Nắm dự án BOT trọng điểm, 'đại gia' CII vẫn bộc lộ sức khỏe tài chính đáng lo

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 31/03/2019 07:30 AM (GMT+7)
Nổi tiếng với nhiều dự án BOT quan trọng tại TP.HCM, đặc biệt là các dự án đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) ở khu vực điểm nóng Thủ Thiêm, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) lại đang bộc lộ nhiều vấn đề về sức khỏe tài chính khi khoản phải thu tăng mạnh và cấu trúc vốn thiếu an toàn khi nợ vay ở mức xấp xỉ 50% tổng tài sản.
Bình luận 0

img

Những đứa trẻ đang vui đùa trên con đường ngập nước trong dự án BT đổi đất "vàng" Thủ Thiêm sau đó đem đi liên doanh với đối tác Trung Quốc của Công ty CII. (Ảnh: IT)

Năm 2018, CII nổi lên với nhiều thông tin về việc được đầu tư các dự án BOT quan trọng ở TP.HCM khi “cuộc chiến BOT” nổ ra ở nhiều tỉnh thành. Thêm vào đó, CII tiếp tục được nhắc đến khi là doanh nghiệp (DN) được chia “miếng bánh” Thủ Thiêm khi được giao đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bù lại DN này được nhận khoảng 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê) ở khu vực này.

Sức khỏe “đại gia BOT” thế nào?

Kết thúc năm 2018, dù doanh thu thuần của CII tăng 33%, đạt 2.708 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng mạnh 93%, đạt 768 tỷ đồng; nhưng kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của CII lại giảm tới 89%, chỉ đạt gần 164 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ đạt hơn 86 tỷ đồng, mới hoàn thành 7% kế hoạch năm 2018. Đây là kết quả  thấp nhất mà CII ghi nhận trong 5 năm qua (2014 - 2018).

Theo giải thích của lãnh đạo CII với cổ đông, việc kết quả kinh doanh của CII thấp nhất trong 5 năm qua là do “đã có những thay đổi bất khả kháng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Những yếu tố này không những gây ảnh hưởng lớn đến dòng tiền vào của CII mà còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty, phá vỡ tất cả các dự tính, dự báo của CII trong năm 2018…”.

Tuy nhiên, nhìn vào BCTC của “đại gia BOT” CII, có thể thấy được nhiều vấn đề về sức khỏe tài chính đã tiềm ẩn từ nhiều năm qua chứ không hẳn chỉ diễn ra trong năm 2018.

Cụ thể, khoản thu nhập cốt lõi của CII ngày càng giảm, thậm chí là âm trong vài năm gần đây và nhường chỗ cho lợi nhuận từ hoạt động tài chính hoặc các hoạt động bất thường khác. Chẳng hạn năm 2015, thu nhập cốt lõi của CII là 384 tỷ đồng (thua nhập tài chính là 412 tỷ đồng), thì bước sang năm 2016 khoản thu nhập này chỉ còn 114 tỷ đồng (trong khi thu nhập tài chính tăng tới 1.040 tỷ đồng), và năm 2017 khoản thu nhập cốt lõi thậm chí âm tới 108 tỷ đồng (trong khi khoản thu nhập tài chính tăng tới 1.655 tỷ đồng).

Nhìn vào BCTC từ năm 2016 đến nay, có thể thấy doanh thu tài chính đã trở thành “cứu cánh” cho CII. Chẳng hạn, năm 2016 CII ghi nhận khoản doanh thu tài chính tới 1.498 tỷ đồng, tăng 73% chủ yếu nhờ lãi thanh lý công ty con 912 tỷ đồng. Năm 2017, khoản này tăng lên đến 2.189,6 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.600 tỷ đồng (chiếm 73%) là khoản lãi từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty con. Tuy nhiên, bản chất của dòng tiền này là lợi nhuận hạch toán khoản phi tiền mặt, tức không có dòng tiền nào chảy vào doanh nghiệp và về nguyên tắc phải phân bổ tối đa trong 10 năm.

Và trên thực tế, năm 2017, CII đã phải phân bổ 284 tỷ đồng và năm 2018 phân bổ 271 tỷ đồng. Khoản chi phí này vẫn sẽ tiếp tục phân bổ trong các năm tiếp theo.

img

Cơ cấu lợi nhuận của CII qua các năm 

Ngoài ra, đặc thù của lĩnh vực đầu tư hạ tầng là thời gian đầu tư dài và lợi nhuận cũng như dòng tiền trong những năm đầu sẽ rất thấp do DN phải ưu tiên trả nợ ngân hàng. Điều này cũng thể hiện rõ qua dòng tiền kinh doanh của CII những năm qua đều âm và để đảm bảo nguồn vốn, CII đang gia tăng nợ vay khá lớn. Theo đó, tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản CII đạt 22.271 tỷ đồng, trong đó 65,3% là nợ phải trả (14.558 tỷ đồng). Khoản nợ vay ngắn hạn của CII là 4.551 tỷ đồng, tăng đến 80,2% so với đầu năm, còn nợ vay dài hạn là 6.292 tỷ đồng, giảm 12,2% so với đầu năm.

Đặc biệt, tổng phải thu tại CII tính đến hết năm 2018 chiếm khoảng 30% tổng tài sản và đang có xu hướng tăng khá mạnh. Cụ thể, khoản phải thu ngắn hạn cuối năm 2018 là 4.001 tỷ đồng, tăng 35,4% so với đầu năm, còn phải thu dài hạn 2.713 tỷ đồng, tăng 35,5% so với đầu năm.

Đặt kế hoạch kinh doanh “khủng”, nhưng…

Bước sang năm 2019, CII đặt mục tiêu doanh thu 5.400 tỷ đồng; chi phí: 4.700 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hợp nhất (không trừ lợi thế thương mại) là 932 tỷ đồng, lãi ròng sau khi trừ lợi thế thương mại đạt 717 tỷ đồng. Kế hoạch này lần lượt cao gấp đôi và gấp 8 lần đối với doanh thu và lãi ròng thực hiện được năm 2018. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2019 tối đa 32%.

Tuy nhiên, CII cũng “lưu ý” với cổ đông rằng, kế hoạch lợi nhuận nêu trên chỉ có thể hoàn thành nếu không xảy ra tình huống thay đổi chính sách theo hướng bất lợi so với tình hình hiện nay, như đã từng xảy ra trong năm 2018.

Đặc biệt, trọng tâm của năm 2019 của CII là “nhằm lấy lại hình ảnh của công ty và niềm tin của cổ đông”. Do đó, CII sẽ phát triển các dự án trọng điểm hiện hữu trong danh mục như: dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án BT Thủ Thiêm, mở rộng Xa Lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 60, 152 Điện Biên Phủ,… Đồng thời, công ty thực hiện tái cấu trúc nguồn vốn theo hướng giảm các khoản vay ngắn hạn, tăng vay dài hạn và giảm tỷ lệ nợ/vốn, thanh lý các tài sản không tạo được dòng tiền mạnh.

Ngoài ra, tại đại hội cổ đông lần này (dự kiến ngày 18.4.2019), HĐQT CII sẽ trình cổ đông chấp nhận Đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT CII của ông Dominic Scriven theo nguyện vọng cá nhân; Bổ nhiệm ông Dương Trường Hải làm thành viên HĐQT độc lập thay thế ông Dominic Scriven.

Ngoài ra, CII cũng trình cổ đông cũng sẽ xem xét, thông qua tổng thể phương án phát hành riêng lẻ tối đa 500 tỷ đồng giá trị Trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền để đáp ứng nhu cầu vốn của công ty trong thời gian sắp tới.

Vì sao CII được coi là "đại gia BOT"?

CII hiện đang là chủ đầu tư của hàng loạt dự án, công trình giao thông quan trọng tại TP.HCM như: Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 2.847,2 tỷ đồng, thu phí hoàn vốn trong vòng 13 năm kể từ tháng 3.2018; Dự án Cầu Sài Gòn 2 với tổng mức đầu tư 1.311,9 tỷ đồng theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” (BT); Dự án Cầu Rạch Chiếc với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng…

Đặc biệt, CII cũng đang tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng trong Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư 2.641 tỷ đồng theo hình thức BT; Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem