Ký ức Hà Nội: Xúc động câu chuyện về mảnh đời mưu sinh ở Thủ đô

Thu Phương Thứ tư, ngày 13/09/2023 06:24 AM (GMT+7)
Hà Nội náo nhiệt với nhiều mảnh đời mưu sinh, đã cho ta gặp gỡ những người cùng xa xứ nhưng thật nghị lực và đáng yêu...
Bình luận 0

Chúng ta thường bảo nhau rằng Hà Nội ngột ngạt, đất chật người đông rồi giá cả sinh hoạt leo thang, đắt đỏ. Ấy vậy mà dù bấy nhiêu than thở, có mấy ai nỡ xa Hà Nội. Một Hà Nội náo nhiệt với nhiều mảnh đời mưu sinh, đã cho ta gặp gỡ những người cùng xa xứ nhưng thật nghị lực và đáng yêu.

Sau cơn mưa lạnh chiều thứ Bảy, tôi tan ca từ viện về nhà, trong trạng thái rời rạc, tôi vội bắt chuyến xe ôm về nhà để kịp nấu bữa tối. Đợi xe một lúc lâu, tôi đang định nổi cáu thì có số máy lạ gọi đến, giọng đầy lo lắng: 

"Chị! Chị ơi! Tắc đường quá nên em xin phép chị muộn 15 phút ạ, chị đừng vội huỷ chuyến không có tội em ạ!". 

Nào ai lỡ huỷ chuyến, cũng đâu nỡ mắng em nó câu nào. Một lát sau, bạn nam chạy xe ôm đã xuất hiện, em cúi đầu xin lỗi tôi, rồi gạt chỗ để chân cho tôi. Em gãi đầu, gãi tai, trời thì lạnh nhưng em không có nổi đôi găng tay. Bộ quần áo mỏng, đôi giày sờn vải cùng chiếc mũ bảo hiểm cũ, thấy em thật thương.

Ngồi sau xe em liên tục dặn tôi: "Chị ơi, trời tối, mắt em hơi kém, lỡ em chạy trúng ổ gà thì chị thông cảm giúp em nha!" Lúc này em bắt đầu kể thêm về hoàn cảnh gia đình em. Em chỉ mới 18 tuổi nhưng khá nhiều gánh nặng. Ở cái tuổi bạn bè đồng trang lứa đang bước vào ngưỡng cửa đại học với đầy mộng mơ thì em phải bỏ học từ sớm và chạy grab mưu sinh. Tài sản mà em có khi lên Hà Nội chỉ là chiếc xe dream cũ, một chiếc balo ngày đi lính của bố cùng vài ba bộ quần áo.

Nghe em kể nhà em còn đứa em nhỏ, mẹ sức khoẻ yếu không đi làm được. Bố em do ảnh hưởng của chiến tranh nên đôi tay không thể vận động nặng. Vốn hiểu chuyện nên dù chẳng được nhanh nhẹn nhưng em luôn cố gắng chăm chỉ làm việc mỗi ngày để có chút tiền gửi về cho gia đình.

Ngồi xe được một đoạn tôi phát hiện chiếc áo em mặc phía trong áo khoác ngoài chưa cắt mác, tôi vội vàng hỏi em có cần tôi giúp tháo mác áo đi không? Em cười ngại, bảo: "Dạ chị đừng tháo ạ, em chỉ mặc cái áo này hôm nay thôi, còn mai em lại giặt sạch, cất tủ rồi đem về cho em trai em ạ! Cái mác áo là để trông nó còn mới, tặng em trai em sẽ vui hơn ạ!"

Ký ức Hà Nội: Xúc động câu chuyện về những mảnh đời mưu sinh ở Thủ đô - Ảnh 2.

Chiếc áo còn nguyên mác mới. Ảnh Tác giả cung cấp.


Mỗi câu trả lời, em ấy đều dạ vâng rất ngoan. Chiếc áo mà em mặc là em mua tạm ở cửa hàng bên đường vì lạnh. Em bảo từ 6h sáng, em đã bắt đầu chạy xe, cái rét buốt da buốt thịt ở Hà Nội khiến em không thể "hà tiện" cho bản thân được nữa. Nhưng nghĩ đến em trai ở nhà không có quần áo để mặc, nên em giữ lại cái mác áo, để áo còn mới tặng em. Giờ đến 7h tối, em bảo cũng chỉ mới lót dạ bằng một chiếc bánh mì.

Em vừa đi vừa cười nói với tôi, chị đi làm công việc văn phòng, nói năng nhẹ nhàng, nền nã thật là thích. Em đây vốn người nhà quê, lại cục mịch không được nhanh nhẹn lắm, nên đôi khi bị người ta "khinh" chị ạ.  

Ở đất Hà Nội này, cuộc sống vội vã, lo lắng đủ chi phí, đôi lúc khiến em mệt mỏi và chán nản. Nhưng may thay, em vẫn gặp được những người tử tế, những người Hà Nội đầy nghĩa tình. Mấy ngày trước, em nhận chở một bác là cựu chiến binh ở Hà Đông, bác có mấy cái bánh nếp, bác vừa mua cũng cho em, bác còn tặng em cả chiếc áo ấm bác mà bác rất thích vì bác thấy em chạy xe mà không có nổi một chiếc áo khoác lông tử tế. 

Bác bảo là ở đây cháu không có người thân thì phải tự chăm lo và biết bảo vệ bản thân. Cần gì cứ gọi cho bác, số mà khi nãy cháu gọi bác trên app. "Đấy chị ạ, không phải ai ở đây cũng xấu, những người như bác ấy thật sự là động lực để em tiếp tục chạy xe mỗi ngày", cậu em thủ thỉ với tôi.

Hôm nay em cũng may mắn gặp được chị, chị không mắng em khi em muộn giờ, chị không bực mình khi em dừng lại bên đường đi vệ sinh. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến em ấm lòng. Thú thật khi nghe mấy câu nói của cậu nhóc này tôi mới thấy cậu đâu có ngốc nghếch hay chậm chạp như cậu tự cảm nhận, ngược lại cậu còn rất khéo và tình cảm nữa. Có lẽ vì vậy, dù ở Hà Nội hay ở thành phố nào đi nữa, em sẽ luôn được nhiều quý mến, vỗ về. Hà Nội nhỏ bé cũng trở nên đẹp hơn ngay cả những khoảnh khắc đời thường, kể từ khi có những người lao động chân chính, chân thành và luôn mang năng lượng tích cực như em.

Gần đến phòng, tôi tặng cậu nhóc chiếc bánh rán cùng hộp sữa mà tôi chưa kịp ăn, cũng không quên dặn cậu không nên chạy xe quá muộn. Cậu nhóc gãi đầu gão tai rồi nhắc khéo: "Chị ơi, không phải ai kể lể cũng đáng tin đâu chị ạ! Chị đừng để bị lừa…", nói xong cậu vòng tay qua phía sau, thấy chiếc mác áo đã được giấu đi, cậu vội gật đầu, nở nụ cười và phóng xe chạy vút…

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem