Khác với Tết truyền thống vào đầu năm, Tết Khu Cù Tê của người La Chí thường diễn ra trước đó vài tháng. Đồng bào La Chí coi đây là ngày Tết dân gian lớn nhất của mình trong năm, nhà mổ trâu, nhà quay lợn để uống rượu mừng năm mới.
Tại nhà bà Vàng Thị Me (thôn Díu Thượng, xã Bản Díu, huyện Xín Mần, Hà Giang), chị em trong họ quây quần bên bếp lửa nhà sàn cùng gói bánh chưng đen.
Bánh chưng đen có cách làm không khác nhiều so với bánh chưng của người Kinh gồm nhân đỗ xanh và thịt, gói bằng lá dong, chỉ khác là gạo nếp của họ có trộn than gio, đó là một loại cây rừng có hương vị rất thơm, thanh mát và giữ được lâu ngày.
Công việc gói bánh chưng thường diễn ra trước Tết khoảng hai đến ba ngày và chỉ có con dâu con gái trong nhà mới được cùng mẹ gói, luộc bánh và giữ lửa qua đêm. Do gạo nếp không ngâm nước, để khô trộn với bột than nên bánh phải luộc sau 12 tiếng mới chín.
Sáng mùng một Tết, các chị em phụ nữ dậy thật sớm chuẩn bị cỗ, ăn diện và đeo cho mình những vòng bạc đẹp nhất, quý nhất để đi chơi hội. Với người La Chí thì vòng bạc càng cũ, càng lâu, truyền qua càng nhiều đời trong nhà thì càng quý và có giá trị. Ai đeo càng nhiều thì chứng tỏ người đó cực kỳ ăn diện và sung túc.
Các em nhỏ được diện áo ấm mới vừa để đón Tết, vừa để chào đón năm học mới. Trên hình ảnh là một hoạt động trao quà trong chuỗi chương trình "Ấm tình mùa đông" của LienViet PostBank hỗ trợ kinh tế tặng quà dân bản của huyện nghèo Xín Mần suốt 3 năm qua để phát triển về văn hoá, giáo dục, y tế...
Từ sáng sớm, sân bóng thôn Díu Thượng nằm trên quả đồi cao nhất trong huyện đã chật kín đồng bào các dân tộc đổ về chờ xem lễ tế và chơi hội.
Chủ tế trong lễ cúng năm mới của người La Chí gọi là Mổ Cóc. Ông cùng các tộc trưởng của họ Vương, Long, Lù, Nông ngồi trang trọng giữa sân tế để làm lễ trước dân bản.
Các trưởng họ lần lượt đánh chiêng trống treo ở giữa sân, Mổ Cóc mặc áo chủ tế nhảy múa xung quanh thực hiện bài cúng mời tổ tiên người La Chí về ăn Tết cùng dân bản.
Sau mỗi màn đánh chiêng trống của các trưởng họ hay của Mổ Cóc (cuối cùng), họ lại được mời rượu bằng sừng trâu, uống cùng tổ tiên để chứng giám cho lòng thành của con cháu.. Đây như là một nghi lễ mời rượu không thể thiếu trong lễ tế của người La Chí.
Sau khi kết thúc lễ tế, các trưởng tộc lại tập trung tại nhà già làng để tổ chức lễ cúng chung. Họ ngồi trước giỏ có miếng thịt trâu, tay cầm sừng trâu, tay cầm sợi dây treo củ gừng, những người khác cắt tiết gà để hành lễ.
Ngoài sân hội, trai gái trong bản vẫn tiếp tục với màn hát giao duyên đối đáp với nhau.
Trai chưa vợ và các thiếu nữ chưa chồng chung vui trong trò chơi ném còn tìm người thương.
Trò chơi kéo co thu hút được đông đảo người tham gia nhất, sân hội đã thực sự trở nên vui hơn bao giờ hết.
Trò chơi này không phân biệt trai gái, ai cũng được tham gia chung sức, mang ý nghĩa thể hiện tình đoàn kết trong dân tộc, trong làng bản và trong mỗi gia đình người La Chí.
Dân bản đổ về xem hội vui cười sảng khoái. Lễ đón năm mới cũng là lễ mừng mùa màng được thu hoạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.