Khi nữ thần mùa xuân trở lại

Thứ bảy, ngày 09/02/2013 06:11 AM (GMT+7)
Dân Việt - Thường đến vào tháng Hai, Tết Nguyên đán đánh dấu mùa Xuân thực sự khởi đầu. Lại một tháng Hai mới tinh và Xuân trở lại.
Bình luận 0

1. Năm Nhâm Thìn là hành Thuỷ (dương) đang vấn vít mấy ngày cuối cùng trước lúc sang năm Quý Tỵ, Trường Lưu Thuỷ (âm). Cổ nhân ví thời gian như nước cuốn, hệt thoi đưa. Thoi của khung dệt ngày nay mấy ai tường, chỉ biết nhanh không ngăn được.

img
 

Không ví thành ngữ quen “con tạo xoay vần”, tôi dùng hình ảnh “Valse” - điệu nhảy lâu đời nổi tiếng thế giới, nguồn gốc từ nước Áo. Cái đẹp và tình yêu đâu phân chia biên giới, châu lục. Valse dập dìu, nhịp nhàng vòng xoay 24 giờ/ngày đêm của Trái Đất quanh mặt trời, valse lướt 12 tháng qua 4 mùa thay đổi - Trái Đất nóng lên, tiết điệu mùa có khi bị đảo lộn, giãn nới. Nhưng Xuân không sai hẹn. Lịch lập Xuân đúng 3.2.2013 tức 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo lên Trời. Và Xuân chỉ thả chiếc áo xanh diệu kỳ xuống nơi nơi lúc giao thừa linh thiêng, xúc động.

Tết đương thì không cần nhiều nắng, mà chờ mưa Xuân, giai điệu mưa mùa đầu được yêu nhất trong các loại mưa.

Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều có nhiều thơ, tuỳ bút, truyện ngắn hay tả nhắc đến tháng Giêng, Hai ở làng Chùa. “Mưa tháng Hai bay ngào ngạt. Trên triền bãi ngây ngất mưa tháng Hai, tôi đã khóc trong hạnh phúc của tình yêu”.

Tháng Hai, mùa rau khúc sinh sôi. “Khúc tẻ to như ngọn cúc tần, làm bánh nhạt và không thơm. Khúc nếp nhỏ nhỏ li ti, phủ một lớp lông trắng như mốc, mọc từng đám dày tựa rêu. Hương khúc nếp mang vị đậm đà của đất phù sa, cái thanh tao của khí Xuân sông Đáy và cái gần gũi của ký ức những mùa rau và những chiều đồ bánh”.

Nguyễn Quang Thiều viết, ông không bao giờ khuất phục quyền lực, cám dỗ vật chất, song lại quỳ xuống để ngắm một bông hoa dại trên sườn núi Ailen hay cánh đồng hoa cải bên sông và hít sâu vào ngực hương rau khúc nếp. Như ông, tôi đã quỳ ngắm hoa và khóc vì những vẻ đẹp cảm động. Tháng Hai, Xuân mới đến gần, chưa cái đẹp hiện đại nào khiến tôi quỳ. Đôi chân, ký ức tôi đi tìm những mùa Xuân cũ.

2. Thời gian trườn vô lường như con rắn quyền năng. Loài bò sát bơi, leo, phi, quấn, mổ, thít con mồi đến chết và nuốt chửng, gồm nhiều loại: rắn lục lẫn vào cây cỏ, rắn nước như chớp, hổ mang chúa là hình ảnh phổ biến lột tả sức mạnh, sự nguy hiểm của rắn v.v…. Thò tay móc cua ở bờ ruộng có thể cấp cứu vì rắn cắn. Rắn gây hại và có ích, lẩn quất sống gần người như cái ác tất yếu song hành và cần cho cái Thiện.

Từ hồng hoang đến giờ, rắn chưa khi nào là loài được thích. Nó gây kinh hãi, khiếp sợ cho hầu hết phụ nữ, trừ một số cá biệt dám … nuốt rắn diễn trò kiếm tiền. Rắn chắc chỉ làm bạn, chịu thuần dưỡng khi làm xiếc, lắc lư theo tiếng sáo, chịu sự điều khiển của các nghệ sĩ xiếc, hay các ông thầy “phép thuật” trên đường phố Ấn Độ.

Với Ấn Độ giáo, thần Visnu là con rắn thần thoại, biểu tượng của sự bất tử. Năng lực bất tử được tôn thờ trong tín ngưỡng này xuất phát từ hiện thực: khả năng sinh đẻ nhiều và quá trình “lột xác” - quy luật quen mà bất trắc của giống mãng xà. Chẳng thế, “lột xác” không chỉ là động từ, mà thành tính từ cho sự thay đổi hình thức của con người. Thổ dân Úc tôn sùng, thờ rắn cầu vồng khổng lồ tượng trưng cho nước, thực thể tâm linh lâu đời. Rắn là loài giao thoa giữa thế giới sống - chết ở Trung Mỹ. Người Mexico coi rắn là thần bảo hộ gia đình. Iran, đất nước Tây Nam Á có vườn treo Babylon, rắn thiêng thành tín ngưỡng từ thời hang động. Thần rắn Naga ở Campuchia là thần tối thiêng.

Không có chân mà di chuyển nhanh, sống mọi môi trường, có nhiều màu sắc, kích cỡ, không có chân lại di chuyển rất nhanh với nhiều tư thế, thường gây sợ hãi, nể phục. Bí ẩn của rắn chính ở chuyển động bất thần, xuất hiện bí hiểm và sức mạnh khó lường. Lưỡi chia đôi, sức mạnh dồn vào đầu và đuôi, giá trị lớn nhất của rắn là nọc độc (làm dược liệu). Hình ảnh rắn, hoạ tiết da rắn từ lâu đã được đưa vào thời trang. Đặc tính lột da, có mặt khắp nơi khiến rắn là biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử.

Loài người tưởng mạnh nhất, mà sợ hãi truyền kiếp loài rắn. Việc chế ngự được rắn làm thực phẩm, ngâm rượu, nấu cao, chế thuốc xương khớp hay hình ảnh con rắn quấn quanh chiếc ly thành biểu tượng của y học thế giới, chẳng thể khiến con người thân thiện với loài vật này. Hay vì thuở hồng hoang, rắn đã khống chế, đe doạ được con người?

Truyền thuyết loài người ra đời từ vườn Eden chứa mâu thuẫn do Thượng đế (Chúa Trời) ban, tạo. Thượng đế tạo ra Lilith (con rắn cái) từ đất và ban cho làm vợ Adam. Lilith không tuân phục mà đòi bình đẳng với chồng. Không thoả ý, Lilith tự biến mất khỏi vườn Địa đàng. Thượng đế sai các thần đi tìm, nhưng Lilith không chịu quay về.

Thượng đế đành rút xương sườn Adam tạo Eva, người vợ thứ hai. Lilith đã ve vuốt Eva bằng lời nói, dụ dỗ nàng ăn trái cấm, Eva nghe theo và rủ Adam ăn. Rồi cả Lilith và Eva đều bị đuổi khỏi thiên đường, chiến đấu để tranh giành vai trò mẹ của sự sống Trái Đất. Cả hai đều đẹp, song cuộc tranh giành đã khiến họ tăng mưu mẹo, thù hận, nghi kỵ. Lilith tìm đến quỷ vương Satan và sinh ra loài bò sát đầu dẹp, mắt không bao giờ khép kín, nhìn chằm chằm đầy sát khí với muôn loài và thè lưỡi hai nhánh ghê sợ. Lilith là nhân xà, đầu người mình rắn, Thượng đế tạo hình ra nhân vật này ngay từ sơ khai khiến thế gian luôn vận động bởi mâu thuẫn liên miên.

3. Trung Quốc, Việt Nam ăn Tết Nguyên đán, phân chia thời gian theo sự vận hành của Mặt trăng. Nguyệt lịch đặt hiệu lệnh mùa. Ngày mai - Tương lai gần xa, ở phía trước. Sao ta cứ mong trở lại.

Điệu valse đang tiếp diễn theo nhạc của J. Strauss (1825-1899), theo vô vàn cung bậc trần gian. Nhạc điệu ấy là bài đồng dao rộn ràng của trò chơi thơ bé. “Rồng rắn lên mây”. Lũ trẻ xếp hàng “hỏi thăm thầy thuốc”, nắm đuôi áo nhau. Đứa đứng đầu dang tay che cho đoàn “rồng rắn” tránh cho đứa sau cùng (đuôi) bị bắt. Tuột tay là đoàn bị dứt giữa chừng và người sau cũng sẽ phải làm “thầy thuốc”.

“Rồng rắn” về những phiên chợ náo nhiệt tưng bừng như chợ Tết mà thi sĩ Đoàn Văn Cừ miêu tả. Hồn quê ngày áp Tết rộn rã quá, đầy sức sống của thiên nhiên động vật, sắc màu tự nhiên rực rỡ, sự náo nức trẻ già, háo hức ngắm mời, mua - bán.

Một số con đường trung tâm thành phố được trang trí nhiều đèn trên cao, ngang đường hay dưới những tán cây. Ở đô thị, khi chợ truyền thống mất dần, thay thế là các trung tâm thương mại, siêu thị, người ta vẫn quen mua sắm nơi chợ Tết. Có thể là điểm quen, có thể là chốn phát sinh, họp thời vụ chỉ nhằm đợt Tết. Không còn những quầy tranh, thầy đồ cho câu đối. Mỹ tục mất dần, như việc dựng cây nêu.

Theo quan niệm, cây nêu là cây tre cao 6m tước hết cành, chỉ còn cụm lá ở ngọn, buộc lá đá, lá cây vạn niên thanh, treo vòng tre, buộc những con cá, chuông con và khánh bằng đất sét nung, phát âm thanh nhẹ khi gió thổi. Dưới vòng buộc mũ thần, thoi vàng mã, miếng trầu, lá dứa hay xương rồng gai, đỉnh treo đèn thắp ban đêm để chỉ đúng đường cho Tổ tiên về ăn Tết.

Còn các vật kia nhằm xua đuổi ma quỷ, ma đói. Nợ nần thanh toán trước giờ cuối năm, trẻ con dù nhà nghèo đều có quyền mong có bộ quần áo mới. Sau giao thừa là đi chùa. Dịp Tết vui vẻ chúc Tết, thăm nhau, mừng Tuổi, sau Tết là lễ hội.

GS. Nguyễn Văn Huyên (1905-1975), người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Dân tộc học tại ĐH Sorbonne Paris năm 1924 đã viết cực hay về Tết Nguyên đán của người Việt Nam: “Tết Nguyên đán là những buổi rung động của sự khởi đầu của năm, tháng, mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu của các thời kỳ. Vì thế, sáng mồng Một là buổi sáng linh thiêng nhất, là điềm báo trước các sự kiện tốt lành cho các tháng âm lịch tiếp theo.

Dù theo nào đi nữa, dịp này, từ Bắc chí Nam, cả nước đều hoan hỉ. Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi ở kẻ nghèo nhất cũng như người giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thoả mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ linh thiêng trong nhà hay giữa những người cùng xứ sở”. (tạp chí Indochine,8/1941)

Nhà nghiên cứu lỗi lạc này đã viết hay và sâu như một nhà văn: “Ở xứ sở mà cuộc sống theo nhịp sự nối tiếp nhau của các mùa, Tết là dịp thiêng liêng trong tất cả. Con người, vào ngày bình thường, thuộc về gia đình, công việc của mình. Anh ta rất ngờ vực kẻ lạ. Chỉ những ngày chuyển sang năm mới, sự cảm thông trịnh trọng mới diễn ra.

Các gia đình thường khép mình và bị giam hãm vì những lo âu đời thường ích kỷ, chìa rộng tay chúc nhau. Trạng thái hưng phấn ấy, trong khi làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội, mở đầu những lễ hội mùa Xuân, sự vận hành muôn thuở kết hợp của mặt trời và mặt trăng, làm thiên nhiên xuất hiện với bộ trang sức tươi tắn, đổi mới của vạn vật, khẳng định sức mạnh của tinh thần gia đình và sự đoàn kết xã hội, trong mưa phùn tốt lành…”.

4. Theo truyền thuyết, Persephone - con gái của thần Zeus và nữ thần Nông nghiệp Demeter bị thần Hades cai quản âm phủ bắt xuống làm vợ. Nghiệt ngã thay, thần Zeus lại đồng ý điều này. Uất hận, người mẹ Demeter rời bỏ đỉnh Olympius, ẩn cư tại Athens. Vắng bà, mùa màng đất đai trần gian héo úa. Thần Zeus đành ra lệnh cho Hades phải trả lại tự cho cho Persephone. Sau những ngày Đông giá, Persephone trở lại.

Nữ thần Demeter niềm vui tràn ngập đã ban ơn khắp mặt đất muôn hoa lộng lẫy, cảnh vật tươi sáng, mùa màng tốt tươi. Từ đó, Persephone được gọi là nữ thần mùa Xuân. Nàng trở thành nhân vật trong tác phẩm của J. Goethe - Prosepina và tiểu thuyết gia người Anh A. Swinburne cũng viết về mùa Xuân với tác phẩm Hymn to Proserpine và The Garden of Proserpine. Nữ thần mùa Xuân là thiếu nữ đồng trinh hoa cài trên sóng tóc buông dài, làn da ngọc ngà và tình huống kịch tính của số phận nàng đã là nguồn cảm hứng của nhiều hoạ sĩ nổi tiếng thời kỳ Phục hưng.

Tranh vẽ nàng luôn là vật trang trí đặc trưng trong kiến trúc phương Tây và trên chất liệu gốm, đá. Đất trời khiêu vũ trong vòng tay vòng xoay yêu thương của nhân loại. Vút lên giọng soprano Ngô Hương Diệp vừa hát “Điệu valse trong mưa” của Nguyễn Cường, ca khúc viết từ 30 năm vẫn non xanh tình tứ quá. Tiếng hát hoà nhịp Xuân: “Mưa có nhạc nhưng không lời nên mưa hát/ Mưa không nói mưa thấm nhạc xanh xanh lời mưa mưa hát mưa hát/ Mưa rơi giọt nối giọt lời nối lời ngân tiếng cười trời đùa cùng đất/ Mưa rơi mưa rơi vào hương vườn vào phố phường vào cánh đồng vào chúng mình bao giọt xanh”…

Kìa Anh, bao giọt xanh đang nảy lộc khắp cành, lộc may mắn và hy vọng cho muôn phận kiếp trước thềm Xuân. Thềm khởi những cung bậc cuộc sống một năm mới tốt lành, xanh tươi từ điệu valse đầu mùa mới trữ tình, trong ngần, linh thiêng, thanh thản…

Xuân 2013

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem