Đại hội cổ đông thường niên của "ông lớn BOT" - Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Ảnh: Quốc Hải)
Theo chia sẻ của lãnh đạo CII, năm 2018 là năm khó khăn nhất kể từ khi thành lập đến nay của công ty, kéo theo đó là sự sụt giảm về kết quả kinh doanh, năng lực tài chính, nhất là tài sản của cổ đông tại thời điểm cuối năm sụt giảm rất lớn so với đầu năm khi giá cổ phiếu sụt giảm từ vùng giá 35.000 đồng/CP về vùng giá 25.000 đồng/CP.
“Đây là một điều chưa từng xảy ra đối với cổ đông CII trong các năm trước”, ông Lê Vũ Hoàng - Chủ tịch HĐQT CII chia sẻ.
Dòng tiền cực xấu, lợi nhuận bết bát
Báo cáo của HĐQT CII tại đại hội, năm 2018 doanh thu của CII chỉ đạt 3.549 tỷ đồng, bằng 81% so với thực hiện năm 2017 (đạt 4.394 tỷ đồng) và chỉ đạt 55% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch 6.443 tỷ đồng); Lợi nhuận trước thuế năm 2018 chỉ đạt 392 tỷ đồng, chỉ bằng 23% so với thực hiện năm 2017 (đạt 1.677 tỷ đồng) và chỉ đạt 19% so với kế hoạch (2.038 tỷ đồng); Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 215 tỷ đồng, chỉ bằng 13% so với thực hiện năm 2017 và chỉ đạt 13% so với kế hoạch đề ra (1.697 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ vì thế chỉ đạt 95 tỷ đồng, giảm tới 94% so với năm 2017 (đạt 1.514 tỷ đồng), và chỉ đạt 8% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch 1.212 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đáng chú ý là dòng tiền của CII trong năm 2018 lại cực xấu. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của CII đạt 22.271,8 tỷ đồng (tài sản ngắn hạn là 5.901,2 tỷ đồng và tài sản dài hạn là 16.370,5 tỷ đồng); về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của CII là 14.558,3 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 7.713,5 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu là 1,89 lần; Tỷ lệ Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn là 0,65 lần và tỷ lệ Nguồn vốn chủ sở hữu/Tổng nguồn vốn là 0,35 lần.
Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) là 8%; Tỷ suất thu hồi vốn chủ sở hữu (ROE) là 3%.
CII cũng trình đại hội cổ đông sẽ tạm thời không phân chia lợi nhuận của năm 2018.
Lý giải về kết quả kinh doanh có phần bết bát và dòng tiền khá xấu trong năm 2018, lãnh đạo CII cho biết, các kế hoạch đề ra của CII không thực hiện được là do một số hoàn cảnh “bất khả kháng” bởi các yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, vay vốn ngân hàng… Cụ thể, ngày 28.3.2018, Bộ Tài chính ra văn bản “yêu cầu tạm dừng thanh toán các dự án theo hợp đồng BT”; tuy nhiên, đến ngày 28.12.2018 thì Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP. Theo đó, việc thanh toán các hợp đồng BT được ký kết trước ngày 1.1.2018 thì vẫn tiếp tục thực hiện.
“Trong suốt năm 2018, CII không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến dòng tiền của CII mà còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, phá vỡ tất cả các dự tính, dự báo của CII trong năm”, ông Lê Vũ Hoàng nói.
Một loạt các khó khăn khác cũng ảnh hưởng đến dòng tiền của CII, đặc biệt là Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Cụ thể, dự án chậm tiến độ so với kế hoạch, theo lý giải của công ty thì theo phương án tài chính được duyệt, nguồn vốn các chủ đầu tư cần góp là 1.542 tỷ đồng (khoảng 15% tổng mức đầu tư). Nhưng theo chủ trương của NHNN, các ngân hàng yêu cầu nâng tỷ lệ vốn lên 30% (khoảng 2.500 tỷ đồng), nhưng các nhà đầu tư trong liên doanh không… đủ vốn nên CII phải gánh việc huy động thêm 1.000 tỷ đồng để tránh đổ vỡ dự án.
Riêng vướng mắc liên quan đến nhà đầu tư Yên Khánh trong liên doanh (nhà đầu tư chiếm 30% vốn tại doanh nghiệp dự án), do có một số sai phạm pháp lý trong một số dự án khác do đơn vị này làm chủ đầu tư. Vì vậy, ngân hàng tài trợ vốn yêu cầu CII phải thay thế Yên Khánh mới đồng ý giải ngân vốn vay. Việc thay thế này CII phải kiến nghị lên Thủ tướng xem xét nên kéo dài khó khăn cho BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ngoài ra, lãi suất vốn vay của dự án có sự chênh lệch rất lớn giữa lãi suất tính toán hoàn vốn trong phương án tài chính được duyệt và lãi suất vay thực tế khiến CII càng khó khăn về dòng tiền. Việc này cũng được CII “cầu cứu” lên Thủ tướng.
Còn với dự án BOT Xa lộ Hà Nội, việc thu phí hoàn vốn cho dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội dự kiến được thực hiện từ 1.1.2018 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và kết quả hoạt động của CII.
Kỳ vọng vào Năm Bảy Bảy?
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, CII dự kiến đạt doanh thu 5.400 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hợp nhất thực tế (không trừ lợi thế thương mại) là 932 tỷ đồng; LNST công ty mẹ hợp nhất (sau khi trừ lợi thế thương mại) là 717 tỷ đồng; Tỷ lệ chia cổ tức tối đa là 32%.
Chia sẻ tại đại hội, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII, cho biết dự kiến CII có thể thu hơn 3.000 tỷ đồng từ việc NBB (Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy, mã chứng khoán: NBB) thoái vốn tại các dự án.
Cụ thể, ông Lê Quốc Bình cho biết, CII đang tìm cách tăng sở hữu tại NBB, bởi chúng tôi định giá NBB trên 71.900 đồng/CP, lớn hơn rất nhiều so với giá trên sàn.
"Chúng tôi đã thống nhất với HĐQT NBB và giao thoái vốn các dự án. Theo đó, CII sẽ thu về 64% dòng tiền NBB, tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Năm 2018, NBB đã thoái vốn tại hai dự án NBB2 và NBB4, dự kiến thu về 2.000 tỷ đồng trong 2019”, ông Bình, cho biết.
Cũng theo ông Bình, trước đây CII chọn mua NBB để xây dựng CII Land. Thế nhưng thương hiệu NBB sụt giảm nhiều khi xảy ra sự cố vụ cháy chung cư Carina trong năm 2018. Về phía CII, các dự án bị dừng lại do vướng mắc chính sách, thêm vào đó CII không có quỹ đất đẹp tại vùng ven sông nên các nhà đầu tư nước ngoài không tham gia vào. Do đó, mục đích ban đầu này không thành công nên HĐQT chuyển đổi sang phương án khác. Đó là CII định sử dụng một công ty con để chuyển một số dự án bất động sản NBB về và chuyển dự án CII qua.
Cũng tại đại hội lần này, cổ đông đã chấp nhận Đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT CII của ông Dominic Scriven theo nguyện vọng cá nhân; đồng thời bổ nhiệm ông Dương Trường Hải làm thành viên HĐQT độc lập thay thế ông Dominic Scriven.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.