Ông nông dân Kon Tum tự "chế" phân bón ủ từ cá mương, diệt rệp sáp bằng nước rửa chén
Kon Tum: Ông nông dân tự "chế" phân bón ủ từ cá mương, bón cho cà phê, cây ăn quả đều xanh tốt, trĩu quả
Chủ nhật, ngày 27/03/2022 18:36 PM (GMT+7)
Lựa chọn hướng sản xuất an toàn, ông nông dân Nguyễn Văn Ghi ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (Kon Tum) tự mày mò “chế” ra loại phân bón vô cùng hữu hiệu từ cá con để bón cho cây. Ông còn sáng tạo ra nhiều cách diệt côn trùng gây hại như xử lý rệp sáp bằng nước rửa chén và dầu ăn.
Từng trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng vào năm 2018, khi đã ở độ tuổi ngũ tuần, ông Nguyễn Văn Ghi ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà mới quyết định thử sức với diện tích 2,5ha trồng xen cây ăn quả và cà phê. Hiệu quả bước đầu thu được từ khu vườn đầy tâm huyết chính là lời khẳng định cho sự lựa chọn đúng đắn của người nông dân sản xuất giỏi này.
Bận rộn với việc thu hái cà phê, song ông Ghi vẫn niềm nở tiếp chuyện chúng tôi dưới giàn cây xanh mát. Quê gốc Hải Dương, gia đình ông Ghi vào Đăk Hà lập nghiệp năm 1996. Lam lũ với nhiều công việc sản xuất và kinh doanh - dịch vụ, lẽ ra đã có thể bằng lòng với cuộc sống ổn định sau không ít lần bị tai nạn mất một chân, gãy xương sườn, khiến sức khỏe suy giảm, nhưng ông vẫn quyết định nhận sang nhượng lại khu đất vườn ở thôn 2, xã Hà Mòn để đầu tư .
Bằng kinh nghiệm thực tế và kiến thức được tiếp thu qua những lần tập huấn kỹ thuật thâm canh, ông mạnh dạn chọn hình thức trồng xen cây ăn quả và cà phê vốn chưa phải là thế mạnh ở địa phương. Trên 2,5ha đất cũ, ông phá bỏ toàn bộ cà phê đã hết chu kỳ sản xuất, để “kiến thiết” lại từ đầu.
Sẵn kinh nghiệm thâm canh cà phê, nhưng còn khá lạ lẫm với cây ăn quả, nên ông Ghi xác định “học đến đâu, làm đến đấy” theo phương châm chậm mà chắc. Nhờ đó, cùng với “nòng cốt” 2.300 cây cà phê, hơn 2.000 cây ăn quả xen canh với gần 20 chủng loại khác nhau đã được hình thành.
Xác định sản xuất theo hướng hữu cơ, ngay từ ban đầu, ông Ghi đã nhất quán tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả theo hướng dẫn. Nguồn nước tưới ổn định từ hệ thống ao trong khu vườn là lợi thế trước tiên được phát huy. Để có nguồn giống chất lượng, ông cất công lựa chọn, mua về từ các cơ sở cung ứng uy tín ở tỉnh Bến Tre, Viện Nông nghiệp 1 (Hà Nội). Không riêng cà phê, mà toàn bộ cây ăn quả, ông đều sử dụng phân hữu cơ.
Ngoài phân chuồng hoai mục, ông Ghi đã tự mày mò, học hỏi để “chế” ra loại phân bón vô cùng hữu hiệu từ cá con. Ông “bật mí”: Đó là loại phân hữu cơ vi sinh rất đặc biệt, được ủ bằng chế phẩm EM với cá con (cá mương). Chi phí để ủ phân cá không cao, song tác dụng, hiệu quả lại rất lớn.
Lựa chọn hướng sản xuất an toàn, không lạm dụng thuốc trừ sâu, ông Ghi còn sáng tạo ra nhiều cách diệt côn trùng gây hại như xử lý rệp sáp bằng nước rửa chén và dầu ăn hay diệt côn trùng bằng bẫy bả.
Canh tác theo hướng hữu cơ, vườn cây không những sinh trưởng và phát triển tốt mà còn tạo đầu ra đáng kể. Năm 2020, ngay khi cây ăn quả cho thu bói, ông Ghi đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với siêu thị Coopmart Kon Tum. Năm nay, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, gia đình vẫn đều đặn được nhập hàng vào đây, bình quân mỗi đợt 3- 4 tạ, cao điểm có khi cả tấn, chủ yếu là cam, quýt, bưởi, ổi.
Hiện nay, diện tích cà phê đã vào chu kỳ kinh doanh cộng với hiệu quả từ cây ăn quả trồng xen đã mang lại cho gia đình ông Ghi thu nhập ổn định. Năm 2021, chỉ riêng cây ăn quả đã ước thu hơn 200 triệu đồng, vườn cây hứa hẹn sẽ còn triển vọng hơn khi vài năm tới, sầu riêng đến kỳ thu hoạch.
Ông Nguyễn Tiến Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Mòn ghi nhận: Gia đình ông Nguyễn Văn Ghi không phải hộ duy nhất thực hiện mô hình trồng xen trên địa bàn xã nhưng là hộ thâm canh cây ăn quả đạt hiệu quả nhất. Đặc biệt, cách làm phân cá để bón cây của gia đình ông được đầu tư quy mô và đem lại hiệu quả rõ nét hơn cả.
Với những cố gắng nổi bật, gia đình ông Nguyễn Văn Ghi đã được công nhận là “hộ sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn, trái cây của gia đình ông cũng đã được đăng ký xét chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, góp phần làm phong phú, đa dạng hơn các sản phẩm đặc trưng của xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.