Ký ức Hà Nội: Chuyện xúc động về cây cầu Long Biên trường tồn cùng thời gian
Ký ức Hà Nội: Chuyện xúc động về cây cầu Long Biên trường tồn cùng thời gian
Giang Nam
Thứ bảy, ngày 16/09/2023 08:49 AM (GMT+7)
Những người sống lâu năm ở Hà Nội, bằng cách này, hay cách khác đều gắn bó với cây cầu Long Biên. Ngay cả những người mới đến, dù vô cảm đến mấy, hẳn cũng có những lúc bâng khuâng, khi nghe những chuyện xửa chuyện xưa...
Nhiều lúc rảnh rỗi, tôi vẫn chạy xe chầm chậm qua cầu Long Biên. Tôi thong thả ngắm những nhịp cầu uốn lượn. Những vết hoen gỉ loang lổ phủ khắp những dầm cầu và cả những ổ gà rải khắp nơi… Cầu Long Biên đã quá già. Nhưng một ngày kia thức dậy, nếu Hà Nội không có cầu Long Biên, đó sẽ là khoảng trống mênh mông trong mỗi người…
Tôi sinh ra khi Hà Nội duy nhất có một cây cầu bắc qua sông Hồng - cầu Long Biên. Như một lẽ tất nhiên, trong câu chuyện về những "chuyện ngày xưa", cầu Long Biên là điều không thể thiếu. "Hồi trẻ, bà ngoại thường đi bộ sang bên kia cầu khi có việc đấy. Làm gì có xe đạp". Mẹ tôi kể. "Có lần đang đạp xe trên cầu thì có báo động. Sợ lắm. Máy bay Mỹ mà đến lúc đấy chả biết trốn vào đâu".
"Cầu to thế mà mấy lần bị đánh sập, có quãng người dân phải qua sông bằng cầu phao. Chỗ không có uốn lượn lên xuống là chỗ bị bom ngày xưa đấy"… Những câu chuyện từ hồi thơ bé đã khắc sâu trong tôi hình ảnh cầu Long Biên.
Khoảng năm tôi học lớp 2, có một lần cả nhà được đi nhờ ô tô "sang Hà Nội". Sau đó, bố tôi quyết định cả nhà đi bộ về. Bố tôi cõng tôi qua cầu. Được một quãng, mẹ tôi bảo tôi đi bộ cho bố nghỉ. Những tấm bê tông dành cho người đi bộ mục cả ra, hở toác. Tôi dò dẫm chỉ sợ thụt chân xuống. Phía dưới là dòng nước cuồn cuộn đục ngầu. Thấy vậy, bố vội bảo tôi leo lên lưng. Đó là lần đầu tôi "gần" cầu Long Biên đến vậy.
"Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng…". Câu thơ ấy theo tôi suốt bao năm tháng. Khi tôi học đại học, Hà Nội đã có cầu Chương Dương rồi, nhưng nhà chỉ có hai chiếc xa đạp cà tàng. Thế là ngày hai lượt tôi qua lại cầu Long Biên. Có hôm, đi về buổi tối, cầu mất điện. Giữa cầu trời tối đen. Tôi tủm tỉm một mình: "Tối thế chứ tối nữa mình cũng chẳng lao vào chỗ xóc được". Quả tình, tôi nhớ từng chỗ nhựa đường bị dồn lại, gồ lên hay quãng nào là chỗ mặt cầu há ra, thành ổ gà…
Ngày gió bấc đạp xe ngược gió về phía Gia Lâm (giờ là quận Long Biên) quả là một thử thách. Sau một ngày học hành, làm thêm, đói, mệt, qua được cầu cũng rã rời. Nhưng tôi nhủ lòng. Còn có những người vất vả hơn mình.
Thập niên 1990, gần như cả Hà Nội đun nấu bằng than tổ ong. Hàng ngày, đoàn người kĩu kịt thồ than từ Gia Lâm vào nội thành. Người nào người nấy nhuộm một mầu đen kịt, chỉ hở đúng hai con mắt. Hai đầu cầu nhuộm đen màu của than. Đàn ông hay phụ nữ đều phải gồng người lên cùng mỗi nhịp đạp xe.
Hà Nội và tôi có một thời như thế. Tôi vẫn thích gọi đó là quãng thời gian "gian lao mà anh dũng". Những lúc cuộc sống gặp khó khăn, tôi thường nghĩ về những lần đạp xe ngược gió trên cây cầu cũ kỹ làm động lực. Những lúc lòng rối bời, cũng là lúc tôi sẽ đi trên cây cầu này. Để rồi, thấy lòng mình trong trẻo lại. Và cả những lúc không cơn cớ, tôi cũng muốn ngắm cây cầu, ở khoảng cách thật gần.
Hà Nội đã bước vào "thời đại số" với vô vàn công trình hiện đại. Cầu Long Biên, vẫn đứng đó, và vẫn thế. Ngày ngày, những công nhân cần mẫn sơn lại những chỗ hoen gỉ. Công việc dường như không có điểm dừng. Cây cầu quá tuổi vẫn gồng gánh những đoàn người đi qua. Thi thoảng, lại rộ lên thông tin về cải tạo, sửa chữa lớn, rồi lại chìm xuống. Đôi khi có cả thông tin Hà Nội sẽ tháo dỡ cây cầu…
Hơn thế kỷ đứng đó, là hơn trăm năm cây cầu đi cùng biến động lớn lao của dân tộc. Cây cầu chở che cho những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thực hiện cuộc rút lui thần kỳ sau 60 ngày đêm chiến đấu kìm chân Pháp trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến.
Những người lính Pháp cuối cùng cũng đi qua cây cầu này, trước khi xuống Hải Phòng để trở về nước. Cầu Long Biên là nơi đoàn quân chiến thắng trở về đi qua trong một ngày tháng 10/1954 lịch sử, khi Hà Nội hân hoan trong ngày Giải phóng. Cây cầu can trường đi qua bom đạn dưới thời kháng chiến chống Mỹ…
Những người sống lâu năm ở Hà Nội, bằng cách này, hay cách khác đều gắn bó với cây cầu. Ngay cả những người mới đến, dù vô cảm đến mấy, hẳn cũng có những lúc bâng khuâng, khi nghe những chuyện xửa chuyện xưa, khi ngắm nhìn những vết thời gian, vết đạn bom vẫn còn in trên mỗi nhịp cầu.
Cũng như tôi, nhiều vẫn thắc thỏm về số phận cây cầu trăm năm. Cách đây hơn chục năm, có một chương trình nghệ thuật tổ chức tại cây cầu: Ký ức cầu Long Biên. Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đã diễn ra trên cây cầu lịch sử, và cả hình ảnh đoàn quân chiến thắng trở về trong sự chào đón của nhân dân được tái hiện.
Nhiều năm trôi qua, với tôi, tinh thần của Ký ức cầu Long Biên chưa bao giờ cũ. Cầu Long Biên cần được nghỉ ngơi. Cầu Long Biên cần hướng đến chức năng mới. Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá. Một cây cầu có tính biểu tượng của thành phố, một di sản kiến trúc kỳ vĩ như cầu Long Biên, cần phải được đặt đúng chỗ trong quá trình phát triển ấy. Ngày ngày, bên những dòng người xuôi ngược, là những đoàn khách thăm quan đến với cây cầu. Đó là gợi ý để hướng đến những hoạt động xa hơn.
Tôi vẫn thường tưởng tượng đến một ngày không xa, trên cầu chỉ còn những chiếc xe đạp thong dong; những đoàn người khám phá các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Đường ray ở giữa cây cầu, có thể lắm, là những quán cà phê, những gallery nghệ thuật được cải tạo từ chính những toa tàu cũ kỹ… Cầu Long Biến, khi ấy, trở thành một cây cầu văn hoá.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.