Khủng hoảng Qatar: Trump có thể tặng không Putin món quà vô giá

Phương Đăng (theo Think Progress) Thứ hai, ngày 12/06/2017 15:19 PM (GMT+7)
Phản ứng của chính quyền Mỹ Donald Trump trước cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay có thể tặng không cho Nga chính xác thứ Tổng thống Putin mong muốn.
Bình luận 0

img

Phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khủng hoảng Qatar có thể tặng không cho Nga món quà vô giá?

Các nhà điều tra Mỹ tin rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao đang diễn ra giữa Qatar và các nước Trung Đông hiện nay có thể liên quan đến tin tặc Nga, những người muốn thông qua cuộc khủng hoảng này để phá vỡ liên minh của Mỹ trong khu vực.

CNN đầu tuần trước dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng, tin tặc Nga đã xâm nhập vào hãng thông tấn Qatar (QNA) và xuất bản một tin giả một ngày sau khi ông Trump rời Saudi Arabia. Moscow đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên nhưng thông tin này vẫn thu hút sự chú ý rộng rãi.

Theo đó, bản tin giả đưa những lời bình luận sai của Quốc vương Qatar, trong đó, ông tỏ thái độ thân thiện với Iran và bày tỏ sự ủng hộ với tổ chức Anh em Hồi giáo, dấy lên sự phẫn nộ từ các quốc gia vùng Vịnh.

Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cử một đội điều tra tới giúp Qatar xác định nguồn gốc của bản tin trên và các quan chức Mỹ giấu tên đã tiết lộ với CNN rằng, thông tin tình báo chỉ ra rằng, tin tặc Nga có liên quan đến vụ việc.

Theo suy đoán, những người đứng sau vụ việc muốn gây rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh.

Nếu đúng như vậy, việc Tổng thống Trump công khai chỉ trích chính quyền Qatar mặc dù căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ đang đặt tại đây chính xác là thứ mà những người đứng sau vụ việc mong muốn. Nhiều nhân vật trong chính quyền Trump đã cố gắng không cô lập Qatar.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã phớt lờ những lời lẽ thận trọng của Đại sứ Mỹ tại Qatar Dana Shell Smith, Ngoại trưởng Rex Tillerson và thậm chí phát ngôn viên Lầu Năm góc Jeff Davis, người nhấn mạnh rằng, Mỹ cảm kích Qatar vì "cam kết lâu dài của nước này đối với an ninh khu vực".

Ông Trump thậm chí viết trên Twitter rằng, việc cô lập Qatar sẽ là "khởi đầu cho sự kết thúc của chủ nghĩa khủng bố" và bày tỏ sự  ủng hộ đối với việc Arab Saudi cùng các đồng minh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.  

Phản ứng này bị cho là đã đáp ứng chính xác như những gì mà các tin tặc đăng tin giả lên QNA mong muốn: Khoảng cách giữa các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh tăng lên. 

Về phần mình, Nga cũng đã có những phản ứng nhanh nhạy ngay sau khi khủng hoảng ngoại giao Qatar diễn ra. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận với người đồng cấp Qatar, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani ngay sau khi các quốc gia Ả Rập bao gồm Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Yemen, Libya, Maldives và Mauritius tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

img

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chào đón người đồng cấp Qatar, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tại Moscow ngày 10.6.

Sau đó, chỉ vài giờ sau khi ông Trump đăng lên Twitter cho rằng, việc cô lập Qatar "là một chuyện tốt', Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thảo luận về "các vấn đề thương mại, kinh tế và đầu tư" với Quốc vương Qatar trong một cuộc điện đàm.

Theo thông báo chính thức từ Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Nga đã "tái khẳng định quan điểm của Nga trong việc giải quyết khủng hoảng bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua đối thoại".

Trong khi đó, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nhấn mạnh rằng, "không có gì để đàm phán" với Qatar, khiến nhiều người băn khoăn cuộc khủng hoảng ngoại giao này đến khi nào mới kết thúc.

Các nước Ả Rập bao gồm UAE kiên quyết tuyên bố Qatar phải trục xuất các thành viên của Hamas, ngừng hỗ trợ al-Qaida, chỉnh đốn lại các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Al Jazeera.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem