Khôi phục cơ nghiệp từ đồng vốn tín dụng chính sách
Đức Thịnh
Thứ ba, ngày 17/05/2022 11:16 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nông dân nghèo và các đối tượng chính sách tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập trước tác động của dịch Covid-19.
Hơn 2 năm nay, cơ sở sản xuất đồ nội thất của gia đình chị Khương Thị Thu Huyền (thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau khi Hà Nội về trạng thái bình thường mới, chị Huyền khôi phục lại cơ sở sản xuất nhưng lại khó khăn về nguồn vốn. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, xưởng sản xuất của chị Huyền có gần 20 lao động nhưng nay chỉ còn khoảng 10 người làm việc.
Chị Huyền chia sẻ: "May mắn, trong lúc khó khăn, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất cho vay 70 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, gia đình đã chủ động mua thêm máy móc, nguyên vật liệu để phục hồi sản xuất. Đến nay, đồng vốn đã bước đầu mang lại hiệu quả cho gia đình".
"Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai tuy chưa phải lớn nhưng thật sự có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19. Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế".
Ông Dương Quốc Mạnh - Phó Giám đốc
Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất
Cũng là hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình ông Nguyễn Đỗ Thế Cường (xã Hương Ngải) sau khi được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi đã mạnh dạn đầu tư mô hình vườn - ao - chuồng, kết hợp trồng lan. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất - Dương Quốc Mạnh cho biết, thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực tín dụng chính sách, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện đã chỉ đạo ngân hàng tranh thủ nguồn vốn từ cấp trên, tập trung huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời quan tâm bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và đối tượng chính sách khác.
Năm 2022, huyện Thạch Thất được phân bổ nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 45,4 tỷ đồng. Đến hết tháng 2/2022, tổng dư nợ 9 chương trình vay vốn qua Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất đạt 474,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao.
Cụ thể: Chương trình vốn hộ nghèo gần 2,8 tỷ đồng cho 77 hộ vay; vốn cận nghèo gần 9,3 tỷ đồng cho 230 hộ vay; vốn mới thoát nghèo trên 39 tỷ đồng cho 977 hộ vay; vốn giải quyết việc làm trên 303 tỷ đồng cho 7.100 hộ vay; vốn học sinh sinh viên gần 5,7 tỷ đồng cho 193 hộ vay; vốn nước sạch vệ sinh môi trường gần 112,4 tỷ đồng cho 6.511 hộ vay; chương trình nhà ở xã hội trên 2 tỷ đồng cho 7 hộ vay; hộ nghèo về nhà ở trên 199 triệu đồng cho 31 hộ vay và xuất khẩu lao động 40 triệu đồng cho 3 hộ vay.
Nhân rộng các mô hình kinh tế
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất cho biết: Những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất đã triển khai nguồn vốn vay ủy thác thông qua 4 tổ chức hội đoàn thể gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Các tổ chức hội đã thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Nhìn chung các tổ đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ hướng dẫn các hộ có nhu cầu thực hiện thủ tục vay vốn và giúp nhau triển khai các mô hình phát triển kinh tế, đồng thời giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn vay…
Ông Khuất Khắc Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Thất cho biết: Hội Nông dân huyện Thạch Thất có 23 cơ sở Hội với hơn 21.000 hội viên. Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, cùng với quản lý hơn 36,9 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân còn tích cực nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất. "Từ nguồn vốn ưu đãi này, các hộ nông dân Thạch Thất có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập"- ông Sơn nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất chia sẻ thêm, để phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn, ngân hàng đã và đang tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND xã, thị trấn phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn của những hộ dân trên địa bàn, để khi được phân bổ vốn sẽ triển khai giải ngân các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.