Ký ức Hà Nội: Sách, gốm, hoa và kỷ niệm khó quên sau chuyến công tác ở Thủ đô

Hồ Thị Linh Xuân (Sóc Trăng) Chủ nhật, ngày 29/09/2024 07:00 AM (GMT+7)
Mỗi chuyến công tác, những điều mang đậm dấu ấn về Hà Nội trong tôi có lẽ là gốm, hoa và sách...
Bình luận 0

Lâu lắm rồi, độ chục năm về trước khi còn sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, có lần tôi được một anh bạn dẫn đến nhà người họ hàng gốc Hà Nội, ở trong một con hẻm nhỏ thuộc quận Gò Vấp chơi. Đến lúc chiều muộn nên chúng tôi được mời ở lại dùng cơm. Một bữa cơm buổi tối ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về nết ăn nếp ở của người Hà Nội.

Căn nhà diện tích khá khiêm tốn được bày trí trang nhã và thông thoáng. Mọi thứ ngăn nắp và sạch sẽ dù không theo lối tân thời. Khi lên mâm dùng bữa, mọi người nhẹ nhàng mời nhau, ăn nhỏ nhẻ, múc, lấy thức ăn thận trọng tránh không sục đũa vào đĩa chung, canh được lấy riêng; việc trò chuyện nói năng cũng hết sức nghiêm cẩn, từ tốn.

Sau này tôi may mắn được đến Hà Nội khá nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau trong năm. Có chuyến nhàn tản tận hưởng mùa thu râm nắng le se mát ngắm lá vàng phai rơi cả tuần liền, có đợt công tác vài ba ngày giữa mùa hè nóng như nung như thiêu và cũng đôi chuyến đột xuất giữa mùa đông lạnh cắt thịt cắt da mà hôm trước ra hôm sau đã về vội.

Ký ức Hà Nội: Sách, gốm, hoa và kỷ niệm khó quên sau mỗi chuyến công tác ở Thủ đô - Ảnh 1.

Người dân bán hoa trên phố Hà Nội. Ảnh tác giả cung cấp.

Từ những lần đến, đi và trở lại tôi được bạn bè xứ kinh kỳ cho trải nghiệm những đặc trưng riêng biệt của Thủ đô văn hiến mà thú vị nhất có lẽ là ẩm thực đa dạng và đặc sắc luôn gắn liền với những bí quyết nơi đây. Kể như nước dùng bún thang phải nấu với sá sùng, nước phở phải có cà cuống hay mắm tôm để ăn bún đậu phải được pha với ít dầu sôi cốt làm chín mắm, mắm sẽ thơm ngon, tuyệt không còn mùi khó chịu. Nhưng sau cùng, như một sự chắt lọc cá nhân, những điều mang đậm dấu ấn Hà Nội trong tôi có lẽ là gốm, hoa và sách.

Tôi có cậu bạn trước học ở trường Kim Liên kể rằng người bạn thân thiết từ ngày bé của cậu là sách. Vẫn nhớ hồi mới biết nhau cậu có phần giữ khoảng cách về sau mới hiểu sự kín đáo cũng là một trong những nét tính cách của người Hà thành. Là con trai một nên cậu rất được chiều chuộng, nhưng thuở nhỏ bố mẹ thường đi công tác xa, thời gian rảnh cậu thường qua nhà bác vốn là người học cao hiểu rộng chơi. 

Nhà bác cậu có phòng đọc lớn với đủ thể loại kim cổ Đông Tây, nhiều đầu sách thuộc vào hàng quý hiếm. Cậu triền miên trong thế giới của chữ, sau này vẫn giữ thói quen đi đâu cũng kè kè một vài quyển sách bên người. Cậu bảo, vào những ngày nghỉ, chỉ cần thả mình ở nơi nào đó ngập đầy ánh nắng, khí trời trong sạch, gần gũi với cây cỏ muôn hoa, tay cầm một quyển sách hay để nhâm nhi và lắng lòng trong cái tĩnh lặng của ngôn từ là cậu đã thấy đủ đầy. 

Là kiến trúc sư trẻ, vẽ đẹp và tài năng nhưng cậu chỉ nhận mình là họa sĩ amateur (không chuyên nghiệp). Có thời gian cậu sang Nhật làm việc, được gợi ý cho nhập quốc tịch để ở lại dài lâu nhưng cậu từ chối. 

Giống như một anh bạn khác của tôi cũng từng sinh sống và học tập ở nước ngoài xong vẫn chọn quay về Việt Nam. Anh bạn cũng là người yêu sách và thích đọc sách. 

Kể như mấy lần tôi ra Hà Nội, sau những cuộc ăn uống tán gẫu bao giờ anh cũng chở tôi tọt vào nhà sách ở phố Đinh Lễ để mua tặng và hồn nhiên kể thời các cô các cậu nhịn ăn quà vặt để tợp về quyển vừa xuất bản ở nhà sách Kim Đồng.

