Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm đẹp về Hà Nội qua chuyến công tác dài ngày
Ký ức Hà Nội: Kỷ niệm đẹp về Hà Nội qua chuyến công tác dài ngày
Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong
Thứ ba, ngày 21/06/2022 10:00 AM (GMT+7)
Tôi giữ như in trong lòng hình ảnh ngôi làng Chèm một buổi trời âm u, ngôi làng quê cổ kính ngay cạnh bến phà cách Hà Nội chừng 7 km, nhiều lần được nhà văn Nguyễn Hiếu đưa vào tác phẩm của ông.
Chín năm trước, ra Hà Nội lần thứ hai, tôi được đối tác sắp xếp chỗ ở tại một khu tập thể dành cho người nước ngoài trên đường Phạm Thận Duật. Đó là buổi giao mùa, trời Hà Nội trong trẻo lạ thường. Từ đại bản doanh là khu nhà được dọn sạch sẽ đó, cứ như thể Alphonse Daudet được tìm về với cối xay gió thân thuộc, tôi bắt đầu đi, trải nghiệm và nhét vào ba lô của mình ăm ắp những kỷ niệm.
Những ngày Hà Nội mở ra những chuyện vui, nối lại với nhau như những toa tàu kỷ niệm. Tôi nhớ như in buổi tối ở Dragonfly (Hàng Buồm), người ngồi kề vai nhau, nghe nhạc chảy tràn trên vai. Tôi quên làm sao buổi chiều muộn ở Highway4 (Hàng Tre), bên bè bạn Hà Nội và một loạt các món Tây Bắc được trình bày biến báo, kỳ ảo.
Tôi giữ như in trong lòng hình ảnh ngôi làng Chèm trong một buổi trời âm u, ngôi làng quê cổ kính ngay cạnh bến phà cách Hà Nội chừng 7 km, nhiều lần được nhà văn Nguyễn Hiếu đưa vào tác phẩm của ông. Cũng chẳng thể nào xóa đi cái không khí thời "bao cấp" ở phở Bát Đàn khỏi ký ức, nơi căn nhà dường như còn văng vẳng tiếng rì rầm của bước chân thời gian. Và còn đó hình ảnh trong tiềm thức, tôi ngồi sau xe anh bạn "Mỹ kiều" Ryan Ford, dân Hà Nội gốc, men theo con đường bao quanh Hồ Tây tuyệt đẹp, môi không ngừng mấp máy: "Hà Nội, Hà Nội…"!
Những ngày tháng tươi đẹp đó có thể được gói gọn trong mấy lời của nhà văn Nguyễn Quí Đức: "Ở đây có mùa, có cuộc sống".
Ở Hà Nội, còn gì vui hơn khi được nhìn thấy những chứng nhân lịch sử rảo bước trước mặt. Như lúc tôi được thấy chị Tuấn, "công chúa hàng Đào", tha thướt trên phố cổ. Hay buổi tôi gặp ông Dư, chủ tiệm sách cũ 180 trên phố Bà Triệu, hỏi mua một quyển của Dostoevsky. Người Hà thành nhỏ nhẹ, lịch thiệp. Họ có thói quen cà phê sớm.
Và lúc nào cũng ăn vận chỉnh tề. Tất thảy những trải nghiệm tôi có với thành phố này, dù là với một địa danh hay những món ngon, đều gắn liền với hình bóng những người Hà Nội phía sau. Chẳng hạn, khi lạc bước vào ngõ Tràng An thì tôi lại nhớ những lời nhà văn Băng Sơn viết về nơi "một nơi tĩnh lặng mà trầm tư" này. Còn những dòng Chế Lan Viên viết gửi ngõ Tạm Thương thì văng vẳng bên tai khi tôi rảo bước trong ngõ ấy:
Trong muôn trùng hình ảnh, đâu đâu cũng thấy tâm tư con người gửi vào, đâu đâu cũng là thứ tình cảm chân thành con người dành cho phố, con người dành cho nhau. Người Hà Nội thủ thỉ cho nhau nghe chuyện xưa chuyện nay, chuyện lịch sử, chuyện văn hóa trên những group văn mình như "Hà Nội Tri Thức - Connaissance De Hanoi - Knowledge Of Hanoi".
Người Hà Nội khoe nhau chuyện đời mình nhẹ tênh, theo cách anh Tuấn Cry hát trong "Anh nhà ở Cầu Giấy". Người Hà Nội cũng có khi thoải mái nằm trên nóc chiếc xe Mercedes, thoải mái ngắm mây trời và chụp ảnh tự sướng giữa lúc tứ bề là nước. Họ thong dong một cách khó hiểu. Và cũng hài hước ý nhị vô cùng...
Hà Nội dạy tôi biết thương yêu cuộc sống này hơn. Ca sĩ Lê Hiếu từng chia sẻ trong một buổi giao lưu, về bài hát "Nỗi lòng người đi" của nhạc sĩ Anh Bằng, rằng anh đã thương nhớ bài hát này từ khi nghe một người mù lớn tuổi hành nghề hát rong biểu diễn ca khúc giữa phố phường Sài thành đông vui. Câu chuyện từ hai mươi năm trước được anh kể thực sự xúc động.
Tôi không được sinh ra trên đất Thủ đô, nhưng cũng đôi chút hiểu được những tình cảm người nhạc sĩ gửi gắm vào mỗi câu chữ. Những chuyến đi để lại "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" (Nguyễn Đình Thi) xuất hiện ngày một nhiều trong cuộc đời của tôi. Và từ những hành trình triệu dặm, tôi tìm thấy hình ảnh của quê hương ở Hà Nội, phải lòng với Hà Nội.
Hà Nội là cái kho đầy ắp những điều bí mật. Tôi có thể nói cả ngày về hồ Gươm, xóm đường tàu, cà phê trứng, chợ đêm Quảng Bá, cầu Long Biên, cốm Hà Nội, hoa sữa, tắm tiên sông Hồng, không gian Manzi, truyện ngắn "Phía Tây Hà Nội" của Nguyễn Trương Quý,... nhưng rồi chúng cũng chỉ là những chuyện rất nhỏ, có phần cá nhân, khi đặt cạnh Hà Nội.
Nhưng cũng phải thừa nhận, mỗi khi cạn kiệt ý tưởng, cần thêm nguồn sống mới, tôi lại nhìn vào kho lẫm ấy, lục lọi trong những ký ức vụn mình từng có với thành phố, để tự động viên mình tiến bước. Đó là cách mà Vũ Đinh Trọng Thắng (band nhạc Ngọt), có lần chia sẻ với tôi sau một đêm diễn ở Đà Nẵng: "Phải tìm ý tưởng từ những điều xung quanh, ở chính thành phố mình anh ạ...".
Đó cũng là khi tôi đột ngột sững người, khi nghe thấy những lời này được phát ra từ cái loa rè, trong một cửa hàng tiện lợi ở xứ người, ngay đúng lúc năng lượng trong tôi chẳng còn mấy: "Về đây ta tắm mình, nước sông Hồng nuôi ta lớn lên năm xưa... Ta muốn đem Hà Nội đi theo, giống như mang cả Hồ Gươm theo..." (Hà Nội Bình Yên - Tăng Nhật Tuệ).
Vậy là sau chín năm với những đợt dịch sừng sững chắn lối, tôi lại được trở về Hà Nội vào đầu tháng sáu, 2022. Đó là một giấc mơ. Quá nhiều biến cố đã xảy ra cho tôi, chúng ta và toàn thể nhân loại. Hà Nội vẫn trìu mến đón tôi vào lòng, không phải bằng thứ tình cảm dồn dập của một thành phố lớn đón đứa con thơ, mà nhẹ nhàng như một người mẹ lớn tuổi gặp con sau buổi dài thương khó. Tất cả cảm xúc của chuyến đi năm xưa trỗi dậy, ngay khi chuyến bay đáp xuống đất, ngoài trời đổ một cơn mưa nhẹ, và giọng Hồng Nhung nhẹ nhàng như một dòng hồi tưởng tỏa xuống từ loa máy bay:
Dù có đi bốn phương trời
Lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Hà Nội của ta
Thủ đô yêu dấu
Một thời đạn bom một thời hòa bình...
Bài viết Kỷ niệm đẹp về Hà Nội qua chuyến công tác dài ngày dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.