Khi chồng làm ông kễnh

Thứ hai, ngày 20/08/2012 07:33 AM (GMT+7)
Hôm rồi diễn đàn dành cho phụ nữ nháo nhác vì chuyện các ông vào Bệnh viện Phụ sản vẫn tranh ghế của... bà bầu. Đi chơi cuối tuần thì cảnh thường thấy là vợ bế con, chồng tay đút túi quần, mồm huýt sáo.
Bình luận 0

Trị chồng lười thế nào? Chị em cứ lúc rảnh là thì thầm chuyện ấy, nhưng chuyện ấy chả dễ.

Ngày yêu nhau, Duy là một chàng trai dễ thương lại chịu khó. Cơ quan anh cách nhà tôi vài cây số, nhưng chả ngày nào anh không có mặt ở nhà tôi, giúp tôi mọi việc, thậm chí, còn xách nước, nhặt rau cho tôi nấu cơm, dù đúng ra, là anh phải hết sức nâng niu đôi tay để giữ được sự nhảy cảm cần thiết cho công việc chuyên môn.

Tôi nhìn điều đó bằng thái độ trân trọng sự hy sinh của anh và dĩ nhiên, có cả sự tin cậy. Mà một người đàn ông tốt như thế, chắc chắn, tương lai sẽ là một ông chồng chu đáo, vợ con được nhờ. Chả phải tôi mà cả gia đình tôi cũng đều nghĩ như thế nên hết sức vun vào.

Nhưng đám cưới đã tiễn con thuyền tình yêu lãng mạn trôi về quá khứ. Chỉ còn thực tại trần trụi ở lại. Sau ngày cưới không lâu. Duy bắt đầu bộc lộ sự gia trưởng. Hình như càng trước mắt người khác, tính gia trưởng của Duy càng thể hiện rõ. Duy thẳng thừng: việc nhà là của đàn bà, đàn ông chỉ lo việc lớn. Nghe thế, thôi thì cũng mừng. Chồng lo việc lớn, vợ càng đỡ khổ chứ sao. Mấy việc nội trợ gia đình, mình cố cũng có sao! Nhưng, ngày tháng trôi qua, tôi không thấy Duy lo được việc gì lớn. Có lẽ anh còn phải tư duy để tìm ra việc lớn trước khi bắt tay vào làm?

img

Chiều chiều, trong khi tôi tất tả lao ra khỏi cơ quan nhanh nhanh chóng chóng đón con trước khi lượn qua chợ mua thức ăn về nấu cơm, thì Duy vẫn thong thả chờ muộn mới về cho đỡ... tắc đường. Tới nhà, tôi vừa nấu cơm, nhặt rau vừa trông chừng con.

Đành để cho cu cậu lôi tất cả những đồ chơi cu cậu thích ra, cho... yên chuyện. Nấu xong bữa ăn, cũng là lúc cậu con trai bày bừa tán loạn đồ chơi ra nhà. Lúc ấy, Duy mới về nhà. Dắt xe máy vào sân, anh uể oải thay đồ và ngồi vào trước màn hình ti vi chờ tôi dọn dẹp nhà cửa xong thì bưng cơm lên để ăn, chứ anh tuyệt không giúp vợ. Dán mắt vào TV, anh còn không giấu vẻ khó chịu mỗi khi con khóc, làm gián đoạn chương trình đang xem. Có lần, anh mải xem bóng đá thì con khóc, anh ầm ầm quát vợ là có mỗi đứa con cũng không trông nom tử tế được.

Nhiều hôm con ốm quấy khóc, bám mẹ không rời, tôi vừa phải bế con, vừa nấu cơm. Không còn thời gian nấu những món mà Duy thích như mọi khi. Thế là về nhà, thấy mâm cơm sơ sài, Duy đá thúng đụng nia: Thế này mà gọi là cơm à? Đúng là vụng thối vụng khê, át cả lời tôi giải thích trong nước mắt tủi than: "Con khóc quá, em không đi chợ nên không mua được thức ăn".

Buổi tối, thằng bé vẫn cứ khóc nhằng nhẵng bám mẹ, nên tôi vừa phải bế con, vừa phơi đồ. Nghe tiếng thằng bé khóc, thay vì bế giúp con cho tôi, hoặc phơi quần áo hộ, để tôi dỗ con, thì anh gầm lên: Dỗ nó đã! Quần áo để sáng mai phơi thì chết ai! Cứ ầm ĩ cả nhà lên thế này ai mà chịu nổi!

Không phải chỉ nhà cửa, đến phòng ngủ của hai vợ chồng, Duy cũng không bao giờ dọn dẹp. Chăn màn có bừa bộn đến mấy, anh cũng nghĩ như đó không liên quan gì đến anh. Từ sáng sớm đến tối mịt, tôi quay cuồng hết chăm sóc con cái, công việc cơ quan, lại đến việc nội trợ gia đình.

Nhiều đêm, 23h mới xong mọi việc, thế mà sáng hôm sau lại phải dậy sớm để chuẩn bị cho chồng con ăn uống, khiến lúc nào người tôi cũng cảm thấy mệt mỏi vì quá sức. Thế nhưng, chỉ cần nhìn thấy nhà cửa bẩn thỉu, bề bộn một chút là Duy gắt gỏng vì không chịu nổi. Còn anh, giữ thói quen về nhà là xem TV, còn buổi tối thì lên mạng đọc báo, hoặc chơi game, không bao giờ cần biết vợ đang làm gì và còn phải làm những gì.

Để cải thiện tình hình, đôi lần, tôi cũng mang về nhà vài cuốn tạp chí về gia đình có những bài đại loại như "Chồng lười việc nhà, vợ dễ ngoại tình" hay "Tan vỡ vì chồng gia trưởng", "Chồng lười việc nhà, vợ sẽ giảm "ham muốn"... nhưng Duy chả bao giờ thèm ngó đến. Có lúc, lướt qua cái tít giật gân kiểu ấy, Duy thậm chí còn không giấu thái độ coi thường: "Mấy bài viết bịa đặt vớ vẩn mà cũng đọc!".

img

Thế rồi, tôi bị ốm. Mấy ngày đâu, Duy cũng không vào bếp. Anh mua cơm hộp ở gần nhà về. Trời ạ, người khỏe không phải ai cũng xài được cơm hộp nữa là người ốm. Không ăn được cái gì, tôi càng ốm. Con trai tôi cũng không chịu ăn cơm hộp, khiến Duy cuồng lên.

Ông bà nội ngoại ở xa, không thể nhờ vả trông cậy ai được, nên cuối cùng, Duy đành vào bếp. Bữa mặn, bữa nhạt, tôi cũng cố ăn và khen ngon cho Duy hài lòng. Con tôi cũng luôn đói mềm vì phải chờ những bữa ăn luôn rất muộn so với khi mẹ nấu, nên bữa nào cũng khen cơm bố nấu.

Duy có vẻ phấn khởi khi thấy mẹ con tôi vui vì những bữa ăn do anh nấu, dù mất cả tuần, anh cũng đã có vài bữa ăn tàm tạm. Không có ai dọn dẹp, nhà cửa bề bộn đến không còn có thể bừa bộn hơn, Duy cũng đành xắn tay áo vào dọn dẹp, lau nhà cửa với sự động viên của mẹ con tôi.

Những ngày bị ốm, tôi suy nghĩ thật nhiều. Thời gian qua tôi đã sống cho anh quá nhiều mà quên đi bản thân. Tôi đã không đòi hỏi anh san sẻ bình đẳng, mà cứ chấp nhận gánh nặng công việc gia đình một mình. Nếu cứ để tình trạng này, tôi sẽ luôn bị ấm ức, mà điều này, chỉ làm cho hạnh phúc của tôi tiềm ẩn những nguy cơ.

Vì thế, khỏi ốm, nhưng lấy cớ yếu mệt, tôi vẫn cố tình nhờ Duy giúp việc nọ việc kia trong gia đình. Dù anh có làm tốt hay không, tôi cũng đều xui con trai "tung hô" bố cùng với mẹ. Tôi thường xuyên bày tỏ vai trò quan trọng của anh với cuộc sống của mình, nhất là sự giúp đỡ của anh trong lúc ốm đau.

Với sự trợ giúp của con trai, tôi dần kéo được Duy tham gia vào một số công việc gia đình mà anh không quá "câu nệ", đồng thời, vẫn không quên tỏ thái độ trân trọng và khẳng định vai trò "chủ nhân ông" của anh trong gia đình...

Theo Sức khỏe
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem