Ký ức Hà Nội: Bố tôi và nghề làm bánh dẻo “gia truyền đời đầu”

Ngọc Tú Thứ tư, ngày 14/08/2024 18:39 PM (GMT+7)
Không nhất thiết phải hào hoa, lãng tử mới thể hiện mình có phong cách “dân Hà Nội gốc” và bố tôi chính là điển hình của mẫu người như vậy. Với tính cách bình dị, gần gũi, tình cảm và luôn chịu thương, chịu khó, bố gắn bó với một nghề “tay ngang”, “thời vụ” đến tận bây giờ: Làm bánh dẻo.
Bình luận 0

Bố tôi bây giờ đã gần 70 tuổi, sức khỏe đương nhiên không được như vài chục năm trước. Nhưng trí nhớ của bố thì quả là đáng khâm phục, đặc biệt khi hồi tưởng về những câu chuyện đúng chất "các cụ" với những ký ức bắt đầu bằng hai chữ "Ngày xưa".

Hà Nội xưa của tôi, trong trí nhớ của tôi cách đây hơn 3 thập kỷ là một thời khó khăn. Hồi ấy, nhà nào có xe máy "kim vàng giọt lệ", tủ lạnh Saratov, ti vi đen trắng của Liên Xô cũ, tủ ly là oách lắm. Nhà tôi thì không có gì, chỉ có một chiếc xe đạp gióng ngang, một chiếc tủ gỗ cũ kỹ và một chiếc giường cũng có niên đại khá sâu. Tóm lại, gia đình tôi hồi đó cũng giống nhiều nhà khác với cuộc sống rất vất vả.

Ký ức Hà Nội: Bố tôi và nghề làm bánh dẻo “gia truyền đời đầu”- Ảnh 1.

Cứ đến Trung thu, bố tôi lại "mở lớp dạy nghề gia truyền" làm bánh dẻo để các cháu có không gian vui chơi bổ ích. Ảnh nhân vật cung cấp.

Đến bây giờ, tôi vẫn hay đùa bố: "Sao bố nguyên quán 87 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội mà chẳng có chút phẩm chất nào giống trai phố cổ nhỉ?". Đáp lại, bố chỉ cười thật hiền và trả lời bằng những câu chuyện của ngày xưa. Luôn là như vậy mà tôi nghe mãi vẫn không biết chán, vẫn luôn xúc động dù những chuyện bố kể tôi đã nằm lòng!

Thời sinh viên, bố tôi học khoa Vật lý ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, bố theo đường binh nghiệp và công tác đến khi nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Nói tóm lại, những gì bố học và có nghề nghiệp chính chẳng liên quan gì đến việc làm bánh dẻo.

Hàng ngày, bố dậy sớm, đạp xe từ nhà tôi ở đầu Ô Chợ Dừa đến Ngã Tư Sở, gửi xe rồi lên ô tô của đơn vị để đến doanh trại. Đến chiều, ô tô đơn vị chở bố và các bác, các chú quay về Ngã Tư Sở rồi bố lại đạp xe về. Mẹ tôi làm nhân viên bách hóa ở Yên Phụ rồi Giảng Võ, cũng ngày ngày phải dậy sớm để đi làm. 

Ký ức Hà Nội: Bố tôi và nghề làm bánh dẻo “gia truyền đời đầu”- Ảnh 2.

Sau những năm tháng vất vả,  phải đến bây giờ, tôi mới cảm nhận được bố là một người đàn ông của gia đình, vì gia đình đến mức tuyệt vời như thế nào. Ảnh nhân vật cung cấp.

Thời ấy, như bố mẹ tôi hay kể chuyện là "lương ba cọc ba đồng" nên nuôi hai đứa con là tôi và anh trai tôi không hề đơn giản.

Để cải thiện cuộc sống, vì mẹ tôi có "lợi thế" bán bách hóa mậu dịch, bố tôi quyết định làm thêm với công việc mà bố không hề được đào tạo, chính là làm bánh dẻo. Ông bà nội tôi cũng động viên bố nhiều lắm dù cũng khá "xót con". Ấy là tôi nghĩ chắc chắn như thế vì lúc đó tôi còn quá nhỏ, không hiểu hết được mọi việc như bây giờ.

Thế là, cứ trước Trung thu nửa tháng, bố lại xin nghỉ phép ở đơn vị. Các thủ trưởng của bố có lẽ cũng vô cùng thông cảm với "ông em" nên tạo điều kiện để bố được làm thêm việc mang tính cải thiện, như trong quân đội mà bố hay đùa mà cũng chính xác là "tăng gia".

Thời đó, sắp đến Trung thu là nhà tôi bừa bộn bột, nhân bánh, nước đường. Căn nhà nhỏ hơn 20m2 gần như không còn chỗ trống. Lỡ ngày nào có mưa thì… thôi rồi, bột dính vào chân tay, quần áo nhớp nháp. Thời tiết nóng nực càng khiến không gian sống bị xáo trộn. Nhưng bố tôi không bao giờ cảm thấy phiền hà vì điều đó.

Ký ức Hà Nội: Bố tôi và nghề làm bánh dẻo “gia truyền đời đầu”- Ảnh 3.

Tôi và bố mẹ luôn tự hào về nghề "tay ngang" của gia đình là làm bánh dẻo. Ảnh: FBNV

Bố luôn động viên anh trai tôi và tôi: "Các con cùng cố gắng với bố mẹ nhé". Tất nhiên, đứa trẻ vài tuổi là tôi khi ấy không thể hiểu hết mọi chuyện mà phải đến bây giờ, tôi mới cảm nhận được bố là một người đàn ông của gia đình, vì gia đình đến mức tuyệt vời như thế nào.

Bánh dẻo thời đó làm theo phương thức thủ công. Bố thường đạp xe lên phố Hàng Quạt mua khuôn gỗ, lên Xuân Đỉnh mua bột, tự ra chợ mua các loại nhân là lạp xưởng, trứng, cốm, đậu xanh, tóm lại là "nhân thập cẩm".

Tôi cũng chẳng hiểu bố học từ ai cách làm bánh dẻo, nhưng rồi bố cũng thành công với nghề thứ hai của mình. Tủ bánh nhà tôi được đặt ở cửa nhà tại ngõ Đình Đông, nơi tôi bây giờ hay đùa là "ngõ Đồng Xuân 2.0", nơi vốn nổi tiếng trên phố Hàng Chiếu với rất nhiều món ăn đặc sắc của Hà Nội.

Bố thức khuya, dậy sớm, cặm cụi làm từng mẻ bánh rồi cặm cụi xếp vào khay để sau đó mang đi ký gửi ở cửa hàng của mẹ. Anh trai tôi sau giờ học được phân công vai "cửa hàng trưởng" ở nhà, tức là ngồi bán bánh, kiêm luôn những công việc lặt vặt là ngâm khuôn, rửa khuôn, lồng bánh, giao hàng cho hàng xóm trong ngõ.

Mỗi đợt Trung thu khi ấy, gia đình tôi đúng là "trúng mánh". Nhưng bố tôi không bao giờ lấy việc kiếm lãi lời là tiêu chí số một dù công việc này đúng là để cải thiện cuộc sống. Khi anh trai tôi học đại học, có ngày muốn xin nghỉ học để phụ việc, bố tuyệt đối không đồng ý bởi: "Tiền quan trọng, nhưng việc học quan trọng hơn. Con cứ đi học, nhà mình thu nhập ít đi một chút cũng không sao".

Bây giờ, nhà tôi ở đầu Ô Chợ Dừa đã giải tỏa, gia đình chuyển đi nơi khác. Nhưng "danh tiếng" của bố tôi, của cửa hàng bánh dẻo "gia truyền đời đầu" và chắc không có người kế nghiệp vẫn được nhiều người biết đến.

Bố tôi đã nghỉ hưu trong quân đội từ lâu, nhưng nghề làm bánh dẻo của bố làm gì có tuổi hưu. Cứ đến gần Trung thu, được những người quen đặt hàng, bố lại làm bánh dẻo. Tất nhiên, bây giờ bố làm cho vui, để mọi người cùng được thưởng thức một thức quà đặc trưng Hà Nội.

Trong tôi, Hà Nội đơn giản như vậy, với bố tôi mộc mạc và rất hiền lành, luôn sống vì mọi người. Một người Hà Nội như vậy, theo cảm nhận của tôi, vẫn thực sự hào hoa và tôi vẫn luôn hạnh phúc vì đang được ở gần bố, được bố kể chuyện ngày xưa trong mỗi bữa cơm một cách đầy hào hứng và cảm động!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem