3kg, và cũng không hề có chuyện vải thiều bị vứt bỏ hàng loạt như trong clip.

Khi đó, vải thiều Lục Ngạn mới bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, các thương lái Trung Quốc cũng mới có mặt vài ngày để bắt đầu thu gom vải thiều. Và giá vải dao động ở mức 16.000-20.000 đồng/kg tùy loại…

Từ thông tin phản ánh của Dân Việt sau clip đó, ngành chức năng vào cuộc tìm hiểu thì được biết, vải của người đàn ông đó không bán được vì quả nhỏ, bị sâu cuống. Người nông dân đăng clip cũng đã xin lỗi vì không lường trước được hành động của mình đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vải của nông dân.

Cũng tại Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2021, đã có 2 cá nhân bị ngành chức năng xử phạt, gồm: Leo Văn M (SN 1991, chủ tài khoản "Minh Leo" trên mạng Facebook) trú tại thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, bị phạt do ngày 27/5/2021 đã đăng tải thông tin sai sự thật, tố cơ sở thu mua của bà Nguyễn Thị H ở thôn Kim I, xã Phượng Sơn, Lục Ngạn, ép giá vải thiều xuống còn 2.000 đồng/kg. Anh M được xác định đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020.

"Bắc Giang muốn gửi thông điệp tới cơ quan báo chí, người tiêu dùng là: Bắc Giang không cần giải cứu vải thiều, chúng tôi cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải, là kết tinh của đất trời Lục Ngạn".

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang

Cá nhân thứ 2 là Đỗ Văn T (SN 1992, chủ tài khoản Facebook cá nhân "Phan Thắng") - là con bà Nguyễn Thị H (chủ điểm cân vải). Anh T đã bình luận, đăng tải nội dung trái với thuần phong mỹ tục trước việc anh M đăng tải hình ảnh và kêu gọi tẩy chay điểm thu mua vải của nhà mình.

Trước đó Công an huyện Lục Ngạn đã làm việc với anh M và anh T, cả 2 đã hối lỗi, gỡ bỏ bài viết, đính chính lại thông tin trên mạng Facebook của mình và cam kết không tái phạm.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt ở thời điểm Bắc Giang đang bước vào vụ thu hoạch vải năm 2021 và cũng là "điểm nóng" dịch Covid-19, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cũng cảm ơn các cơ quan báo chí cũng như đồng bào cả nước đã có lòng với cây vải và người trồng vải Bắc Giang. 

Theo ông Thái, chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày càng được nâng cao, quả ngọt, cùi dày, thơm, nhiều nước, không bị sâu cuống (một vấn đề của nhiều năm trước). Trình độ canh tác của nông dân ngày càng cao. 

Đặc biệt, năm 2021, Nhật Bản đã chính thức công nhận chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Bắc Giang, đây cũng là sản phẩm nông nghiệp duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm đó được Nhật Bản công nhận chỉ dẫn địa lý. Vải Lục Ngạn khi sang Nhật Bản, vào siêu thị chỉ một ngày là bán hết với giá tương đương 350.000 - 400.000 đồng/kg và được người Nhật rất ưa chuộng.

"Giá trị thực của quả vải đã được công nhận, chất lượng tốt, lại được thị trường đón nhận, vậy cớ gì chúng tôi phải giải cứu. Đó là lý do Bắc Giang mới gửi thông điệp tới cơ quan báo chí, người tiêu dùng là: Bắc Giang không cần giải cứu vải thiều, chúng tôi cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải, là kết tinh của đất trời Lục Ngạn" – ông Thái khẳng định.

Nhà báo giữ lửa niềm tin giữa các "mắt xích"

Đánh giá cao vai trò của báo chí với ngành nông nghiệp, trong một bài viết, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, dù tác nghiệp ở bất kỳ loại hình báo chí nào, báo giấy, báo điện tử, báo tiếng hay báo hình, người làm báo đều hướng đến việc chuyển tải thông tin ý nghĩa, lan toả giá trị tích cực đến độc giả, thính giả, khán giả. 

Công cụ tác nghiệp, tư thế tác nghiệp có thể khác nhau, điều quan trọng là giá trị của sản phẩm, của tác phẩm báo chí. Đằng sau mỗi sản phẩm, tác phẩm báo chí không chỉ là dòng chữ, bản tin, khuôn hình, mà là thông điệp, là câu chuyện, là cảm xúc...

"Con người chúng ta thường quan sát sự vật, hiện tượng thiên về hữu hình, điều dễ nhìn thấy, dễ diễn đạt. Trong khi ẩn dưới điều hữu hình là những yếu tố vô hình. Hữu hình thường hữu hạn. Vô hình thường không có giới hạn. Vậy, nông nghiệp có thể tích hợp các yếu tố vô hình để tăng thêm giá trị cho những kết quả, chỉ số hữu hình như năng suất, sản lượng? Và nhà báo không chỉ phản ánh, thông tin về những số liệu, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp, mà còn có thể đào sâu, tìm kiếm, chạm đến những giá trị vô hình của tài nguyên bản địa, truyền thống văn hoá, lịch sử, tinh thần cố kết cộng đồng,…" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp phát triển bền vững, khi mỗi ngành hàng nông sản trở thành chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị đó có sự tham gia của nhiều "mắt xích". Không một "mắt xích" nào có thể tồn tại riêng lẻ. Nếu vì bất kỳ nguyên nhân gì đó, một trong những "mắt xích" bị đứt gãy, thì chuỗi giá trị cũng sẽ bị đứt gãy. Khi ấy, giá trị ngành hàng không những không được tăng thêm, mà lại bị sụt giảm, thậm chí mất đi. Vậy, khi viết về nông nghiệp, nhà báo không chỉ đưa tin, không chỉ phản ảnh hiện thực về những tồn tại, hiện tượng tiêu cực đây đó. Nhà báo biết cách khéo léo giữ lửa niềm tin cho những "mắt xích" tham gia chuỗi giá trị ngành hàng.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định: Cảm xúc xuất phát từ trái tim, nhà báo tác nghiệp, hành nghề không chỉ dựa vào kiến thức, kỹ năng báo chí, truyền thông, mà cũng xuất phát từ trái tim. Ngòi bút chuyển tải những rung động của trái tim với nhiều cảm xúc tích cực. Khi ấy, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Nông nghiệp không còn bi kịch, nông thôn không còn bi thương, nông dân không còn bi lụy. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem