Không giới thiệu người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực ứng cử ĐBQH

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 14/05/2021 14:58 PM (GMT+7)
Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm.
Bình luận 0

Ngày 14/5, tại cuộc phỏng vấn trực tuyến với chủ đề "Ngày hội của toàn dân" do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức, Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia khẳng định điều này.

Kiên quyết không để lọt người chạy chức, chạy quyền

Ông Cường cho biết, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn ĐBQH khóa XV, người ứng cử ĐBQH phải bảo đảm các tiêu chuẩn của theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Một là, trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Hai là, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 

Ba là, có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu.

Bốn là, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Năm là, có các điều kiện cần thiết để tham gia các hoạt động của Quốc hội, HĐND.

Không giới thiệu ứng cử người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực  - Ảnh 2.

Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải là những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; không vi phạm pháp luật. 

"Tuyệt đối không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp", ông Cường nhấn mạnh.

Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có nội dung yêu cầu: "Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sử tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn..."

Không giới thiệu ứng cử người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực  - Ảnh 3.

Tiểu sử ứng viên ĐBQH niêm yết công khai tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội cho biết: Thực hiện Chỉ thị, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành của TP phải thực hiện tốt công tác nhân sự. 

Cụ thể, giới thiệu những người có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể nhân dân; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách… 

Đặc biệt, kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, bảo thủ, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành hướng dẫn công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó quy định, hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp của thành phố Hà Nội, thống nhất về nguyên tắc phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử ĐBQHvà Hội đồng nhân dân các cấp.

"Thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy thì các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương của TP.Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện việc lựa chọn nhân sự giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định", Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội thông tin.

Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 người; dự kiến số lượng đại biểu chuyên trách là 200 người, trong đó, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương 133 đại biểu và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương (Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố) là 67 đại biểu (riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi địa phương có 2 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem