Không nên tốn 648 tỷ đồng làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi

Long Nguyên Thứ năm, ngày 19/06/2014 20:41 PM (GMT+7)
Ngày 19.6, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh về việc không nên cấp khoảng 21 triệu thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 15 tuổi vì thiếu hiệu quả và tránh lãng phí.
Bình luận 0

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nêu vấn đề dưới dạng câu hỏi: “Trẻ ở độ tuổi dưới 15 chủ yếu đang đi học, một số đối tượng trong độ tuổi này vì điều kiện nào đó nên làm các công việc khác. Hiện nay, thẻ căn cước công dân chưa quy định cụ thể, vậy tại sao phải cần cấp thẻ cho trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt với đối tượng là trẻ sơ sinh, trẻ em học mẫu giáo, tiểu học?”.

img
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Căn cước công dân. Nguồn: ĐCSVN

Để tăng tính thuyết phục cho lý luận của mình, đại biểu Niễn nhấn mạnh: “Sẽ không hợp lý khi bỏ ra một số tiền không nhỏ làm khoảng hơn 21 triệu thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 15 tuổi, chiếm khoảng 24% dân số chỉ để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến. Phải làm như thế mới tránh được sự lãng phí và thể hiện tính hợp lý cao”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cho biết thêm: Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ mới sinh là tạo sự phiền hà cho công dân, bởi trẻ sinh ra đã được đăng ký khai sinh. Đây là quyền của trẻ em được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em Bộ luật Dân sự và cũng được ghi nhận trong Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

“Thẻ căn cước công dân được cấp cho trẻ dưới 15 tuổi không đảm bảo được phân biệt với người khác. Vậy mục đích dự thảo luật định hướng đến đối với cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 15 tuổi là gì?”, cũng bằng câu hỏi, đại biểu Liên thể hiện sự băn khoăn.

Trong khi đó, đại biểu Quàng Thị Nguyên (Sơn La) nói thẳng quan điểm không nhất trí với quy định như dự thảo luật bởi “nếu không có ảnh, không có dấu vân tay, không ghi đặc điểm nhân dạng thì không đúng với khái niệm về căn cước công dân được quy định trong chính dự thảo luật”.

 
Đóng góp thêm ý kiến, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ: “Làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi sẽ dẫn đến việc tăng thêm biên chế, tăng thêm kỹ thuật về công nghệ, về phương tiện phục vụ. Trong khi đó, công an hiện nay có rất nhiều việc phải làm, chưa kể việc làm này không phù hợp với yêu cầu tinh giản biên chế hiện nay. Ngoài ra, thẻ căn cước không thể thay giấy khai sinh. Giấy khai sinh thể hiện mọi người sinh ra đều có quyền còn thẻ căn cước chỉ cấp cho công dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem