Nông dân làm… giống lúa
Theo ông Nguyễn Văn Phấn - Phó Chủ tịch Hội ND Hòa Bình, từ những năm 2006-2007, việc không thể kiểm soát được "đầu vào" của các giống lúa đã khiến nông dân chịu nhiều rủi ro. "Xuất phát từ thực tế này, chúng tôi khuyến khích nông dân tham gia phát triển các giống lúa phù hợp với địa hình, khí hậu của địa phương" - ông Phấn cho biết.
|
Khoảng 80% số người dân xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc sử dụng các giống lúa nông hộ. |
Thực tế, Việt Nam sử dụng nhiều giống lúa lai. Ước tính trên 30% diện tích sản xuất lúa ở miền Bắc sử dụng giống lúa lai và 70-80% khối lượng giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc, riêng Hòa Bình là trên 50%. Tuy nhiên, nguồn cung thị trường lúa lai thất thường, giá giống cao. "Lúa lai có năng suất cao nhưng phải đầu tư nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... Vì thế, chúng tôi phải đầu tư chi phí rất cao so với việc sử dụng giống lúa thuần" - anh Bùi Cao Tường, xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc cho biết.
Thực tế ở Hòa Bình có hàng trăm "thủ lĩnh" về giống, đã và đang ngày đêm nghiên cứu, lai tạo, phục tráng các giống lúa nông hộ, đặc biệt là những giống lúa đặc sản của địa phương. "Nhiều nông dân đã trở thành những người nghiên cứu, nhà khoa học ngay trên ruộng của mình. Họ chủ động tìm ra các giống lúa phù hợp với vùng đất và tìm lại những giống đặc sản địa phương đã bị mai một để phục tráng" - ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội ND xã Phong Phú, huyện Tân Lạc khẳng định.
Hiện nay, tỉnh đã và đang làm thử nghiệm sáng kiến giống nông hộ ở tại 3 huyện Tân Lạc, Kim Bôi và Lạc Sơn trên địa bàn 6 xã, nhằm hỗ trợ người nông dân có thể tự phục tráng, lai tạo, sản xuất và tự chủ về giống lúa, đồng thời tăng sự trao đổi và liên kết trong cộng đồng, tạo tính bền vững.
Gian nan đăng ký thương hiệu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc sản xuất giống lúa nông hộ ở Hòa Bình đang là một mô hình thử nghiệm thành công ở miền Bắc. Tuy nhiên, việc áp dụng đang ở quy mô nhỏ, mới đáp ứng được khoảng 70-80% nhu cầu giống lúa trong các xã dự án, và các nhóm nông dân sản xuất giống cũng gặp nhiều khó khăn về đất sản xuất, vốn.
Nhận ra những nguy cơ khi phải phụ thuộc giống từ bên ngoài, tỉnh Hòa Bình đã đưa ra nghị quyết tăng phần trăm giống do nông dân sản xuất từ 10-15 lên 30% vào năm 2010 và đến 70% vào năm 2015.
Đến nay, dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ về giống, thương hiệu giống cho hệ thống giống chính quy từ các trường, viện, các trạm hoặc trung tâm giống, nhưng lại chưa áp dụng cho loại giống do nông dân sản xuất. Điều này là một trong những trở ngại lớn trong việc đăng ký thương hiệu, mở rộng phát triển những giống lúa thuần.
"Trong khi giống cung cấp từ các trung tâm chỉ là một loại giống áp dụng chung cho cả vùng, thì việc người dân lai tạo ra nhiều giống lúa phù hợp với đặc tính của từng thửa ruộng đất trũng, đất khô cằn, hay thừa nước, lại khó thực hiện vì thiếu tiền và các điều kiện khác, nên khó cạnh tranh với các công ty, doanh nghiệp, trong khi Chính phủ đã ra Quyết định 35/2008/QĐ-BNN khuyến khích người dân tự lai tạo và sản xuất giống"- ông Nguyễn Văn Phấn - Phó Chủ tịch Hội ND Hòa Bình trăn trở.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.