Dường như sự ga lăng, bặt thiệp là cốt cách được nuôi dưỡng tự nhiên ở trong con người bạn tôi. Nhưng tôi tin sách có góp phần vào học vấn, văn hoá để tạo nên những người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, khiêm tốn và tự trọng. Tôi dần quen khi những người bạn ở đây càng thân thiết càng chừng mực, vẫn xưng hô trang trọng, không chấp nhận sự dễ dãi, tuỳ tiện mà không khéo sẽ thành ra suồng sã, sỗ sàng. Đó cũng là khoảng cách an toàn cho các mối quan hệ.

Đến nhà bạn chơi, dù ở chung cư cao cấp như Vinhomes hay một căn hộ nhỏ ấm cúng ở phố Lò Đúc, ngoài sách để làm dày tri thức tôi cũng thường thấy gốm được trưng bày để làm đẹp không gian. Nhớ cách đây 10 năm khi lần đầu đến Hà Nội chơi, một chị bạn rất thân đã đèo tôi từ Hà Đông chỗ chị sống sang Gia Lâm nơi gốm Bát Tràng được vuốt vẽ. 

Về sau đã có lần tôi trở lại để mua hai bộ tích trà tặng người nhà. Khi tham quan con đường gốm sứ, tôi càng thêm cảm phục những đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Từ những mảnh gốm cũ tưởng phải bỏ đi, người ta tái sử dụng để tái hiện không gian văn hoá vô cùng độc đáo. Trong dấu vết vỡ của gốm là mối gắn kết của 54 dân tộc anh em, là dấu ấn tiền nhân thời Lý Trần, là bản sắc Đông Dương, là nhịp điệu âm nhạc, là màu sử thi tinh tế, sinh động mà cũng mộc mạc và gần gũi.

Ký ức Hà Nội: Sách, gốm, hoa và kỷ niệm khó quên sau mỗi chuyến công tác ở Thủ đô - Ảnh 2.

Tác giả bài viết trong một lần thử làm gốm ở Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh tác giả cung cấp.

Chị bạn tôi hồi trước sống trong nhà công vụ cũ gần hồ Văn Quán (Hà Nội). Trong căn phòng nhỏ, ngoài giá sách, vài bình gốm hoạ tiết lạ còn có hoa. Tôi vẫn nhớ những bình sa lem màu vàng yêu thích được chị đặt bên bậu cửa sổ tầng 8. Không sinh ra ở Thủ đô nhưng chính môi trường sống đất kinh kỳ đã nuôi dưỡng và bồi đắp cốt cách người Thăng Long. 

Một chiều tháng 6, chị chở tôi bằng xe máy chạy quanh hồ ngắm sen. Chị kể về những đêm mùa hè ra kè hồ ngồi chỉ để hít hà hương sen, sự thư thái đó khiến tôi hiểu vì sao người Hà Nội cũng bận bịu trong cuộc mưu sinh nhưng có thể ngồi hàng giờ ở vỉa hè uống trà đá để nhìn ngắm phố phường, suy nghiệm về tự nhiên và cũng có thể đợi hàng tháng ròng để cho ra lò mẻ trà ướp sen đúng điệu gói chặt tinh hoa trời đất.

Bởi chuộng hoa nên có một đặc sản ở Hà Nội chỉ được ăn bằng mắt là những gánh hàng hoa. Dường như đi dọc con phố nào cũng dễ dàng bắt gặp. Có lần tôi mê mải ngắm một cô hàng với chiếc xe đạp chở đầy hoa, đứng giữa dòng xe cộ qua lại như mắc cửi ở đường Trần Nhật Duật gần ga Long Biên. 

Một sự bình tâm và nhẫn nại. Một sự đứng yên giữa nhộn nhạo ngoài kia. Cũng như ở Hà Nội, bỏ qua những con đường thường tắc nghẽn khiến người ta nghẹt thở vào giờ tan tầm khiến tôi có lần suýt trễ giờ bay thì vẫn còn những góc phố tĩnh lặng trầm mặc đưa ta bước vào một không gian khác. 

Như Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa những đêm thu mưa bóng mây, đường Thanh Niên lãng mạn nằm giữa hai hồ hay Phan Đình Phùng với những gốc sấu già trăm tuổi. Đó là một Hà Nội rất riêng, rất phương Đông. Không vì những nhốn nháo, nhộn nhịp bởi làn sóng nhập cư và đô thị hoá mà mất đi sự tĩnh tại vốn có.

Vài lần ở giữa Hà Nội tôi vẫn nghe người ta bảo Hà Nội bây giờ chẳng còn như xưa. Nhưng như giáo sư Nguyễn Huệ Chi từng chia sẻ thì "bao giờ cũng là các nơi hội tụ về và thanh lọc đi, cuối cùng những gì lắng đọng lại chính là Hà Nội". Thì quả vậy, có tinh tuý nào mà không qua sự chắt lọc kỹ càng.

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem