Khó dẹp nạn biếu xén cuối năm

Thứ tư, ngày 26/01/2011 13:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cứ đến dịp Tết đến Xuân về, việc biếu xén bằng công quỹ, biếu xén bất thường... lại trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối. NTNN trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh thực trạng này.
Bình luận 0
img
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tập quán hay tệ nạn?

Thưa bà, cứ mỗi dịp cuối năm tình trạng “quà cáp, biếu tặng” lại rộ lên như một phong trào. Liệu đây có phải là nét văn hoá, thể hiện sự kính trọng, thân thiết?

- Việc quà cáp, biếu tặng là một tập quán rất tốt đẹp của dân tộc. Mỗi khi Tết đến xuân về người ta thường nhớ ơn những người có công, những người giúp mình nên người.

Chẳng hạn như là đối với những người thầy, những thầy thuốc đã cứu chữa cho mình, cứu chữa người thân của mình khỏi cơn nguy khốn hoặc là cha mẹ có công dưỡng dục mình. Để thể hiện tình cảm mình có những món quà nhỏ để biếu vào dịp Tết. Nếu như ở mức đó là tốt đẹp.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: “Không mang quà, hoa đến nhà riêng các đồng chí lãnh đạo để chúc Tết. Không dùng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể hoặc có nguồn gốc từ ngân sách, từ công quỹ, từ các nguồn tài trợ để tổ chức liên hoan, chiêu đãi, thưởng, biếu, cho, tặng sai chế độ quy định của Nhà nước... không sử dụng xe công để phục vụ cho các hoạt động cá nhân”.

Nhưng sau này việc biếu xén trở thành tệ nạn. Nó đã đi quá xa khi mà đối tượng được biếu không phải là những người mà tôi vừa nêu mà là các quan chức, cấp trên của cơ quan. Kể cả những người ngoài cơ quan nhưng là những người bằng vị trí, bằng quan hệ của họ có thể thực hiện được một việc gì đó có lợi cho người đi biếu.

Và cuối cùng đã sinh ra tệ biếu xén. Thậm chí có khi chưa được giúp gì vẫn biếu, vì biết đâu sau này giúp được gì đó. Dịp Tết chỉ là một cái cớ.

Vậy, bà nhận xét thế nào về tình trạng “quà cáp, biếu tặng” lãnh đạo, cấp trên vào dịp cuối năm?

- Một khi giá trị những thứ biếu xén ngày càng lớn, nó không đơn thuần là tình cảm nữa, mà mọi thứ đều quy ra tiền. Mặc dù người được biếu đôi khi không là ruột rà, không là thầy trò. Thanh tra Chính phủ vừa có công văn chỉ đạo việc kiểm soát quà Tết cuối năm, nhưng tôi cho rằng chẳng thể kiểm soát được. Bởi nhịp độ những người “đi Tết” ngày càng tăng cao, các tỉnh cũng đổ về Hà Nội đông hẳn lên.

img
Chuẩn bị giỏ quà Tết tại một cửa hàng trên phố Hàng Da, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Những món quà biếu mà bà cho là vượt xa so với ý nghĩa của nó là gì, thưa bà?

- Ngày Tết có thể biếu tặng bó hoa, cành đào, chai rượu nhẹ, vài thứ hoa quả, là những thứ dùng vào dịp Tết, biếu cho người thân, cho gia đình. Cái đó là ở mức độ tình cảm.

Nhưng tặng quà cho nhau, ngoài những chiếc phong bì nặng, thậm chí gửi tiền qua tài khoản trong nước và nước ngoài, quyền sở hữu nhiều cổ phiếu… thì còn biếu nhau cả “lô” đất với giá trị hết sức lớn. Những thứ có giá trị tài sản thì không là quà nữa, bản thân người nhận cũng biết đấy không phải là quà tình cảm nữa.

Quyền lực cần phải công khai, minh bạch!

img Tất cả chúng ta ngồi đây đều là lãnh đạo hết, vì thế đừng ai đi biếu quà cho người khác và cũng đừng để ai đến biếu quà cho mình. img

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Quà tình cảm và quà mang tính chất hối lộ hiện chưa có tiêu chí để phân biệt? Theo bà có cách gì để chúng ta phân biệt rạch ròi chuyện này, tránh sự “biến tướng”?

- Tôi nghĩ là khó để nhận định. Việc kiểm soát từ người biếu là rất khó vì họ không nhận rằng mình đưa quà hối lộ. Họ hiểu nhau và thoả thuận với nhau.

Theo bà, làm thế nào để hạn chế tình trạng quà cáp, biếu xén dịp cuối năm, vừa gây áp lực lên người đi biếu, vừa gây áp lực cho người được biếu?

- Tôi cho rằng muốn hạn chế tình trạng này không có cách gì khác ngoài việc phải công khai quyền lực để những người có quyền không được nhập nhèm, không được lấy đó là lợi thế của mình.

Quyền ban phát được công khai minh bạch, chẳng hạn như quyền cấp dự án, quyền cấp đất, cấp phép kinh doanh… Người ra quyết định phải có trách nhiệm giải trình tại sao lại quyết định cho người này mà không cho người khác. Phải chịu trách nhiệm trước quyết định đó, phải thật minh bạch.

Không thể trách người đi biếu mà phải trách người nhận quà biếu. Và phải tự đặt câu hỏi dựa vào đâu mà họ lại được nhận những món quà giá trị như vậy.

Xin cảm ơn bà!

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Nhiều người lợi dụng biếu quà để chạy chức quyền

Trong rất nhiều trường hợp, việc tặng quà là chuyện bình thường. Ví dụ trong dịp lễ Tết anh em trong cơ quan người ta đến tặng nhau một gói kẹo, gói trà thậm chí là giúp đỡ cho nhau một ít tiền... cũng là chuyện rất bình thường trong xã hội. Việc đó xét về mặt luật pháp thì cũng chưa có quy định nào cấm đoán.

Nhưng, vừa qua có một số người lợi dụng tiền nong để chạy chức, chạy việc, thậm chí là chạy tội. Chính vì vậy nó làm cho biến dạng đi tính chất bình thường của nó. Đã có quy chế cấm, nhưng rất tiếc vừa qua đã có một số nơi không thực hiện đúng việc này nên đã xảy ra vài chuyện không nên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem