Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) ra lệnh phóng tên lửa thử hạt nhân là để cảnh báo Mỹ.
Ngay trước thềm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tân tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida (Mỹ), Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa mới, cũng là tên lửa tầm trung và cũng hướng về phía Nhật Bản như lần trước đó.
Dễ dàng có thể nhận thấy Triều Tiên nhằm vào sự kiện nói trên, nhưng đồng thời cũng còn thể hiện phản ứng về việc chính quyền mới ở Mỹ làm găng thêm rõ rệt với Triều Tiên, đồng thời gia tăng áp lực đối với Trung Quốc để Trung Quốc tận dụng ảnh hưởng và uy thế hiện có đối với Triều Tiên buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson trong chuyến đi Đông Bắc Á đã không những không loại trừ khả năng Mỹ sử dụng quân sự đối phó Triều Tiên mà còn đề cập đến cả việc đánh đòn phủ đầu vào Triều Tiên. Ông Trump còn tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng đơn phương một mình hành động đối phó Triều Tiên. Mỹ làm vậy để doạ và răn đe Triều Tiên cũng như để gia tăng áp lực đối với Trung Quốc. Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đối phó Triều Tiên như thế nào và lỗi ở đâu, tại ai mà Triều Tiên vẫn có thể bất chấp được cả Mỹ lẫn Trung Quốc và Mỹ suốt thời gian dài đến nay vì vậy trở thành một trong những chủ đề nội dung quan trọng nhất và quyết định nhất trên chương trình nghị sự của cuộc gặp tới đây giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình.
Thật ra, tất cả các đối tác này hiện đều ở trong tình thế khó xử và bên nào cũng tìm cách biến cái khó của bên kia thành cái dễ cho chính mình. Triều Tiên không thể không thấy môi trường chính trị an ninh và đối ngoại ở khu vực Đông Bắc Á đang diễn biến theo hướng trở nên ngày càng bất lợi hơn. Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (Thaad) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Chính quyền mới ở Mỹ đang tiếp tục củng cố liên minh quân sự với Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ ba này lại vừa tiến hành tập trận chung ở khu vực. Chính quyền mới ở Mỹ và cá nhân ông Trump có quan điểm cứng rắn đối với Triều Tiên. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã công khai coi Triều Tiên nguy hiểm về an ninh đối với Mỹ còn hơn cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay chương trình hạt nhân của Iran.
Gia tăng áp lực với Trung Quốc như thế, Mỹ đẩy Trung Quốc vào tình thế ngày càng thêm khó xử vì Trung Quốc không thể vì Mỹ mà đẩy Triều Tiên đến chân tường, nhưng đồng thời cũng lại có nhu cầu cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài là không để quan hệ với Mỹ bị đổ vỡ, tức lả không thể vì Triều Tiên mà găng với Mỹ. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản càng găng và càng thù địch với Triều Tiên thì Trung Quốc càng khó xử và tác động càng tai hại đối với Trung Quốc, cho dù vị thế của Trung Quốc được gia tăng. Trung Quốc đâu đã hết nghi ngại Mỹ lợi dụng đối phó Triều Tiên để đối phó luôn cả Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp dụng biện pháp trừng phạt Hàn Quốc về thương mại sau khi nước này để cho Mỹ và cùng với Mỹ triển khai Thaad trên lãnh thổ Hàn Quốc là bằng chứng mới nhất.
Trong thực chất, Mỹ hiện tại chỉ có 4 cách đối phó Triều Tiên là tiếp tục trừng phạt về kinh tế và thương mại, gia tăng áp lực đối với Trung Quốc để Trung Quốc đối phó Triều Tiên, sử dụng quân sự và đàm phán với Triều Tiên. Đàm phán song phương thì Mỹ không muốn, sử dụng quân sự thì ông Trump và ông Tillerson mạnh miệng thế thôi chứ Mỹ không dám - khi xưa, tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã tính đến nhưng rồi không dám làm, xiết chặt biện pháp trừng phạt thì cũng đã làm nhiều và sẽ chỉ có tác dụng mới nếu Trung Quốc tham gia thực chất hơn, và thông qua Trung Quốc thì Trung Quốc lại có cái khó xử, nhạy cảm và lợi ích riêng.
Nếu cứ như vậy thì tất cả đều trong tình thế khó xử và trong khó chưa thấy ló cái khôn. Nhưng nếu Mỹ và Trung Quốc - nhân khởi đầu thời kỳ quan hệ mới - mà trở thành 'cùng hội cùng thuyền' thì tình hình sẽ diễn biến khác. Triều Tiên vừa phóng tên lửa để cảnh báo Trung Quốc chớ thoả hiệp với Mỹ bất lợi cho Triều Tiên và cũng để thể hiện Triều Tiên tiếp tục "lấy cương chế cương" trong quan hệ với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.