Cơ sở nhỏ lẻ rất khó kiểm soát
Giữa tháng 12-2010, TP.Hải Phòng mở đợt cao điểm kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP). Theo Thạc sĩ Phạm Quốc Vinh - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP Hải Phòng thì: "Tình trạng tồn dư chất độc hại rất nhiều. Đặc biệt, tình trạng sử dụng hàn the, phẩm màu… vẫn tái diễn".
Kết quả kiểm tra vừa qua rất đáng lo ngại: Trong tổng số 151 mẫu giò chả và 13 mẫu bánh phở được lấy thì có gần 50% mẫu giò chả dương tính với hàn the và trên 50% mẫu bánh phở có chứa hàn the và foocmon. Chủ yếu các mẫu bánh phở này được kiểm tra tại các chợ nội thành Hải Phòng như chợ Minh Đức, Lương Văn Can, Vạn Mỹ, Đổng Quốc Bình…
Vì sao Hải Phòng không kiểm soát nổi? Theo ông Vinh, hiện toàn thành phố có khoảng trên 3.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng mỗi đợt Chi cục cũng chỉ đi kiểm tra được một phần nhỏ trong số đó. Kiểm tra khó nhất là ở các cơ sở nhỏ lẻ. Chỉ khi "xảy ra chuyện" mới biết để xử lý.
Điển hình là vụ ngộ độc làm 13 cháu bé phải nhập viện khi ăn cháo tại cửa hàng cháo Cây Thị (số 19 Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân). Các mẫu phẩm của cửa hàng cháo được mang đi xét nghiệm và kết quả có E.coli (một loại vi khuẩn chỉ có trong phân người).
Hiện tại, Chi cục ATVSTP Hải Phòng tiếp tục lập kế hoạch kiểm tra toàn diện thực phẩm trên toàn thành phố trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, theo ông Vinh, để hạn chế thực phẩm "độc", người tiêu dùng phải hợp tác bằng cách chỉ mua và sử dụng những sản phẩm đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng...
"Loạn" phụ gia thực phẩm
Thực trạng ở Hải Phòng cũng là thực trạng chung trong cả nước. Không chỉ phụ gia hàn the mà thị trường thực phẩm còn "loạn" nhiều loại phụ gia khác. Nhiều loại thực phẩm như bò khô, thịt xông khói, xúc xích, sa tế, bim bim, nước mắm... được bày bán ở các chợ, cửa hàng, đại lý sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản được đánh số quốc tế (ký hiệu là INS) như E129, E211, E415, E626... mà không hề ghi hàm lượng cụ thể của các chất này. Thậm chí, vô số sản phẩm có dùng chất phụ gia mà không hề công bố trên nhãn.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội: Khi chất bảo quản vượt quá nồng độ, thận không lọc hết chất này, lâu ngày sẽ tích tụ lại gây nhiễm độc cho con người. Nếu nhiễm vào xương thì trẻ không lớn được, thậm chí sẽ gây ung thư cho xương về sau. Nếu nhiễm vào não thì không phát triển được trí tuệ, vào gan sẽ bị bệnh gan.
Có nhìn các loại mứt Tết mới thấy phẩm màu được dùng "vô tư" về liều lượng. Về vấn đề này, TS Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP cho biết: "Để giảm chi phí, một số nhà sản xuất đã gian dối sử dụng chất phụ gia công nghiệp. Kết quả kiểm nghiệm phẩm màu trong các mẫu có nguy cơ cao được lấy trên thị trường như hạt dưa, ớt bột, gia vị, tương ớt cho thấy việc lạm dụng sử dụng phẩm màu ngoài danh mục là rất lớn".
Các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng còn lạm dụng phụ gia như vậy, nói chi tới sản phẩm trôi nổi. Vì vậy, theo bà Hồng Hảo, người dân không nên mua các sản phẩm màu quá lòe loẹt, không có nhãn hiệu, nơi xuất xứ… Còn về việc kiểm soát, bà Hồng Hảo nhấn mạnh: Việt Nam đã có Luật An toàn vệ sinh thực phẩm nhưng để luật đi vào cuộc sống cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm qua, cả nước đã xảy ra hơn 128 vụ ngộ độc thực phẩm, với gần 4.700 nạn nhân, trên 3.260 người nhập viện và 40 người?
Bùi Hương - Thái An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.