Ký ức Hà Nội: Nghề “hot” ở Thủ đô thời bao cấp

Trần Minh (Hà Nội) Chủ nhật, ngày 25/08/2024 09:47 AM (GMT+7)
Ngày ấy, việc phân phối các nhu yếu phẩm như: quần áo, kim khí, lương thực, thực phẩm, chất đốt đều qua tem phiếu, nên công tác tại các ngành này được coi là nghề "hot".
Bình luận 0

Thời bao cấp, gia đình tôi có nhiều người làm việc tại Công ty Thực phẩm Hà Nội. Trong đó, mẹ tôi làm tại Xí nghiệp chế biến thực phẩm số 2 (thuộc Công ty thực phẩm Hà Nội). Chị tôi là mậu dịch viên cửa hàng thực phẩm phố Trương Định. Còn tôi mới bước một chân vào ngành thương nghiệp Hà Nội, vì khi ấy tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp Trường trung cấp thương nghiệp - nơi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thương nghiệp Thủ đô.

Ngày ấy, việc phân phối các nhu yếu phẩm như quần áo, kim khí, lương thực, thực phẩm, chất đốt đều qua tem phiếu, nên công tác tại các ngành này được coi là nghề "hot". Các cô gái là mậu dịch viên rất "có giá" trong mắt các chàng trai Hà Nội thời ấy. 

Tôi còn nhớ, gia đình tôi khi đó có khá nhiều khách đến chơi, chủ yếu để nhờ vả bố mẹ và chị tôi mua hộ thực phẩm. Sở dĩ họ phải nhờ là vì nếu họ trực tiếp đi mua, vừa phải xếp hàng lâu mà chưa chắc đã còn hàng, có khi không mua được thực phẩm ngon. Còn khi bố mẹ và chị tôi mua hộ, miếng thịt được chọn vừa ngon, cân "tươi" hơn bình thường.

Tôi còn ấn tượng khuôn mặt rạng ngời của một người họ hàng xa khi nhận chiếc chân giò lợn từ tay bố tôi mua hộ. Ông là sĩ quan trong ngành công an, thuộc vào hàng "thét ra lửa", thế nhưng như mọi người dân thời đó, gặp phải cô mậu dịch viên khó tính thì cũng đành nhẫn nhịn. 

Ông nói, chưa bao giờ mua được chiếc chân giò ngon như thế này. Bình thường, mậu dịch viên sẽ cắt chân giò lợn đến sát khuỷu, nhưng chiếc chân giò bố tôi mua hộ thì cắt sang cả quả mông nên nhiều thịt...

Thời bao cấp, làm được cái nhà cũng bị hàng xóm soi mói, đồn đoán. Họ nói, cả nhà tôi làm thực phẩm, chắc tham ô được mới xây cái nhà khang trang như thế. Thực tế, dù có là nghề "hot", song thời bao cấp, cũng chỉ ưu ái hơn người khác mua được miếng thịt ngon, tươi, chứ làm sao mà tham ô được. Để xây được ngôi nhà, bố mẹ tôi đã phải tằn tiện, chăn nuôi con lợn con gà. Tự tay đi xin đất đèn bỏ đi thay vôi, đóng từng viên gạch ba banh (gạch xỉ), tích lại hết tháng này sang năm khác, đủ gạch mới cất được ngôi nhà.

Ký ức Hà Nội: Nghề “hot” ở Thủ đô thời bao cấp- Ảnh 2.

Cửa hàng bán bia hơi thời tem phiếu được phục dựng lại ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Phú.

Nhớ lại những năm tháng học tại Trường trung cấp thương nghiệp Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng thương mại và du lịch Hà Nội), tôi vẫn nói vui với các con: "Nếu còn bao cấp, bố chắc chắn sẽ nối nghiệp ông nội, vào làm việc tại Công ty thực phẩm Hà Nội và trở thành một nhân viên thu mua lợn tại các hộ gia đình". Các con tôi trêu lại: "May mà xóa bao cấp, nếu không, bố thành tay lái lợn thì người lúc nào cũng sực mùi lão trư mất..."

Đúng là trong cái rủi, có cái may! Thời điểm ra trường đúng lúc Nhà nước xóa bỏ chế độ bao cấp, tem phiếu không còn, các cửa hàng thực phẩm điêu đứng khi phải cạnh tranh với các sạp thịt lợn bán ngoài chợ. Có rất nhiều mậu dịch viên "danh giá" một thời phải nghỉ chế độ 176, vì kinh doanh bế tắc. Tôi chuyển sang học nghề khác để mưu sinh. 

Hiện nay, hệ thống các cửa hàng bán thịt lợn tươi sống thuộc Công ty thực phẩm Hà Nội không còn nữa, Xí nghiệp chế biến thực phẩm số 2 nơi mẹ tôi công tác cũng giải thể. Công ty thực phẩm Hà Nội không còn trực thuộc Sở Thương nghiệp Hà Nội như thời bao cấp mà trở thành một doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (HAPRO). 

Trong cơ chế thị trường, công ty phải đổi mới kinh doanh, liên kết với các đối tác mở các siêu thị, kinh doanh nhiều mặt hàng như lương thực, thực phẩm, hoa quả, nông sản...

Bây giờ, đời sống của người dân cả nước nói chung, người dân Thủ đô nói riêng ngày một đủ đầy hơn trước; cái ăn, cái mặc không còn là nỗi lo thường trực; không còn cảnh xếp hàng chờ mua lương thực, thực phẩm như thời bao cấp.

Nghề mậu dịch viên bán thực phẩm, bông vải sợi, kim khí, chất đốt... cũng không còn được gọi là nghề "hot" nữa. Hàng hóa phong phú tràn ngập siêu thị, giá cả cạnh tranh, chất lượng đảm bảo. Người tiêu dùng đã trở thành "thượng đế" thực sự. Đó là thành tựu phát triển đi lên của Thủ đô và đất nước nhờ vào công cuộc Đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem