Ký ức Hà Nội: Hà Nội chụp ảnh - Chụp ảnh Hà Nội

Lê Hồng Quang Thứ năm, ngày 07/09/2023 09:09 AM (GMT+7)
Nhiếp ảnh di cư vào Việt Nam đã hơn 100 năm, những bức ảnh cổ về Việt Nam có lẽ nhiều nhất là ảnh về Hà Nội. Và trong bộ sưu tầm của mỗi người thì ảnh chụp ở Hà Nội có lẽ cũng sẽ nhiều nhất.
Bình luận 0

Chẳng thế mà, trên mạng xã hội có hẳn một nhóm mang tên "Ảnh Hà Nội xưa" nhưng vẫn cập nhật ảnh thời nay. Quả thật là ai cũng thích chụp ảnh về Hà Nội và đều thích được chụp ảnh với Hà Nội.

Ký ức Hà Nội: Hà Nội chụp ảnh - Chụp ảnh Hà Nội - Ảnh 1.

Chùa Trấn Quốc - điểm sáng tác của nhiều người thích chụp ảnh Hà Nội.

Có lẽ không có nơi nào như Hà Nội, bất cứ chỗ nào cũng có thể chụp ảnh, từ góc phố, ban công sắt, ghế đá, ven hồ, ven đường tàu, hay chỉ là một quán cà phê nhỏ cũng có thể sáng tác ảnh nghệ thuật và chụp ảnh kỷ niệm.

Nhiều người đến chụp ảnh nhất chính là hồ Gươm mà người Hà Nội hay gọi tắt là bờ hồ. Có người dành cả năm đi quanh hồ để sáng tác nhưng lão nghệ sỹ Quang Phùng năm nào, hay như Phó Giáo sư Hà Đình Đức chỉ chuyên chụp cụ rùa nổi. Những năm gần đây, nhiều nhiếp ảnh gia và những người thích được chụp ảnh luôn kịp canh thời điểm đẹp nhất của từng góc bờ hồ. Dịp lộc vừng đỏ lá cuối đông để chụp bằng được cây lộc vừng cổ thụ đứng nghiêng nghiêng. Đầu xuân, cây bằng lăng đâm chồi như những con chuồn chuồn ớt đậu trên cành, nhiều người chọn cho mình góc chụp đẹp nhất, canh lúc lặng gió để mặt hồ phẳng lặng đặng lấy cả bóng Tháp Rùa soi đáy nước biếc xanh.

Những ngày thu lá rụng, đoạn phố Phan Đình Phùng lại nườm nượp các cô gái áo dài thướt tha với bó hoa nhỏ trong tay tạo dáng chụp ảnh. Con phố này được coi là phố nhiều cây nhất của Hà Nội, nắng không đủ sức xuyên qua tán là kín dày, cứ mùa lá rụng, cả phố dày kín lá sấu vàng rải kín. Nhiều nhiếp ảnh gia đến đây sáng tác và "Phi mẫu bất thành công", họ luôn dẫn theo một vài thiếu nữ áo dài để sáng tác.

Rồi những công trình cổ kính ý nghĩa như Lăng Bác, chùa Một Cột, cầu Thê Húc, nhà thờ lớn, nhà thờ Cửa Bắc… cứ mỗi chỗ mỗi mùa, mỗi thời tiết lại cho những bức ảnh khác nhau đều đẹp đến mê hồn.

Quanh năm ngày tháng, lúc nào Hà Nội chụp ảnh cũng đẹp. Tháng Giêng thì dắt nhau ra làng đào, làng quất, ra chợ hoa Tết, ra phố bích họa Phùng Hưng. Tháng hai thì dắt nhau ra Bách Thảo, công viên Lê Nin chụp ảnh hoa sưa trắng muốt. Tháng ba thì ra bờ hồ, bảo tàng Lịch sử chụp ảnh hoa gạo đỏ. Tháng tư thì ra Phan Đình Phùng hoặc quán cà phê chụp ảnh hoa loa kèn mà cố tạo dáng cho giống bức tranh nổi tiếng của họa sỹ Tô Ngọc Vân "Thiếu nữ bên hoa huệ" để cùng nhau thắc mắc hoa loa kèn sao lại huệ, ừ thì loa kèn là huệ tây đấy. Tháng năm thì chụp phượng đỏ với áo dài trắng ngày chia tay năm học. Tháng sáu thì dãy bằng lăng phố Kim Mã thành nơi sáng tác của cả trăm tay máy.

Tháng bảy thì hồ sen đông người từ 6 giờ sáng cả tháng trước đó rồi. Tháng tám là lúc xúng xính chụp ảnh ngắm cầu Long Biên lúc tàu hỏa vào ga hay hồ Tây lúc hoàng hôn. Tháng chín, tất cả như trở về tuổi thơ khi dẫn nhau ra Hàng Mã chụp ảnh đồ chơi trung thu. Tháng mưởi, Hà Nội có lẽ đẹp nhất tháng mười khi tiết thu về, hoàng hôn mây lòng trai ngũ sắc cho mọi người mải mê phơi sáng chùa Trấn Quốc, cầu Long Biên. Tháng mười một cho hoa cúc họa mi giữa mùa bằng nở, loài hoa mang tên loài chim hót hay nhất nhì bầu trời. Tháng mười hai, ảnh đen trắng tung hoành phố vắng mưa phùn ngày gió bấc.

Những năm gần đây, nhiều chỗ trong lòng Hà Nội bỗng trở thành điểm "hot" như ven đường Bưởi, hay đường dẫn lên cầu Thanh Trì mùa thu dãy bàng lá nhỏ xanh lá. Rồi người ta canh lúc hoa phong linh nở vàng rực rỡ, hoa tường vi nhỏ xíu từng chum, hay cầu kỳ ra ven sông Hồng chiều tháng sáu sau cơn mưa thế nào cũng có cầu vồng. Rồi cả thú vui đi xe buýt hai tầng ngắm Hà Nội chụp ảnh, đi tàu điện trên cao chụp cảnh đứng nhìn con tàu lướt đi, ôi thế mà đẹp lắm đấy.

Những bức ảnh về Hà Nội và người dân chụp ảnh với Hà Nội để ngắm để lưu giữ kỷ niệm, lâu lâu về sau chính những bức ảnh đó đã trở thành ký ức Hà Nội.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem