Ký ức Hà Nội: Tình người Hà Nội nồng đượm trong món xôi đỗ đen gây thương nhớ

Phạm Thị Yến Thứ hai, ngày 27/06/2022 08:44 AM (GMT+7)
Tôi nhận nắm xôi từ tay bác. Mọi cảm xúc của những tháng ngày tôi cùng điều trị với con gái bác tại bệnh viện này lại ùa về.
Bình luận 0

Vì dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm nên tôi mới có dịp trở lại thăm Hà Nội. Phải chăng "người mẹ hiền" của tôi nay cảm thấy khó ở trong người nên đón "đứa con" lâu ngày không về thăm nhà bằng dáng vẻ mệt mỏi, oi ả đầy giận dỗi vào một ngày giữa tháng 6. 

Chắc do tôi quen cái không khí nhẹ nhàng nơi mình đang sinh sống nên lâu không về thăm lại mảnh đất đã từng chở che, đón chào tôi của 12 năm làm bạn với 2 bệnh viện lớn, không khí ở đó đông đúc có phần khiến tôi bị ngợp. 

Cũng ở nơi ấy, tôi đã gặp bác - một người mẹ có con trạc tuổi tôi, bác đi chăm con gái bệnh, ở cùng phòng điều trị với tôi. Bác - một phụ nữ với giọng nói nhẹ nhàng, dáng người thanh mảnh cùng bước đi có phần vội vã mỗi khi thấy con gái đau nhiều.

Bác còn là "nghệ nhân" trong lòng tôi với món quà mà thỉnh thoảng mỗi sáng vào với con gái bác đều dành tặng tôi và những bệnh nhân cùng phòng 1 xuất nhỏ: Món xôi đỗ đen được bọc trong lá sen xanh thẫm – món ăn mà như bác giải thích: "Con gái bác thích từ nhỏ và hay mè nheo mẹ nấu mỗi khi ốm". 

Ký ức Hà Nội: Tình người Hà Nội nồng đượm trong món xôi đỗ đen gây thương nhớ - Ảnh 1.

Chậu sen trồng trước nhà của gia đình. Ảnh: Phạm Thị Yến

Bác và con gái đã trở thành những người bạn của tôi từ khi ấy. Và giờ đây hai người bạn ấy, chỉ còn lại một mình bác. Chị đã đi xa do căn bệnh K vòm họng quái ác trở nặng cách đây 10 năm. Giờ cứ có dịp trở lại Hà Nội tôi đều điện trước để gửi tới "người bạn lớn tuổi" một chút quà quê miền núi của mình. Bác hay bán xôi trước cổng bệnh viện K cơ sở Quán Sứ. Tôi về tái khám tại viện Răng Hàm Mặt TW có thể gặp bác bất cứ lúc nào, chỉ cần đó là buổi sáng. 

Cánh cổng bệnh viện quen thuộc đã hiện ra trước mắt. Mỗi lần trở lại viện, cảm xúc vừa bồi hồi, xuyến sao lại xen chút lo lắng nhưng khi bắt gặp những gương mặt các bác sĩ quen thuộc cùng câu hỏi tưởng chừng như lặp lại nhưng lại hết sức gần gũi tình cảm:

- Tái khám à cháu?

- Dạ chú! Cháu là...

- Chú nhớ rồi, cô giáo miền núi từng mổ 6 lần phải không?

Chỉ vậy thôi cũng đủ cho tôi cảm giác tự tin và có phần yên tâm như mình vừa trở lại "ngôi nhà cũ" thăm những người thân không ruột thịt mình có duyên gặp trong cuộc đời. Sau tất cả những xét nghiệm, chiếu chụp tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm bởi câu nói của vị bác sĩ đã từng mổ cho mình lần gần nhất vào tháng 7/2016: "Cháu yên tâm rồi nhé, không có gì bất thường. Nếu về mà không sưng tấy, không đau nhức thì 6 tháng nữa hãy xuống tái khám lại".

Chỉ chờ có vậy là tôi đã đi như chạy ra cổng bệnh viện K gặp người "bạn lớn" thân thương mà gần 2 năm qua tôi chỉ thỉnh thoảng hỏi thăm bác qua điện thoại. Bác ở đó, ánh mắt như nhìn xa xăm kiếm tìm, tôi thầm nghĩ: "Không biết có phải bác cũng đang nôn nóng muốn gặp tôi trong vô vàn dòng người ngược xuôi kia không?". 

