Lát cắt lịch sử
Những hoạt động trong Ngày di sản văn hóa VN năm 2012 này được xem như cuộc diễn tập đầu tiên để hướng tới một sự kiện văn hóa lớn vào năm 2013, đó là Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013. Ngày di sản năm nay có 5 địa phương tham dự là Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh.
|
Múa rối nước- một trong những sản phẩm của nền văn minh Sông Hồng. |
Trong 4 ngày, từ 21 đến 24.11, tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam số 2 Hoa Lư (Vân Hồ, Hà Nội), những tinh hoa văn hóa của văn minh sông Hồng từ các địa phương sẽ được quy tụ để giới thiệu với khách tham quan.
Tại khu vực trung tâm sẽ là khu trưng bày tổng quan những nét đặc trưng của văn minh sông Hồng - nền văn minh bản địa, có một sức sống mạnh mẽ, phát triển ổn định từ thời Đông Sơn đến Đại Việt rồi tới Việt Nam ngày nay như một lát cắt trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Khu trưng bày tập trung giới thiệu các hiện vật: Trống đồng, sưu tập công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức, nhạc khí… cùng các tài liệu khoa học như bản đồ các di tích văn hóa Đông Sơn lưu vực sông Hồng, ảnh đền Cổ Loa, bản vẽ hoa văn trống đồng thể hiện đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Đông Sơn.
Phần nội dung tiếp theo là “Châu thổ sông Hồng – Trung tâm văn minh Đại Việt” sẽ giới thiệu những thành tựu của quốc gia Đại Việt với kinh đô Thăng Long trong các triều đại Lý – Trần – Lê sơ, giai đoạn phát triển đỉnh cao của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam trong đó tập trung giới thiệu thành tựu trong công nghệ sản xuất gốm sứ và bản trích “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, bản đồ Thăng Long thời Lê sơ, bản ảnh khu di tích Khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long, bản ảnh thềm rồng Điện Kính Thiên trong thành cổ Hà Nội, bản ảnh đền Đồng Cổ...
Thử làm nông dân
Theo ông Phan Đình Tân- người phát ngôn của Bộ VHTTDL, chương trình Ngày hội di sản văn hóa “Khám phá văn minh sông Hồng” năm nay là một cơ hội để khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ. Vì vậy Ban tổ chức sẽ kết hợp với Bộ GDĐT để tổ chức cho các bạn trẻ đến với ngày hội này.
“Tại không gian trưng bày ngoài trời, các nghệ nhân dân gian và bà con nông dân sẽ dựng nên một căn nhà đặc thù miền quê đồng bằng Bắc Bộ với phên giậu tre, vách đất, mái rạ, chum nước, đống rơm, ngoài ra còn có đầy đủ các nông cụ, lúa, mạ và các sản phẩm làm từ lúa gạo.
Trong khuôn khổ Ngày di sản văn hóa, Hội thảo “Phát huy di sản văn hóa dân gian – thực trạng và nhu cầu phát triển” sẽ được tổ chức sáng 22.11; cùng các triển lãm “Huyền thoại cầu Long Biên”, Nghệ thuật thư pháp, Tranh dân gian Việt Nam...
Khách thăm quan được hòa mình và trải nghiệm với không gian văn hóa lúa nước như: Cấy lúa, xay thóc, giã gạo, tát nước, làm bánh... Có thể nói đây sẽ là một cơ hội quý để các bạn trẻ được thực tập làm nông dân, để hiểu thêm về đời sống của cha ông ta thời xưa”- ông Tân cho biết.
Một mảng trưng bày khá thú vị là triển lãm diều sáo đồng bằng Bắc Bộ với gần 50 bộ diều sáo, trong đó có con diều “Chú Tễu” đạt kỷ lục Guiness với chiều cao 8m, của 13 nghệ nhân thuộc 10 câu lạc bộ diều đến từ 7 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tại đây, trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, các nghệ nhân làm diều sẽ hướng dẫn cho khách tham quan cách làm diều từ loại đơn giản đến phức tạp nhất.
Bên cạnh đó, những sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân văn minh sông Hồng như ca trù, hát xoan, quan họ, chầu văn, chèo, rối nước... cũng được các đoàn nghệ thuật dân gian trình diễn liên tục trong những ngày diễn ra sự kiện.
Hà Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.