Kí ức tháng Chín mùa Thu

Nguyễn Văn Tảo Thứ ba, ngày 02/09/2014 07:03 AM (GMT+7)
Ngày 19 tháng 8 ngày cách mạng thành công. Ngày mồng 2 tháng 9 - ngày  Quốc khánh. Rằm tháng Tám âm lịch - ngày tết Trung Thu. Và ngày đầu tháng Chín học sinh cả nước lại tựu trường. Tháng Chín như man mác dưa tôi về với những kỉ niệm Thu xưa.
Bình luận 0

Tháng Chín luôn đầy ắp những kỉ niệm và sự kiện trong lòng mỗi người con đất Việt.

… Mùa thu xưa với bao kỷ niệm. Ngày 2.9 - Tết Độc lập năm nào quê tôi cũng tổ chức lễ hội mít tinh kỷ niệm Ngày cách mạng thành công và ngày Quốc khánh. Tiếng trống tùng… tùng… màu cờ hoa rực rỡ, các trò chơi lễ hội, nét mặt già trẻ trai gái hân hoan. Tối mồng 2 tháng 9 dân làng tập trung lên đỉnh núi Chùa (chỗ cao nhất trong vùng) nhìn về hướng Thủ đô Hà Nội (quê tôi cách Hà Nội gần 60 km) để ngắm những chùm ánh sáng trong đêm, nhất là vào mỗi dịp bắn pháo hoa sáng rực một góc trời.

Nhắc đến mùa Thu, nghĩ đến trăng thu, tết Trung thu (còn gọi là tết trông trăng phá cỗ, tết “đặc cách” giành cho thiếu niên nhi đồng và cả người lớn cùng tham gia.
img (Hình minh hoạ, nguồn: Internet)

Ngày nay tết Trung thu dồi dào về vật chất. Mâm cỗ Trung thu từ hoa quả đến bánh kẹo hàng cao cấp chẳng thiếu gì, ánh điện mầu, phương tiện trang trí hiện đại, nhưng sao vẫn nhớ Trung thu xưa đến thế.

Trung thu xưa, tiếng trống ếch rộn ràng, cả làng chung vui. Ban ngày là hội thiếu nhi cắm trại, tối là hội trông trăng phá cỗ. Cỗ Trung thu xưa đơn giản, thanh tao, nó như một sự kiện đặc biệt có tính chất thiêng liêng đậm đà thú vị. Mâm cỗ cúng Trăng, cúng Trời Đất cầu mong cho mọi sự hạnh phúc tốt lành, mùa màng bội thu… Gồm hạt rẻ, hạt cây gắm rang, hồng ngâm, na, bưởi, ổi, bánh đa giòn, kẹo vừng bánh khảo…mọi người quây quần phá cỗ trông trăng. Phá cỗ xong là trò chơi múa sư tử, múa kỳ lân, và rước đèn ông sao. Đêm trung thu trăng sáng lung linh huyền ảo, gắn liền với tuổi thiếu niên nhi đồng, trông trăng ngắm hình chú Cuội ngồi gốc cây đa: “ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”.

… Nhớ ngày khai trường hồi thơ bé, lũ trẻ chúng tôi háo hức mừng vui khấp khởi sau ba tháng nghỉ hè, để rồi lại cùng nhau tung tăng, đầu đội trời, chân đạp đất, tay xách làn cói hoặc túi vải trong có vài quyển sách mỏng, vở viết, lọ mực, quản bút lên lớp học. Tan trường đứa nào đứa nấy mặt mũi lem nhem nhọ mực, da đen giòn cuốc bộ về nhà trên con đường mòn bờ ruộng qua những đồng lúa.

Những ruộng lúa ba giăng chín ngả một màu vàng ruộm, lúa mùa chính vụ tròn đòng mượt mà trải rộng rì rào trong gió thu. Về đến đầu làng lũ trẻ chúng tôi cởi quần áo nhảy ùm xuống ao làng tắm rửa, làn nước trong veo, mát rượi. Tắm xong đứa nào về nhà đứa ấy, buổi chiều lũ trẻ ngồi chổm chọe trên lưng trâu rong ruổi ra đồng tay cầm quyển sách đọc nghêu ngao, đàn chim chèo bẻo ríu rít bay liệng. Những cánh diều lưng trời vi vu nghiêng chao sáo thổi.

img (Hình minh hoạ, nguồn: Internet)

 

Thời gian qua đi, lớp thiếu niên nhi đồng chúng tôi ngày ấy cũng dần trưởng thành. Rồi chiến tranh xẩy ra, nhiều người trong lứa chúng tôi lên đường ra mặt trận, người có điều kiện thì học lên. Đến bây giờ tất cả đã đứng hàng ông bà.

Sáng nay, một ngày đầu Thu tháng Chín, niềm vui hân hoan lại đưa tôi về với kí ức tuổi thơ. Con đường mòn trước cổng làng năm xưa nay đã thành đường liên huyện. Xe đạp, xe máy, ô tô tấp nập nối đuôi nhau. Các cháu học sinh được phụ huynh đưa đón tựu trường, trong mầu quần áo tinh khôi sặc sỡ. Tôi bồi hồi man mác nhớ đến Thu xưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem