Đinh Thành Trung (Hà Nội)
Thứ ba, ngày 03/09/2024 14:55 PM (GMT+7)
Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm đi chợ Ngô Sĩ Liên mặc cả mua bán từng đồng chỉ để có một bữa ăn tiết kiệm thời cuộc sống còn khó khăn. Mười lăm năm là một khoảng cách đủ dài để làm con người tiếc nuối những kỷ niệm xưa cũ.
Chiều nay tôi lại đi qua phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). Con phố vẫn ở yên đó. Tôi nhớ như in ở đó có một đoạn chợ sôi động vô cùng. Ngày ấy, tôi thường đi làm về muộn, ngang qua chợ nghe rõ tiếng mặc cả của người bán, mua. Không hiểu sao thấy đời bớt buồn chán dù vẫn nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Ngô Sĩ Liên là con phố nhưng cũng là tên của một khu chợ và buôn bán đủ thứ cho người dân khu vực quanh đó. Chợ dân sinh này phục vụ cho nhiều gia đình trên phường Văn Miếu và cả những người cách đó khá xa nhưng vẫn đến mua bán, chủ yếu là đồ ăn.
Đó là một dãy hàng bán đủ thứ từ thịt, cá, rau củ cho đến hoa quả, nhưng nhiều nhất là đồ ăn vặt và điểm tâm. Lần đầu đến đây, tôi ngạc nhiên vì họ bán những món ăn sáng vào lúc chiều muộn thế này. Tôi dừng lại ở một quán thịt xiên nướng. Mùi khói tỏa ra thật hấp dẫn.
Hồi bé, không có tiền nên chỉ dám đứng đó nhìn thèm thuồng trước mùi hương tỏa ngào ngạt ấy. Suy nghĩ vẩn vơ của một đứa trẻ cũng thật buồn cười. Chỉ là sự công bằng của cuộc sống, khi đói thì phải ăn nhưng cũng chỉ có cách tự mình đưa tiền mà thuận mua vừa bán. Khi ấy, đi học nhưng quên ăn sáng, cũng không cầm theo bữa trưa nên bụng bị đói, thế là cố mà ráng học cho xong ngày mà thôi.
Rồi, thật bất ngờ, cô bán hàng gọi tôi lại, đưa cho một xiên thịt. Tôi lắc đầu nguậy nguậy nhưng đôi mát cô cười đẹp quá. Hình như xiên thịt đó ít hơn bình thường, cô bảo đó là chỗ thịt còn lại sau khi làm hết những xiên đầy đặn kia để bán cho khách. Tôi đón lấy món quà được tặng. Nóng hổi, hương thơm tỏa lên ngào ngạt. Tôi ăn ngấu nghiến vì cái bụng đói meo.
Chợ vẫn ồn ào như thế. Với người bán hàng thì họ cảm thấy quá quen thuộc đến nỗi có thể suy nghĩ thoải mái giữa không gian thế này. Việc người bán luôn chân luôn tay nhưng vẫn có thời gian để cho quà một đứa trẻ cũng thật đặc biệt. Tôi không lý giải nổi cảm giác lúc ấy, chỉ biết đứng đó thật lâu, mở to đôi mắt quan sát khắp phố chợ.
Lắm khi, người Hà Nội xa quê vượt mấy ngàn cây số quay về chỉ để ăn một bát bún ở chợ Ngô Sĩ Liên. Họ vẫn gọi nơi đây là "phố chợ" một cách thân thương, để hồi tưởng lại kỷ niệm xa thẳm sẽ không có dịp trải nghiệm lại.
Hôm khác, dừng lại ở một hàng xôi sắn, Cũng con phố đó mà kỷ niệm đã qua nhiều năm cứ như trước mắt ngày hôm qua. Xôi sắn đây sao, món quà mà ngày nào tôi cũng muốn ăn, nay lại hiện lên đầy hấp dẫn. Một ngàn đồng. Số tiền đứa trẻ đưa mau chóng chuyển thành gói xôi với màu vàng và trắng dậy mùi thơm nức mũi.
Tôi vừa ăn xôi sắn ngon lành vừa nghe bà bán hàng kể chuyện. Bà làm xôi sắn bán cho khách chăm chút như làm cho gia đình, cho con cháu ăn. Vì thế các công đoạn được bà làm cẩn thận lắm. Gạo nếp và sắn được tự tay bà tuyển chọn, lấy của họ hàng dưới quê.
Bà bảo, chỉ có lòng tận tâm mới giúp bà vui vẻ bán món xôi sắn này mấy chục năm nay. Dù chuyển từ chỗ này sang chỗ khác nhưng xôi sắn bà làm vẫn luôn giữ hương vị ấy. Món xôi sắn khi xới ra nghi ngút khói, cho vào chút thịt băm cùng hành phi là đủ để tạo nên vị dẻo thơm báo bùi đặc trưng, là một thức quà vừa quen vừa lạ của Hà Nội.
Phố chợ trên đường Ngô Sĩ Liên ngày đó cùng tồn tại cho cuộc sống và là một phần trong ký ức của tôi. Quán hàng rau trải trên ô gạch tỏa ra màu xanh mướt. Cơ man nào là rau muống, rau cải xanh, cải bắp, su hào, rau thơm. Ở giữa là màu vàng đậm của cà rốt như điểm nhấn. Cách bài trí đó như muốn nói, dù chỉ là một sạp rau bình thường nhưng luôn có tâm với công việc của mình. Nhìn thấy rau củ được bày biện gọn gàng như vậy cũng làm khách mua hàng cảm thấy dễ chịu hơn.
Rồi hàng đồ khô. Cơ man là mộc nhĩ, nấm hương. Những thứ tôi chú ý đầu tiên trong bát canh ở các bữa cỗ. "Hàng đồ khô chính là nơi có nhiều loại hàng nhất ở chợ". Nghe mẹ kể thế nhưng bây giờ mới có dịp ngắm nghía kỹ hơn. Hàng trên cùng là chè. Mấy gói măng, mộc nhĩ khô trông thật hấp dẫn.
Tiếp đó là miến, bún gạo, bánh đa, ở dưới là các loại tôm khô, cá khô. Dãy bên kia cơ man nào gia vị. Quán hàng nhỏ mà như có cả thế giới trong đó. Như lạc vào nơi kỳ lạ mà thật thân quen khi tôi bước vào trong gian hàng nhỏ ấy. Không phải ai muốn buôn bán gì cũng đươc mà phải làm quen dần với hàng trăm thứ hàng hóa với nhiều chủng loại.
Phải biết chỗ nào lấy hàng tốt, chỗ nào không ngon, sau đó phải tham khảo ý kiến khách hàng để dần điều chỉnh lại hàng của mình. Chưa hết, họ còn phải để ý đến hạn sử dụng nữa. Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ đến một lúc nào đó mình sẽ mở một cửa hàng tạp hóa, nhưng giờ mới biết mọi chuyện không đơn giản như thế.
Chỉ là một phố chợ bình thường của Hà Nội nhưng để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm. Mỗi buổi tan học về, đi qua chợ và nghe thanh âm bán mua rộn rã cũng đủ thấm thía nỗi vất vả nhọc nhằn rất đỗi thường nhật của các bà, các mẹ.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.