Vi phạm an toàn thực phẩm còn cao
Thời gian qua, Nafiqad đã triển khai thí điểm mô hình quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi cung cấp thực phẩm với 4 ngành hàng (rau, trái cây, thịt lợn, thịt gà) tại 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đơn vị này cũng thực hiện mô hình tổ chức nông dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo tám xoan Hải Hậu, liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá basa ở ĐBSCL…
|
Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang được triển khai tại quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. |
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Quản lý chất lượng thực phẩm nông lâm sản và muối (Nafiqad), kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện sản xuất ATTP cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trong thời gian qua theo Thông tư số 14 của Bộ NNPTNT cho thấy, tỷ lệ cơ sở xếp loại C (không đạt) còn cao, chiếm trung bình trên 50% số cơ sở được kiểm tra. Cụ thể, kết quả phân tích một số chỉ tiêu về ATTP như sau: Tỷ lệ mẫu rau quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép là 4,43% (năm 2010 là 8,6%); Tỷ lệ mẫu thủy sản nhiễm hormone vượt quá giới hạn cho phép là 1,38% (năm 2010 là 4,3%); Tỷ lệ mẫu thịt nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh, hormone vượt quá giới hạn cho phép là 0,36% (năm 2010 là 1,19%).
“Tỷ lệ mẫu vi phạm một số mặt hàng còn tương đối cao, chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường”- ông Thuận nhấn mạnh. Ông Thuận cũng lý giải, một trong những nguyên nhân của tồn tại trên là việc kiểm soát ATTP nông lâm thủy sản chưa thực sự theo chuỗi giá trị sản phẩm, chưa thiết lập được nhiều mô hình liên kết sản xuất từ trang trại đến sản xuất sản phẩm cuối cùng và áp dụng các nguyên tắc kiểm soát nguy cơ về ATTP trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm.
Kiểm soát 3 nhóm sản phẩm
Theo dự thảo, phạm vi của đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc” sẽ tập trung chủ yếu vào kiểm soát chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao và đang có nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua, cần ưu tiên triển khai. Đó là nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn: Thịt lợn, thịt gà; Nhóm sản phẩm có nguồn gốc thực vật: Rau, quả và Nhóm sản phẩm thủy sản: Cá tra, tôm nước lợ.
Dự kiến tổng kinh phí triển khai các nội dung dự án qua 2 giai đoạn 2012- 2015 và 2016- 2020 là 283 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Nafiqad cho biết, việc triển khai kiểm soát theo chuỗi mới đang trong giai đoạn tiếp cận nên cũng gặp không ít những khó khăn, bất cập. “Sản xuất các sản phẩm nông sản (rau quả, thịt lợn, thịt gà) còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ hạn chế nên rất khó áp dụng các quy định của thực hành nông nghiệp tốt; Chưa hình thành nhiều các liên kết ổn định giữa người sản xuất và người tiêu thụ, liên kết tổ hợp tác xã; Sản phẩm sản xuất theo GAP (thực hành tốt), an toàn và không an toàn chưa được phân biệt rõ ràng trên thị trường”- ông Tiệp phân tích.
Do vậy, theo ông Tiệp cần cấp thiết xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn nhằm giám sát, quản lý chất lượng, đồng thời có thể dễ dàng truy xuất tận gốc sản phẩm...
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.