Ký ức Hà Nội: Ngõ nhỏ cổ kính len lỏi trong phố cổ Hà thành
Ký ức Hà Nội: Ngõ nhỏ cổ kính len lỏi trong phố cổ Hà thành
Á hậu Nguyễn Trần Huyền My (Hà Nội)
Chủ nhật, ngày 06/10/2024 10:16 AM (GMT+7)
Hà Nội trong tôi là những dãy phố nhỏ sâu hun hút ẩn mình trong lòng phố cổ, là những món ăn vỉa hè giản đơn nhưng tuyệt ngon, quyện vào câu chuyện cuối ngày với bạn bè.
Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này. Gia đình, bạn bè và những ký ức của tôi dường như đều nằm "lọt thỏm" trong từng con phố dài và thênh thang tại Thủ đô. Cũng bởi vậy, nhiều năm qua, dù có không ít lời mời gọi, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể rời xa nơi mình đã chào đời, dần lớn khôn và gắn bó.
Hà Nội trong tôi là những dãy phố nhỏ sâu hun hút ẩn mình trong lòng phố cổ, là những món ăn vỉa hè giản đơn nhưng tuyệt ngon, quyện vào câu chuyện cuối ngày với bạn bè. Rồi một ngày thu, lang thang bên ai đó trong cơn gió đầu mùa, bắt gặp cái se lạnh rất đỗi dịu dàng, bỗng thấy biết ơn vì được sống trong một không gian đầy lãng mạn và cổ kính.
Tôi thường có một thói quen giản dị, đó là mỗi khi đi làm, dù tới bất cứ đâu - cũng phải vòng qua Hồ Tây trước khi trở về nhà. Tận hưởng cảm giác bước chầm chậm trước không gian mênh mông, ngắm nhìn những dòng người qua lại, tôi bỗng thấy mình trở nên thảnh thơi và vơi bớt mệt mỏi. Hà Nội trong tôi khi ấy như một chốn bình yên, mà mình có thể nương náu và dựa dẫm.
Mỗi chuyến đi công tác xa nhà, tôi thường mang một cảm giác nhung nhớ khó tả. Lòng hướng về Hà Nội, nhớ gia đình, nhớ từng góc phố thân quen đến món phở bò đặc trưng, thơm ngon; nhớ bún ốc nguội ngồi vỉa hè; nhớ cốm Làng Vòng của chị hàng rong… Nỗi nhớ đôi khi phảng phất, đôi khi lại cồn cào, da diết, tưởng như chỉ giơ tay ra là chạm vào được.
Đáp xuống sân bay Nội Bài sau một chuyến đi dài, việc đầu tiên tôi thường làm là chọn cho mình món phở Hà Nội để thỏa lòng mong nhớ. Nhấp lên miệng chút nước dùng, tôi cảm giác mùi vị và khoảng trời Hà Nội đang ùa về trong mình. Không phải ngẫu nhiên mà phở Hà Nội nổi tiếng tới vậy, những người bạn nước ngoài của tôi, khi đến đây cũng đều trầm trồ, pha chút ngưỡng mộ về ẩm thực Hà thành.
Gia đình tôi mang nhiều nét đặc trưng của người Hà Nội, có lẽ cũng bởi vậy mà nét văn hóa cũng mang những đặc trưng đặc biệt. Khi ăn cơm, mọi người thường duy trì nếp sống phải mời mọi người theo thứ tự từ người nhiều tuổi nhất đến người ít tuổi nhất, lúc ăn không được phát ra tiếng động lớn hoặc đi dép không được đi loẹt quẹt. Trong văn hóa giao tiếp, câu nói phải hết sức chỉn chu, không được nói trống không, câu thiếu chủ vị ngữ.
Ngày nay, cách suy nghĩ, phong cách của những người trẻ của Hà Nội đã khác đi đôi chút. Nhưng là một người con Hà Nội – tôi luôn tin cái chất thanh lịch, hào hoa vẫn luôn ở đó. Người trẻ chúng tôi vẫn luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa do ông cha để lại, để mỗi ngày Hà Nội đẹp đẽ, khang trang, hiện đại hơn, để những khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại mảnh đất này mãi mãi còn tồn tại theo năm tháng.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.