Ký ức Hà Nội: Thanh xuân rực rỡ ở Thủ đô những năm thập niên 90

Phong Vũ (Hải Phòng) Thứ hai, ngày 19/08/2024 06:36 AM (GMT+7)
Bố tôi hay bảo các con phải hòa mình vào chương trình SV 96, nghe nhạc Bức tường, đồng thanh hát "Bình minh sinh viên Việt Nam" mới có thể cảm nhận được tinh thần khát khao cống hiến của thế hệ trẻ khi đó lớn đến mức nào.
Bình luận 0

Hà Nội là một góc nhỏ đầy ắp yêu thương và kỷ niệm đẹp trong căn nhà của tôi. Bố mẹ tôi là người ngoại tỉnh nhưng tuổi trẻ sôi nổi của hai người gắn với mảnh đất Hà thành và cũng chính tại nơi này chị em tôi đã có một thanh xuân rực rỡ. Do vậy, Hà Nội là một phần tuổi trẻ của tất cả các thành viên trong gia đình tôi. 

Nửa cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, bố mẹ tôi là hai thanh niên tỉnh lẻ theo học tại Hà Nội. Mẹ tôi khi ấy là cô sinh viên mẫn cán của Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Đại học Luật Hà Nội), còn bố tôi là anh cán bộ đoàn năng nổ của Đại học Xây dựng. 

Cả hai tình cờ gặp nhau trong chương trình SV96 – một show truyền hình thực tế quy tụ những sinh viên xuất sắc của các trường đại học trên cả nước. Ở khu vực phía Bắc, Hà Nội là sân chơi đông đảo nhất vì tập trung hầu hết các trường đại học lớn. 

SV 96 khi đó là thanh xuân của biết bao thế hệ sinh viên Việt Nam trong đó có bố mẹ tôi. Bố tôi kể, ngày xưa internet chưa phổ biến, chưa có điện thoại thông minh hay máy tính bảng cho nên các hoạt động giải trí của sinh viên lúc bấy giờ chủ yếu là tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao ngoài trời. Con gái chép sổ tay bài hát, chép thơ, viết lưu bút. 

Vì vậy, SV 96 là một luồng gió mới mẻ, là sân chơi thể hiện trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo cho các bạn sinh viên tài năng thời đó. Bố tôi gặp mẹ trong vòng loại chương trình SV 96, vì quá ngưỡng mộ sự thông minh, sắc xảo của mẹ mà bố nguyện dành những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ ngày ngày đạp xe một cung đường dài từ Giải Phóng sang Nguyễn Chí Thanh để đưa đón mẹ rong ruổi khắp Hà thành.

Bố mẹ kể cho chúng tôi nghe vô số những câu chuyện truyền cảm hứng về sinh viên Hà Nội ngày ấy. Mẹ tôi thường tâm sự: thế hệ sinh viên vào những năm 1990 từng là niềm hy vọng to lớn của thời kỳ đổi mới đất nước. Dù cuộc sống sinh viên thuở ấy còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn trẻ trung, lạc quan và đầy năng lượng. 

Bố tôi hay bảo rằng, các con phải hòa mình vào không khí sôi động, đầy máu lửa của một chương trình SV 96, phải nghe ban nhạc Bức Tường thể hiện những bản nhạc rock rực lửa và cùng nhau đồng thanh hát to bài ca "Bình minh sinh viên Việt Nam" thì các con mới có thể cảm nhận được tinh thần khát khao cống hiến của thế hệ trẻ khi đó lớn đến mức nào.

Ký ức Hà Nội: Thanh xuân rực rỡ ở Thủ đô những năm thập niên 90- Ảnh 2.

Gia đình tôi đi xem live show "Trở về" của ban nhạc Bức Tường năm 2021 được tổ chức tại Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp.

Rời xa Thủ đô, bố mẹ tôi đã gói ghém tất cả tình yêu Hà Nội vào một đám cưới nhỏ và trở về quê hương lập nghiệp. Tuy vậy, cả hai chưa lúc nào ngừng nhớ về những kỷ niệm đẹp tại mảnh đất này. Tình yêu Hà Nội của bố mẹ đã nuôi dưỡng ước mơ đỗ đại học của chị em tôi. 

Năm 2014, tôi trở thành tân sinh viên Đại học Luật Hà Nội nhưng "Hà Nội" qua lăng kính của sinh viên thế hệ 9X như tôi khác lắm. Hồi ức về Hà Nội của bố mẹ tôi giờ đây có lẽ chỉ còn trong phim ảnh hoặc được lưu lại trong các phòng triển lãm.

Không thích cuộc sống ngột ngạt ở trung tâm thành phố, bốn năm sinh viên, tôi chọn thuê nhà ở khu chợ Cổ Nhuế gần công viên Hòa Bình – một vùng ven đô đông đúc mới lên phố và vẫn còn luộm thuộm. Nhưng tôi lại mê mẩn mùi thơm của đỗ tương béo ngậy, nóng hổi mỗi buổi sáng đi ngang qua hàng đậu phụ.  

Tôi thích ngắm những gánh hàng nho nhỏ ngồi rải rác ven đường có vài mớ rau nhà trồng được chăm chút xếp gọn gàng. Tôi yêu cái không khí tất bật của khu chợ lúc chưa bình minh, ai cũng hối hả chuẩn bị hàng hóa để mang vào khu vực nội đô. 

Tuy nhiên, tôi khoái nhất là ngồi từ trên cao ngắm những chuyến tàu đêm chạy ngang qua chợ Cổ Nhuế mỗi buổi tối. Nơi đây cho tôi một cảm giác xa lạ mà thân quen, nhộn nhịp nhưng vẫn rất bình yên, "Hà Nội phố" nhưng vẫn rất thôn quê.

Cứ mỗi dịp cuối tuần tôi lại ngồi xe buýt đi một vòng Hà Nội, từ Cổ Nhuế sang Long Biên dạy học tình nguyện cho trẻ em nghèo mạn ven sông Hồng. Tham gia lớp học Cầu Vồng được ba năm, đó cũng là khoảng thời gian cho tôi cơ hội được thấy những khung cảnh đẹp nhất của Hà Nội. Bãi bồi sông Hồng mỗi buổi sáng mát rượi, những vườn chuối xanh đi mãi không mỏi, ra bờ sông buông hết mệt mỏi, nhìn ngắm tàu thuyền qua lại rồi hít một ngụm trong lành cho căng bụng và chơi với các em nhỏ là có một cuối tuần đầy năng lượng.

Những người dân chọn ở lại đây ai cũng gắn bó với nơi này vài chục năm, mọi người kể rằng thuở trước sông Hồng không dịu dàng như bây giờ và mảnh đất này vốn là một bãi bồi tập hợp đủ nhiều thành phần trong xã hội. 

Trong ký ức những người dân đất bãi, sông Hồng mang đến bao nhiêu phù sa tươi tốt nhưng cũng dữ dội và khắc nghiệt. Mỗi năm tầm cuối tháng bảy âm lịch lũ đến rồi đi, cuốn theo mọi thứ và để lại bao mái nhà xơ xác cùng những mảnh đời cơ cực. Người tản cư đi dần vì không thể chống chọi với dòng nước lũ phù sa đỏ au dâng lên cuồn cuộn. 

Kẻ ở lại là những người bền chí cố gắng bám trụ để có một nơi an cư. Rồi họ cũng chẳng biết từ bao giờ, lũ thôi không hoàng hành mảnh đất ven sông này nữa. Thiên nhiên trả lại cho người dân một một dòng sông Hồng hiền hòa với những bãi bồi trù phú, tốt tươi. Và lũ chẳng thể cuốn đi bao ký ức tươi đẹp của cư dân ven sông, có lẽ những người dân còn sót lại đã chứng biết bao biến cố, thăng trầm và đổi thay của dòng sông nên họ chẳng lỡ rời đi.

Ký ức Hà Nội: Thanh xuân rực rỡ ở Thủ đô những năm thập niên 90- Ảnh 4.

Không gian sông Hồng, đoạn qua TP.Hà Nội. Ảnh: T.N.

Ở đây gia đình nào cũng mải mê, tất tả với cuộc sống cơm áo gạo tiền nhưng họ chẳng hề tự ti, trái lại họ luôn tự hào vì mình là một phần của Hà Nội. Đâu phải Hà Nội bỏ rơi họ mà họ đã chọn bỏ lại một Hà Nội phồn hoa, giàu có để sống một cuộc đời giản đơn. 

Họ giúp tôi hiểu rằng, cuộc sống này vốn không hoàn hảo, ta nên học cách chấp nhận và bao dung những thứ không vẹn tròn như cách mà Hà Nội vẫn luôn ôm ấp và nuôi sống biết bao thế hệ bên dòng sông Hồng.

Những năm tháng tuổi trẻ ở Thủ đô, không thích lui tới những trung tâm thương mại sầm uất, cũng chẳng thích tụ tập ở những địa điểm nổi tiếng xô bồ, tôi yêu Hà Nội bình yên thôi. Hà Nội trong tôi là một thành phố lộn xộn đáng yêu, vui vẻ và hào sảng. 

Mỗi lần có dịp ghé ngang Hà Nội, từ cầu Thăng Long nhìn xuống, sông Hồng vẫn mênh mông hiền hòa. Bãi bồi hai bên vẫn rộng lớn ngàn sắc xanh. Tôi lại nghĩ vẩn vơ, chẳng biết những người quen của mình còn ở đó hay đã di cư đến một vùng đất mới?

Bố mẹ và chị em tôi là hai thế hệ trong một gia đình chọn yêu Hà Nội theo những cách khác biệt. Nhưng dù có thế nào đi nữa Hà Nội mãi luôn là sợi dây kết nối tất cả các thành viên trong nhà, nhắc nhở chúng tôi về một tuổi trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết. Cảm ơn bố mẹ đã ấp ủ tình yêu Hà Nội cho tôi. Tôi mến yêu và biết ơn Hà Nội nhiều lắm!

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem