Kỳ công xem nghệ nhân tạc "Thần Thạch khuyển" ở xứ Lạng

Mộc Trà Thứ ba, ngày 11/06/2019 10:33 AM (GMT+7)
Từ nhiều năm nay, tiếng gõ đanh chắc phát ra từ ngôi nhà nhỏ trên đường vào thôn Phai Xả, xã Chu Túc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) khiến không ít người tò mò. Tiếng gõ quen thuộc người ta vẫn nghe thấy chính là tiếng đục đá vang vọng của ông Nông Văn Quang – nghệ nhân tạc “thần Thạch khuyển” (chó đá) nổi tiếng vùng này.
Bình luận 0

Clip: Xem nghệ nhân tạc Thần Thạch khuyển và cóc tài lộc ở xứ Lạng.

Ở Lạng Sơn, đồng bào dân tộc Tày, Nùng cư trú lâu đời tại các huyện như Đồng Mỏ, Chi Lăng, Thất Khê, Tràng Định, Văn Quan, Lộc Bình, Cao Lộc và TP.Lạng Sơn… đều có tục thờ chó đá. Họ gọi những con chó đá bằng những danh xưng đầy kính cẩn như: Cụ Thạch, Quan lớn Hoàng Thạch, Thần Cẩu, thần Thạch khuyển. Khi nhà cửa được dựng xong, người Tày, Nùng dù gia cảnh nghèo hay giàu thì cũng phải rước bằng được tượng chó đá về thờ trước cửa chính của nhà mình để trừ ma quỷ, đón tài lộc cho gia đình.

img

Chó đá được coi là linh vật mà bao đời nay người Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn thờ trước ngôi nhà.

Sinh năm 1971 trong gia đình người Nùng làm nông nghiệp nên từ lúc nhỏ, ông Nông Văn Quang đã được ông bà, cha mẹ kể về tục thờ chó đá ở đây. Trong thế giới tâm linh của người Tày, Nùng Lạng Sơn, chó đá có thể trừ tà ma, yêu quái, mang lại phúc, lộc, thọ, an khang cho gia chủ.

Sau này, khi lớn lên, ông Quang luôn có niềm đam mê đặc biệt với những chú chó đá. Năm 2014, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, ông bắt tay vào thực hiện, dù làm thử lần đầu nhưng con chó đá của ông Quang đẹp không kém gì thợ làm. Sau đó có người vô tình nhìn thấy thấy đẹp nên ngỏ ý muốn mua, từ đó ông bắt đầu công việc tạc chó đá.

img

Công việc tạc chó đá đòi hỏi ở người nghệ nhân sự tỉ mỉ và kiên trì.

Theo ông Quang, tượng chó đá được chế tác từ loại đá xanh nguyên khối và không vết nứt, không chứa nhiều tạp chất để khi tạc sẽ không bị nứt. Chính vì vậy, việc tìm ra những khối đá như ý không phải dễ dàng. Ông phải mất nhiều công sức để đào và tìm kiếm.

“Nghề chế tác chó đá tuy rất vất vả nhưng một khi đã bắt tay vào thực hiện thì say mê đến mức không dừng được, tập trung hết mọi cung bậc cảm xúc vào từng nét chạm, từng thớ đá. Một nghệ nhân giỏi tay nghề, bền bỉ với công việc thì phải mất 5 - 6 ngày mới tạc hoàn chỉnh một con chó đá”, ông Quang chia sẻ.

img

Ngoài sự khéo léo, công việc này cũng đòi hỏi ở người nghệ nhân sức khỏe từ đôi tay đủ lực để tạc được những tảng đá lớn.

Được biết, để biến những tảng đá nặng hàng tạ, thậm chí vài tạ thành chú chó đá sinh động, có hồn, thần thái thì phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu, kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Đầu tiên phải tạc phác qua thành hình dạng con chó đá thô sơ rồi mới bắt đầu công đoạn chạm, tạc từng chi tiết. Để hoàn chỉnh một con chó đá, ông Quang phải mất thời gian từ 3-4 ngày (con bé); từ 6-10 ngày (con to). Một con chó đá nhỏ có giá khoảng 1,5 triệu đồng, con to từ 3 - 4 triệu đồng.

“Để tạc được một con chó đá không phải dễ, đá thì cứng nguyên khối nên khi tạc, người làm cần cẩn thận, tỉ mỉ, vì nếu tạc lệch thì rất khó sửa lại. Giờ ai muốn làm phải đặt trước, vì làm ra con nào là có người lấy luôn”, ông Quang nói.

img

Ngoài tạc chó đá, ông Quang còn khéo léo tỉ mẩn làm ra được những con cóc tài lộc bằng gỗ dã hương có mùi thơm đặc biệt.

Tiếng lành đồn xa, hiện nay, khách hàng trong và ngoài huyện đều tìm đến tận nhà ông Quang để mua và đặt hàng. Tính đến nay, ông đã chế tác và bán được gần 100 con chó đá.

Không chỉ giỏi về chế tác tượng chó đá, từ năm 2018 đến nay, ông Quang còn nghiên cứu trên mạng cách làm cóc tài lộc từ gỗ dã hương. Với bàn tay khéo léo và cái tâm của ông, sản phẩm cóc tài lộc do ông Quang làm ra đẹp không khác gì mẫu. Một con cóc tài lộc phải mất thời gian khoảng 1 tháng để hoàn thiện, có giá là 10 triệu đồng.

img

Tùy vào kích thước, những con cóc tài lộc có giá trị trên dưới 10 triệu đồng/con.

img

Bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của ông Quang cùng với sự sáng tạo đã giúp ông tạo ra nhiều sản phẩm tinh tế và đẹp mắt.

Từ việc chỉ làm để thỏa mãn niềm đam mê, nhưng giờ đây, đó là một nghề mà ông muốn gắn bó. Bởi không chỉ làm cho vui mà ông luôn đặt cả tâm huyết của mình trong từng nét chạm, từng thớ đá. Sự tận tâm, tận lực với nghề không chỉ mang lại thêm thu nhập cho gia đình mà điều quan trọng hơn là góp phần lưu giữ nét đẹp trong văn hóa của người dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem