Ký ức Hà Nội: Thủ đô luôn "bao bọc" nhiều mảnh đời

Trần Thủy Thứ năm, ngày 22/09/2022 13:46 PM (GMT+7)
Hà Nội trong tôi luôn tràn đầy ký ức tươi đẹp, ký ức về một Thủ đô luôn bao dung, dang tay bao bọc nhiều mảnh đời.
Bình luận 0

Mẹ tôi kể rằng, ngày bố đón hai mẹ con tôi lên Hà nội theo đơn vị công tác, tôi mới tròn 2 tuổi. Bố chở mẹ và tôi trên chiếc xe đạp thống nhất đã bạc màu về vùng ngoại thành.

Đứng trước dãy nhà lá lợp giấy dầu đen sì, tường trát rơm và đất sét. Mẹ hơi chạnh lòng. Hà nội không giống như mẹ tưởng. Mẹ nhớ ngôi nhà mái ta, ba gian hai trái rộng rãi thoáng mát của ông bà nội. Sân trước có hàng cau và bể nước mưa mát lịm. Sân sau là vườn cây ăn trái nhìn thẳng ra cánh đồng.

Bố mẹ khởi đầu cuộc sống mới dưới thời bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn. Bữa cơm phần nhiều độn mì, độn hạt bo bo. Được bữa thịt bữa cá, bố phải xếp hàng từ sớm tinh mơ ở cửa hàng mậu dịch. Bà nội tôi lên thăm khi mẹ sinh đứa em trai thứ hai. Bà gánh trên lưng nào gạo mới thơm lừng. Nào hoa trái vườn nhà và cả lồng gà mái tơ. 

Ký ức Hà Nội: Thủ đô luôn dang tay bao bọc nhiều mảnh đời - Ảnh 1.

Du khách tham quan Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Kim Duyên.

Bà chép miệng " Sống thế này thì ở quê thoải mái hơn". Cái suy nghĩ về Thủ đô của bà gói gọn trong mấy con phố. Từ Hồ Gươm đến Lăng Bác, rồi ra Hồ Tây. Trông hiện đại, mà bon chen, chật chội quá. Bố mẹ nhìn nhau không biết nói gì. Dù sao Hà nội còn có công viên, rạp hát, có nhà máy, bệnh viện và trường đại học lớn...Những thứ ở vùng quê nghèo chưa thể có được. Hà nội thương lớp người tứ xứ, cứ đa mang ôm hết vào lòng.

Hết năm này qua năm khác, các cháu ở quê lần lượt lớn lên. Điều ông bà gửi gắm lại là "Gắng học hành thật giỏi để ra Hà nội". Nhà tôi cũng được xây mới, trở thành chỗ trú chân cho biết bao nhiêu người ghé lại khi đến Hà Nội. 

Học xong, họ tìm cho mình một công việc ở đây để lập nghiệp. Người chạy tiếp thị, người đi dậy học, người mở cửa hàng... Các anh các chị khác học không được, ở nhà làm nông. Hết vụ lại lên Hà Nội bán bánh mỳ, bánh khúc dạo. Mỗi sớm mai đội thúng bánh trên đầu, bám phố để mưu sinh, vất vả mà có thêm thu nhập. Hà Nội như chiếc áo chật vai. Cố gắng rộng ra để chứa đủ tất cả mọi người. 

Khu tập thể tôi ở có gần 100 hộ dân. Đa phần là bộ đội và công nhân viên. Vừa là người Hà Nội gốc, vừa đến từ các tỉnh. Ngày ngày họ tỏa đi làm, tối về quây quần bên con cái. Cùng hòa mình vào nhịp sống sôi động của Thủ đô, chẳng có sự phân biệt, khoảng cách nào. 

Chỉ thấy hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chia nhau từ củ khoai, củ sắn ở quê gửi ra. Giúp nhau những lúc khó khăn, cơ hàn. Hà Nội trở thành quê hương thứ hai vừa thân thuộc vừa nghĩa tình.

Không biết có bao nhiêu khu tập thể như thế tồn tại trên mảnh đất này. Ngày nay, nhiều khu đã sập sệ, xấu xí, bong tróc theo thời gian. Nhiều khu bị đập đi xây chung cư mới. Nhưng đó mãi là quãng thời gian chính thức trở thành công dân Thủ đô, của nhiều người nhập cư. Nơi thế hệ những đứa trẻ được sinh ra như hai em trai của tôi, nghiễm nhiên trở thành người Hà nội.

Tôi theo chồng xa xứ đã lâu. Mỗi khi ai đó hỏi về quê hương, tôi vẫn nhận mình đến từ Hà nội. Tôi không sinh ra ở đó, nhưng cơm gạo và cốt cách con người nơi đó, đã ngấm rất sâu trong tôi. Tôi luôn tha thiết nhớ một chấm tròn đặc biệt, trên tấm bản đồ bên bờ Thái Bình Dương. Nơi tôi đã gắn bó cả tuổi thơ ngây ngô nghịch ngợm, cùng bạn bè đi đào hến bắt ốc Hồ Tây.

Nơi vào một chiều lay lắt cuối thu. Chị em tôi ngơ ngác chạy theo chiếc xe tang, đưa bố về nghĩa trang Văn Điển. Mấy bác thương mẹ con tôi vất vả. Cứ khuyên về quê sinh sống cho có chị có em. Mẹ gạt nước mắt, quyết tâm ở lại. Hà nội đã ôm gia đình tôi vào lòng, lẽ nào để mấy mẹ con bơ vơ khốn khó. Mẹ tần tảo thức khuya dậy sớm làm đủ mọi nghề. 

Ký ức Hà Nội: Thủ đô luôn dang tay bao bọc nhiều mảnh đời - Ảnh 3.

Tác giả (áo tím) chụp hình lưu niệm cùng những người bạn khi còn ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ may hàng gia công, đan len, dán hộp mứt, làm hương...Tôi vẫn nhớ những mùa đông giá rét căm căm. Chị em tôi đứng tê chân bán sách trước cổng trường, kiếm tiền giúp mẹ. Em trai tôi đội nắng, đội mưa, hàng ngày phơi mình trên giàn giáo, làm đẹp cho những ngôi nhà. Chúng tôi cũng giống như nhiều người nhập cư khác. Cứ nương mình theo nhịp sống hối hả, nhưng đầy chở che của Hà thành.

Sau bao nhiêu năm tôi trở về thăm quê. Hà Nội hân hoan đón tôi trong vòng tay. Như người mẹ vui mừng đón đứa con từ bến bờ xa lắc. Tôi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt đầy nhiệm màu. Những cây cầu mới nối hai bờ sông Hồng. Những con đường thênh thang đi về các tỉnh. Những khu chung cư hiện đại, mở rộng về bốn phía của Thủ đô...Tất cả đã đưa Hà nội lên một tầm cao mới. Trong lòng tôi trào dâng niềm xúc động, rất đỗi tự hào.

Chiều nghiêng mình vào thu, gom những sợi nắng sóng sánh như mật trong sắc thu chín tràn. Bữa cơm đoàn tụ gia đình, có cả các anh chị hồi trước bố mẹ tôi cưu mang giúp đỡ. Tiếng cười, tiếng nói rôm rả vang lên trong suốt bữa ăn, không khí tình thân thật ấm áp. Các anh, các chị giờ đã an cư lạc nghiệp ở đây. Họ đùa mẹ tôi " Xưa kia thím mà bỏ về quê, chắc gì đại gia đình mình có quê hương thứ hai này".

Đôi mắt mẹ bỗng rưng rưng " Ừ, tất cả cũng nhờ Hà Nội thương, Hà Nội mến đã rộng lòng dang tay bao bọc".

Bài viết Thủ đô luôn dang tay bao bọc nhiều mảnh đời dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem