“Đường về mù mịt, ở lại sướng hơn”![Người lao động VN đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc năm 2010. Người lao động VN đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc năm 2010.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2013/images/2013-07-16/1434773412-02nhieutrien2413450.jpg)
Người lao động VN đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc năm 2010.
Ngày 16.7, Viện Khoa học lao động và xã hội công bố nghiên cứu này. Là người trực tiếp làm các nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng cho biết, nghiên cứu được thực hiện từ tháng 11.2012 đến tháng 5.2013 ở 243 lao động, trong đó có 100 người vẫn đang làm việc tại Hàn Quốc.
“Tính theo tỷ lệ, hơn 75% lao động Việt Nam đang làm việc ở Hàn Quốc trong các ngành sản xuất, chế tạo. Một bộ phận nhỏ làm nghề thuyền viên, nông nghiệp. Xuất thân khi ra đi của họ đều là những người làm nông nghiệp, cuộc sống bấp bênh, vì thế rất ít người muốn quay trở về vì về là thất nghiệp. Họ chấp nhận làm lao động bất hợp pháp, phải đối diện với muôn vàn rủi ro” – bà Hương cho biết.
Thống kê cũng cho thấy, lao động làm việc từ 4-6 năm ở Hàn Quốc gửi về gia đình khoản tiền không nhỏ: từ 50.000 - 70.000 USD. Chính vì thế, bất chấp mọi rủi ro như không có bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động… lao động vẫn mong muốn được ở lại.
Anh Nguyễn Văn Nam (Đô Lương, Nghệ An) đang làm việc tại một công ty chế tạo máy ở Hàn Quốc cho hay: “Tôi phải vay gần 200 triệu để đi XKLĐ, giờ không trốn để làm tiếp thì số tiền dành dụm cũng chỉ đủ trả nợ. Đặc biệt, giờ về nhà công việc cũng rất bấp bênh, nên dù có nguy hiểm ở lại vẫn sướng hơn”. “Lao động đi hầu hết là lao động phổ thông, 1/3 lao động chưa tốt nghiệp cấp 3 nên họ chỉ nghĩ lợi ích trước mắt của mình. Có những lao động quá 40 tuổi, nhưng nhảy việc 3-4 lần để trốn ở lại với tâm lý “đường về mịt mù, ở lại sáng hơn”- bà Hương tiết lộ theo nghiên cứu.
Nên áp dụng cấp mã thẻ lao động Với những phân tích này, không khó hiểu là vì sao nhiều giải pháp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước áp dụng nhằm giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn đều chưa khả thi. Trong khi đó, việc lần “dấu vết” lao động bỏ trốn cũng rất khó khăn. Bà Hương cho rằng: “Hiện chưa có giải pháp ràng buộc lao động nên khi sang Hàn Quốc họ nghiễm nhiên trở thành lao động chính thức trong thị trường lao động Hàn Quốc. Việc di chuyển lao động không báo cáo lại với cơ quan quản lý trong nước nên khó lần được dấu vết”.
Theo Bộ LĐTBXH, phía Hàn Quốc công bố, khi nào VN hạ được tỷ lệ bỏ trốn xuống còn 27% mới ký lại chương trình cấp phép lao động , nhưng đến cuối tháng 5 vừa qua, tỷ lệ này vẫn đang ở mức 48% (hơn 15.000 lao động bỏ trốn). Cả nước hiện có hơn 12.000 lao động đã có chứng chỉ tiếng Hàn. Như vậy, cánh cửa để cho 12.000 lao động này xuất cảnh chắc sẽ còn lâu mới mở.
|
Để giải quyết các khó khăn này, nhóm nghiên cứu kiến nghị có thể áp dụng hình thức gắn con chip có mã số lao động như ở Indonesia. Tức là thông qua mỗi mã số, cơ quan quản lý có thể xác định được thông tin, địa chỉ của từng người lao động. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc lao động bỏ trốn, nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật cho người lao động.
“Tất nhiên việc gắn mã thẻ yêu cầu cơ quản lý phải cập nhật những kỹ thuật mới, khó hơn, thậm chí là tốn kém hơn. Nhưng khó hơn, tốn kém hơn không có nghĩa là chúng ta không làm”- bà Hương nhấn mạnh. Ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Việt Nam cho biết thêm: “Đây là cách mà nhiều nước tiên tiến đã làm, cần áp dụng ngay. Ngoài phương pháp này thì cần tăng cường đào tạo kỹ năng mềm là lòng tự hào dân tộc”.
Minh Nguyệt ( Minh Nguyệt )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.