Bác vẫn vậy, có thể dấu ấn thời gian khiến bác trông già đi hơn so với nhiều năm trước. Nhưng đôi tay bác vẫn nhanh nhẹn thoăn thoắt đơm xôi cho khách. Cái mùi quen thuộc bốc lên thơm ngào ngạt. Cái mùi của đỗ đen chín đủ lửa bở tơi ngầy ngậy, cái mùi của gạo nếp tròn mây mẩy hòa quyện với vừng lạc tất cả tổng hòa được đặt trong lá sen. 

Ký ức Hà Nội: Tình người Hà Nội nồng đượm trong món xôi đỗ đen gây thương nhớ - Ảnh 3.

Món xôi đỗ đen ở Hà Nội gây thương nhớ. Ảnh: Phạm Thị Yến

Chiếc lá sen màu xanh thẫm được xếp lớp cẩn thận ôm lấy phần xôi như đôi tay người mẹ chở che đứa con, "dù lớn vẫn là con của mẹ - đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con". Bác đưa phần xôi cho khách không quên hẹn: "Mai tôi cũng nấu xôi đỗ đen, cô thích thì lại ra nhé". Tôi chờ vị khách đi liền tiến lại gần: "Cho con 1 xuất xôi đỗ đen". Bác giật mình ngẩng lên nhìn tôi, sau một vài giây bác đã ôm chầm lấy tôi mặc các bác xe ôm xung quanh nhìn với ánh mắt tò mò:

- Cha bố cô lại còn trêu bác nữa. Bác mong mày từ sáng. Khám xong rồi hả? Ổn chứ con?

- Cháu ổn bác ạ. Cháu biếu bác chút quà Sơn La.

- Lần nào về cũng quà cho bác. Bác xin. Chưa ăn đúng không? Lần này có thèm xôi của tôi không?

Tôi nhận nắm xôi từ tay bác. Mọi cảm xúc của những tháng ngày tôi cùng điều trị với con gái bác cũng tại bệnh viện này lại ùa về. Bác đã từng động viên tôi khi thấy tôi khóc vì sợ hãi: "Sao lại yếu đuối vậy con, nếu cuộc sống nghiệt ngã này đã đặt ra cho con thử thách thì thay vì yếu đuối hãy tập đối diện và vượt quá nó, khi ấy con sẽ thấy mình mạnh mẽ. Con phải thấy mình may mắn là có con gái, có chồng và gia đình đón đợi ngày con khỏe để về. Chứ chị Hà (con gái bác) bệnh chị nặng rồi... Chị ấy còn chưa kịp có gia đình…". Nói vậy rồi bác khóc. 

…Và rồi, bác đã thành người bạn thân thiết của tôi hay bất cứ bệnh nhân hay người nhà của họ với gánh hàng xôi đỗ đen gợi bao kỉ niệm vấn vương về người con gái của mình. Bác bán những thúng xôi dẻo thơm nồng đượm cũng chỉ với tâm niệm ở một nơi xa xôi nào đó con gái bác vẫn thấy được chị luôn sống trong tim bác. Hình ảnh của chị là một phần không thể thiếu trong ký ức bác.

Tôi chia tay bác khi đã quá trưa. Bước chân trĩu nặng bởi phải xa một người thân đã từng cho tôi rất nhiều lời động viên đã thành ký ức. Để rồi thay vì nỗi buồn xâm chiếm tôi đã hẹn bác: "Nhất định lần sau cháu về cháu sẽ cho con gái đi theo để đến chào bà - Người bà của Thủ đô - Người đã tặng mẹ động lực và có ngày hôm nay, người đã trở thành một phần kỷ niệm trong mẹ". 

Và rồi mỗi khi tiết trời miền núi se se lạnh, tôi được nhận chút quà biếu từ những cô cậu bé học trò lớp chủ nhiệm chính là chút gạo nếp nương, chút đỗ đen hạt tiêu xanh lòng là y rằng tôi nghĩ tới mùi thơm nồng của nắm xôi đỗ đen của bác. Để rồi có dịp được thưởng thức sự khéo tay của mẹ là hai cô con gái lại reo lên: "A! Nay mẹ lại đãi chúng con món xôi Hà Nội, mùi Hà Nội bay khắp nhà mình".

Bài viết Tình người Hà Nội nồng đượm trong món xôi đỗ đen gây thương nhớ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem