Khoai trồng trên vùng cát trắng hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy đầy cam go như chính phận người ở đó. Đầu tháng hai âm lịch, ngọn khoai lang cắm xuống cát trắng, âm thầm chắt chiu vị mặn mòi của biển mà lớn lên. Đến chừng hạ tuần tháng năm âm lịch thì cho thu hoạch đại trà tránh lũ tiểu mãn. Tôi hỏi các mệ, các chị nơi làng biển Tân Định, Hải Ninh rằng khoai deo có từ bao giờ. Không ai nhớ... người vùng cát Quảng Ninh, Lệ Thủy lớn lên đã thấy hạt lúa, củ khoai bên mình.
Phơi khoai deo ngày được nắng.
Khoai thu hoạch xong, chất đống trong góc nhà, gặp ẩm hay đâm chồi, hư hỏng. Trong cái khó, ló cái khôn, bà con rủ nhau luộc khoai lên, xắt lát, gặp trời nắng, phơi khô rồi đem cất. Những rổ khoai chất trên tra nhà mỗi khi vào mùa nước nổi, khoai bên người cùng chống lũ, ngồi nhìn con nước trắng đồng, tiện tay vốc lấy lát khoai khô nhâm nhi, càng nhai càng khoái khẩu, vị ngọt âm âm lan trên đầu lưỡi... Và chắc chắn, khoai deo khởi thủy từ giây phút này.
Nhưng lạ! Chỉ có khoai trồng trên cát dọc từ Hải Ninh lên Hồng Thủy, Thanh Thủy mới cho vị ngọt đặc trưng riêng.
Để có những lát khoai deo dẻo mềm, dịu ngọt, khi đưa khoai về phải phơi khoai tươi ba ngày, mỗi ngày chỉ phơi độ một tiếng đồng hồ tùy theo con nắng, giữa hai lần phơi đều lấy chăn ủ lại. Sau công đoạn này, khoai được đưa vào cất đến mười ngày thì đem ra nấu. Khi nấu cần đổ nước đầy nồi, đun bằng củi trong ba giờ đồng hồ thì vớt ra, bóc vỏ, sát từng lát bằng tay. Tiếp tục phơi thêm mười nắng nữa là thành phẩm.
Quy trình sát khoai phải làm hoàn toàn bằng thủ công. Sát bằng tay để còn biết củ khoai chỗ nào bị hà, sâu, sùng để mà cắt bỏ, khi ăn không còn đắng. Sát khoai phải khéo léo vì củ khoai nấu chín mềm rất dễ vỡ... Mỗi lát khoai deo làm ra mang nặng ân tình người dân biển Hải Ninh.
(Theo Báo Quảng Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.