Ký ức Hà Nội: Từ nỗi ám ảnh đến tình yêu dành cho xe buýt

Trần Thị Thúy Vân Thứ năm, ngày 16/06/2022 06:40 AM (GMT+7)
Hơn chục năm khám phá Hà Nội bằng xe buýt, tôi không chỉ coi đây là phương tiện đi lại mà còn là một biểu tượng của văn hóa đất Kinh kỳ.
Bình luận 0

Từ ám ảnh xe buýt

Ngày xe buýt Hà Nội mới ra đời, tưởng chừng như giải được cơn khát "phố" của người dân "rìa" thủ đô, ai ngờ mỗi lần đi xe buýt, người ta lại thêm ấn tượng với Thủ đô bởi sự chật chội, nóng nực, chờ đợi, nạn móc túi... 

Tôi dân ngoại thành, ở trọ chẳng bõ về chẳng xong khi lên Hà Nội theo học đại học. Nếu trọ, tôi sẽ không phải đi "phượt" hàng ngày trên xe buýt nhưng sẽ tiêu tốn thêm một khoản kinh tế kha khá của bố mẹ. Ấy nên, tôi đành làm bạn đồng hành với xe buýt như điều khả dĩ nhất.

Trong ký ức, tôi hãi nhất chiếc xe buýt số 32 Bến xe Giáp Bát – Nhổn. Ngày đó, xe có ô cửa kính màu đen, đi sóc bon bon và nóng như "lò bát quái đang luyện đan", đặc biệt xe tuyến số 32 có cả đội móc túi. 

Nhưng địa điểm học của tôi bắt buộc phải đi xe 32, tôi chỉ biết ôm khư khư cặp sách, đứng im một chỗ và chẳng dám nhìn ai trên xe.

Ký ức Hà Nội: Từ nỗi ám ảnh đến tình yêu dành cho xe buýt - Ảnh 2.

Xe buýt hoạt động trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trần Thị Thúy Vân

Thậm chí, tôi từng tận mắt thấy một gã dùng dao rạch ba lô của một bạn nữ mà chẳng dám "cầu cứu công lý". Còn tại bến xe, ai mời mua gì tôi chẳng dám trả lời, đói lắm cũng phải đợi về nhà ăn cơm, sợ mua ổ bánh mỳ thôi cũng sẽ bị chặt chém cho tới bến. Hà Nội trong tôi, thật sợ!

Rồi cũng quen. Ở lớp, mỗi khi tôi nói với bạn bè rằng, tôi đi xe buýt, chúng bạn nhìn tôi với con mắt trầm trồ, thán phục. Ấy là, tại sao tôi có thể ngồi gần 2 giờ đồng hồ trên xe buýt đến trường, rồi trưa lại gần 2 tiếng đồng hồ trở về nhà, trong bụng thì đói meo. 

Trên xe buýt nhồi người như nhồi lợn, lỡ một chuyến dễ lỡ cả thanh xuân...Tôi kệ, vì chỉ có dân "nửa tỉnh nửa quê" như chúng tôi mới hiểu được.

Ấy thế mà, chỉ với 50 nghìn đồng mỗi tháng, tôi đã đi khắp Hà Nội, trên mọi chuyến xe buýt, tới những làng xã chưa từng tới, giá cũng mềm đấy chứ?

Đến tình yêu dành cho xe buýt

Năm 2014, tôi ra trường. Theo xu thế chung thì ai cũng sẽ thuê trọ để tiện đi làm, rồi tích góp vài năm để mua nhà, chứ ai còn đi xe buýt hạng sinh viên nữa. Tôi cũng đã từng có suy nghĩ đó và đi trọ một vài tháng.

Nhưng rồi, nỗi nhớ xe buýt trong tôi trỗi dậy. Tôi thèm cảm giác được ngồi thong dong trên xe buýt ngắm phố phường, ngắm cô hàng rong lắc lư quang gánh. Tôi thèm được gặp những người bạn xe buýt quen thuộc. 

Nhất là khi, xe buýt cải thiện chất lượng rõ rệt, chẳng còn đông đúc vì xe đã tăng chuyến. Chẳng còn nóng nực vì xe nào cũng có điều hòa mát lạnh.

Và, cũng chẳng cần chờ đợi lâu vì có những app thông minh theo dõi xe buýt, đặc biệt nhất là tôi không thấy nạn móc túi nữa. Xe buýt chẳng còn chỗ kiếm ăn cho những kẻ lưu manh, lười làm.

Những lúc rảnh rỗi, thay vì ngồi cà phê cà pháo, tôi chọn cho mình một cuốn sách nhỏ, một chiếc máy ảnh xinh và đặt một tour xe buýt xa lắc xa lư, kệ cứ đi cuối bến rồi về. 

Đi đến điểm "cực bắc" của Hà Nội, tôi leo lên xe số 15 Bến xe Gia Lâm – Phố Nỉ, chuyến xe băng qua những cánh đồng ngô mênh mang, thơm ngào ngạt. Hà Nội ngoại thành thú vị biết bao.

Ký ức Hà Nội: Từ nỗi ám ảnh đến tình yêu dành cho xe buýt - Ảnh 3.

Nhiều người dân chọn xe buýt làm phương tiện đi lại, di chuyển. Ảnh: D.V

Còn đến xứ Đoài với bao trầm tích văn hóa, tôi có thể chọn hàng chục xe. Tôi nhớ có lần đi thăm làng cổ Đường Lâm, mê mẩn với nét đẹp làng quê quá mà tối rồi tôi chẳng về, tìm một nhà dân ngủ nhờ để trở về với mảnh hồn làng nơi "cực tây" Thủ đô.

Thậm chí, vượt ra khỏi "cực đông", xe buýt thủ đô còn đưa tôi đến vùng đất Kinh Bắc bằng xe số 10 Long Biên – Từ Sơn. Tôi được ngắm con sông Hồng thơ mộng từ trên cầu Chương Dương, hệt như dải lụa nâu cuộn mình ôm ấp đất Hà thành.

Bao nhiêu năm rong ruổi trên xe buýt, từ chỗ ghét thì nay tôi đã lỡ thương xe buýt. Xe buýt giúp tôi khám phá biết bao con phố, làng quê mà chẳng sợ nắng, sợ mưa, chẳng sợ tai nạn hay đường sá đông đúc xe cộ. 

Tôi còn thương những chuyến xe buýt bị bủa vây bởi xe cá nhân không thể nào nhúc nhích lúc tan tầm. Xe buýt lúc đó bị đổ lỗi oan là nguyên nhân gây nên tắc đường.

Tôi thương những người lái xe luôn phải căng dây thần kinh để lái những chuyến xe an toàn, đúng giờ và đầy thân thiện. Tôi còn thương những bữa ăn vội vàng "cơm đường cháo chợ" của họ, tranh thủ năm mười phút nghỉ ngơi, những cốc nước chè đặc chát để đập tan cơn buồn ngủ...

Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi đã đi xe buýt được hơn chục năm và khám phá mọi con phố ở Hà Nội. Bạn bè tôi giờ người có xế hộp, người có chung cư, còn tôi thì vẫn đi xe buýt. Nhưng tôi không so đo về vật chất và chẳng thấy thẹn thùng vì điều đó, bởi xe buýt đã trở thành người bạn, người thương của tôi. 

Đi bất cứ đâu trong Thủ đô, tôi sẽ nghĩ ngay đến đi xe số bao nhiêu, xuống điểm nào, còn đâu mọi việc...đã có "tài xế riêng" lo.

Hà Nội, yêu từ thứ đơn giản thế thôi!

Bài viết Từ nỗi ám ảnh đến tình yêu dành cho xe buýt dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem