Kỹ sư viễn thông thành triệu phú nhờ về quê nuôi cá kiểng

Khánh Vinh Chủ nhật, ngày 09/12/2018 06:30 AM (GMT+7)
Đam mê nuôi cá kiểng từ thời trọ học đại học ở Sài Gòn, ra trường đi làm với mức lương 18 triệu đồng mỗi tháng, nhưng anh Lê Văn Huệ ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã bỏ việc về quê theo đuổi đam mê nuôi cá kiểng làm giàu.
Bình luận 0

Đến trang trại nuôi cá kiểng của anh Lê Văn Huệ ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng những ngày này mới thấy hết sự đam mê, tìm tòi của anh Huệ. Không chỉ có hệ thống bể kiếng được thiết kế gọn gàng, đầy đủ hệ thống cấp thoát nước bằng van xả tự động, anh còn có cả hồ rộng để nuôi thả cá bột cùng hệ thống phun sương tự động để vừa cấp oxy cho nước vừa hấp thụ sắt, tạp chất trong nước…

Trước đây, anh Huệ chủ yếu dựa vào lực lượng nhân công tại chỗ để quản lý hồ cá kiểng, nhưng anh cho biết sắp tới sẽ tự làm “từ A đến Z” để được như ý.

img

Anh Lê Văn Huệ làm giàu thành công nhờ cách làm táo bạo, đột phá với nghề nuôi cá kiểng. Ảnh: KHÁNH VINH

Một sự tình cờ khác khi chúng tôi gặp thương lái Hồ Văn Huyên mua cá từ tận miền Trung. Anh này cho biết: “Chúng tôi mua cá kiểng của anh Huệ từ lâu rồi. Trại này theo tôi không chỉ thuộc loại lớn của Đông Nam bộ mà là của cả nước. Những năm gần đây, anh Huệ nhân giống thành công loại cá kiểng Ông tiên Ai Cập khiến nhiều người ngạc nhiên. Tôi phải đi từ miền Trung vào đây hy vọng mua được vài con và học cách nuôi cá kiểng của anh Huệ”.

Từ năm 1996, anh sinh viên Lê Văn Huệ, khi đó đang theo học ngành công nghệ thông tin tại TP.HCM, mua thử cặp cá kiểng về chơi trong thời gian trọ học. Sau này, khi về công tác tại Viễn thông Bình Dương, anh mày mò học hỏi thêm nhiều kỹ thuật nuôi cá kiểng và dồn hết thu nhập hàng tháng của mình vào việc mua cá. Thú vui nuôi cá kiểng ban đầu giờ trở thành nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí là làm giàu khi anh Huệ quyết tâm lao vào việc kinh doanh cá sau đó.

Ban đầu vốn ít nhưng có đam mê, kinh nghiệm nên anh quyết định thuê ao, hồ của người khác ở xã An Tây, TX.Bến Cát để nuôi cá kiểng tứ vân, cánh buồm, hồng nhung… Cá kiểng sinh trưởng, phát triển mạnh và nhiều chủ vựa ở Hà Nội vào tận hồ nhà anh chờ lấy cá.

Anh Huệ nhớ lại: “Hồi đó chưa ai nghĩ việc nuôi cá kiểng ở hồ như mình; mình mạo hiểm nhưng có tính toán kỹ càng nên đem lại thành công. Bán số lượng nhiều nên giá rẻ, người ta thích mua cá của mình lắm”.

Có được số vốn kha khá, anh lại tính đến việc về Thanh Tuyền để mở trang trại nuôi cá kiểng. Khi khởi sự, anh chỉ nuôi vài giống cá thông thường, giá rẻ để cung cấp ra thị trường như beo, bông cúc, lam, bồ câu…; cá giá rẻ nên cũng dễ tiêu thụ.

Nhờ thu nhập khá ổn định trong vài năm liền, cơ sở nuôi cá kiểng rộng 1.200m2 của anh nhanh chóng bị quá tải. Anh Huệ đã phải dời đến một địa điểm khác rộng hơn tại ấp Bến Sắn, xã Thanh Tuyền. Rồi anh đã đưa ra quyết định khó khăn là nghỉ làm tại Viễn thông Bình Dương, với mức lương mơ ước nhiều người, khoảng 18 triệu đồng/ tháng, để sống trọn đam mê với cá kiểng.

img

Cá Ông tiên Ai Cập được anh Huệ kiên trì tìm cách thuần và nhân nuôi thành công ở Việt Nam. Ảnh: IT.

Chỉ về phía hệ thống hồ kiếng cỡ lớn tiền tỷ, anh Huệ cười xòa: “Hồ này, tôi chỉ làm chơi để giới thiệu sản phẩm cá Ông tiên Ai Cập”. Nói ra mới biết anh là trong những người tiên phong trong cả nước có thể nuôi nhốt loại cá đắt tiền này. Ở những quốc gia khác, cá Ông tiên Ai Cập chỉ có trong tự nhiên và tỷ lệ sống sót trong môi trường nhân tạo khá thấp. Đã vậy, cá Ông tiên Ai Cập nổi tiếng rất… khó sinh sản, đặc biệt là khi được nuôi nhốt trong môi trường nhân tạo.

Mỗi năm cá Ông tiên Ai Cập chỉ đẻ một lần và cá phải nuôi 4 - 6 tháng mới phát dục, 3 năm tuổi mới sinh sản lần đầu. Chính vì thế, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu tập tính và thuần cá này, giờ đây anh Huệ đang chủ động phân phối loài cá đắt tiền này khắp thế giới mang thương hiệu cá cảnh Việt Nam.

Nói đến chuyện xuất khẩu cá kiểng, anh Huệ tâm tình: “Nhiều cái không ai tưởng nổi nhưng sự thật là mình từng xuất khẩu cá sang Singapore, Đài Loan...và được thị trường ở đó ưa chuộng. Mình nghĩ nếu phát triển tốt, nghề nuôi cá kiểng của Việt Nam là một nghề rất hấp dẫn, mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Cũng theo anh Huệ, điều kiện thổ nhưỡng tại Bình Dương rất dễ nuôi cá kiểng xuất khẩu. Điều quan trọng là người nuôi phải kiên trì, đam mê và nhận được sự động viên, tiếp sức kịp thời từ ngành chức năng.

Việc anh Huệ táo bạo khởi nghiệp từ cá kiểng và dám dùng đất vườn nhiễm phèn để tạo dựng thương hiệu cá kiểng uy tín xuất khẩu quốc tế cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành chăn nuôi này nói chung và tiềm năng nông nghiệp của đất Thanh Tuyền nói riêng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem