Ký ức Hà Nội: “Phố B52” mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố

Nguyễn Trọng Đông Thứ năm, ngày 05/09/2024 08:00 AM (GMT+7)
Gần 52 năm đã trôi qua, mỗi lần nhớ về ký ức khốc liệt khi không quân Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên, ngay sát gia đình tôi ở phố Nam Đồng (bây giờ là phố Nguyễn Lương Bằng), tôi lại nhớ đến lá thư đầy tình cảm của bố gửi gia đình khi ấy.
Bình luận 0

Đêm 26/12/1972, không quân Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên, phá hủy 534 ngôi nhà, khiến 287 người chết, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới. Số người bị thương là 290, 178 trẻ em hồi đó trở thành mồ côi…

Đó là những thông tin tôi đọc trên báo chí sau này. Chứ lúc đó, sự thảm khốc, mất mát là quá lớn, ai cũng đau đớn và bàng hoàng. Nhà tôi ở phố Nam Đồng và bây giờ là phố Nguyễn Lương Bằng. Nhà ở ngõ Đình Đông, sát đầu Ô Chợ Dừa, gần với phố Khâm Thiên nên cũng hứng chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Ký ức Hà Nội: “Phố B52”, mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố - Ảnh 1.

Phố Khâm Thiên và khu vực nhà tôi gần đó gần như đổ nát hoàn toàn sau trận ném bom tháng 12/1972 của không quân Mỹ. Ảnh tư liệu từ Báo Đại Đoàn Kết

Vào thời điểm đầy bi thương ấy, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Vật lý của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoa tổ chức cho sinh viên đi sơ tán nên tôi ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (bây giờ thuộc tỉnh Bắc Giang).

Sáng 3/1/1973, từ Hiệp Hòa, tôi mượn được chiếc xe đạp và bắt đầu di chuyển về nhà từ 5 giờ sáng trong nỗi lo lắng khôn tả vì không hề nắm được thông tin gì về gia đình. 10 giờ sáng, tôi về đến nhà mà thực ra: nhà tôi khi ấy không còn nữa. Cả ngõ Đình Đông đã bị san phẳng. 

Tôi được thông báo tin trong ngõ có 2 người hàng xóm chết, một số người bị thương, còn gia đình tôi may mắn còn sống và đã đi sơ tán.

Vội vàng, tôi đạp xe lên cơ quan của bố tôi khi ấy tại số 5 phố Phan Chu Trinh. Đến nơi, tôi gặp được bố và hai bố con ôm nhau. Tôi khóc nhưng bố không khóc mà vừa khuyên vừa nhắn rất ngắn gọn: "Con về lại Hà Bắc đi. Còn người là còn tất cả. Cả nhà mình đều bình an".

Ký ức Hà Nội: “Phố B52”, mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố - Ảnh 2.

Bố tôi tuy có vẻ cứng rắn nhưng thực ra lại là người rất sâu sắc, tình cảm. Ảnh tư liệu gia đình

Bố mẹ tôi có 5 người con. Tôi là thứ tư, trên tôi có anh cả Nguyễn Mạnh Dung (nguyên hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), 2 chị Nguyễn Thị Nga (ở nhà hay gọi là Ngà), Nguyễn Thị Phụng (đều là giáo viên) và em út Nguyễn Quý Anh (là kỹ sư điện tử bây giờ đã nghỉ hưu).

Anh Dung khi ấy ở Ngọc Hồi, vẫn là giáo viên. Còn bà ngoại tôi, mẹ tôi cùng 2 chị và em Quý Anh đã đi sơ tán. Bố tôi thì ở lại cơ quan trên số 5 phố Phan Chu Trinh. Thời đất nước chưa hết chiến tranh, cảnh ly tán như vậy có lẽ quá quen thuộc với hầu hết các gia đình. Thật may, mọi người vẫn bình an, đúng như bố tôi nhắn tôi như vậy.

Lúc đó, tôi, một thanh niên 17 tuổi, đủ hiểu được sự khắc nghiệt, nguy hiểm của chiến tranh. Vì vậy, tôi phần nào hơi ngạc nhiên khi thấy bố tôi rất bình tĩnh, thậm chí gương mặt và cách nói chuyện của ông với tôi có phần hơi… lạnh, kiểu như ra lệnh thì đúng hơn là khuyên nhủ.

Ký ức Hà Nội: “Phố B52”, mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố - Ảnh 3.

5 anh chị em tôi và các con cháu vẫn luôn nhớ về bố mẹ với sự yêu thương và tình cảm đầy kính trọng mỗi khi nhắc về những kỷ niệm xưa. Ảnh tư liệu gia đình

Nhưng, thời gian trôi qua, khi đất nước hòa bình và khi bà ngoại, bố mẹ tôi cũng đã về với tổ tiên, trong một lần tụ họp các gia đình, chị Nga tôi bỗng đưa tất cả mọi người cùng xem một bức thư của bố viết khi ấy. 

Lúc đó, tôi mới hiểu rõ hơn, trong sâu thẳm trái tim, bố tôi là một người vô cùng tình cảm, lo lắng cho tất cả thành viên trong gia đình nhưng lại tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ chính là để mọi người yên tâm hơn, vững vàng hơn vượt qua giai đoạn gian khó của cả gia đình nói riêng và cũng là của cả Hà Nội và đất nước nói chung.

Trong thư, bố tôi mở đầu đơn giản nhưng đầy xúc động bằng 4 chữ mà đến giờ khi đọc tôi vẫn không kìm được nước mắt vì nhớ bố: "Em và các con".

Bố nhắn mọi người phải yên tâm ở nơi sơ tán với nội dung: "Chưa biết ngày và nơi trả lương. Cứ để chị Oanh lĩnh rồi chuyển vào. Tất cả phải nghe lời bố. Không ai được ra cả.

Anh sẽ lo cho em và các con cho chu đáo. Đây là lúc tất cả các con đều phải nắm chặt lấy tay nhau cùng bố lo việc gia đình".

Thậm chí, bố tôi còn viết thêm một câu mà theo tôi, có lẽ đúng khí chất người Hà Nội: "Tiết kiệm nhưng không quá bần tiện".

Với bà ngoại tôi, tức là mẹ vợ của bố, lời động viên rất giản dị mà đầy sự quan tâm: "Chúc mẹ và toàn thể gia đình khỏe và cố gắng vui mà chịu đựng qua lúc này".

Ký ức Hà Nội: “Phố B52”, mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố - Ảnh 4.

Ký ức Hà Nội: “Phố B52”, mùa đông năm 1972, lời dặn và bức thư của bố - Ảnh 5.

Lá thư của bố viết vào tháng 12/1972 gửi bà ngoại tôi, mẹ tôi và các thành viên khác trong gia đình. Ảnh tư liệu gia đình

Thực tế, hóa ra bố tôi lúc đó cũng "ruột gan rối bời" đúng như bố viết trong thư, nhưng khi gặp tôi, bố lại không hề bày tỏ sự lo lắng đó. Chắc chắn, bố muốn tôi vững tâm, trở về nơi sơ tán để tiếp tục học tập và làm người tốt.

Bây giờ, 5 anh em tôi vẫn tương đối mạnh khỏe. Chúng tôi vẫn luôn nhớ lời dặn của bố, luôn yêu thương, chăm sóc nhau, như mọi người vẫn hàn huyên những ký ức vừa đau thương, buồn khổ nhưng cũng không thiếu sự cảm động, gắn bó gia đình của một thời không thể quên vào mùa đông năm 1972, của phố Khâm Thiên từng được gọi là "Phố B52" và bức thư mãi trở thành kỷ niệm không phai mờ với bố.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem