Ký ức Hà Nội: Món nợ tháng 6 với gia đình bác nông dân
Ký ức Hà Nội: Món nợ tháng 6 với gia đình bác nông dân
Nguyên Nguyên
Thứ sáu, ngày 10/06/2022 07:10 AM (GMT+7)
Cứ tiếng ve kêu râm ran, báo hiệu một mùa thi, trong tôi lại dấy lên biết bao cảm xúc khó tả. Những hình ảnh gia đình bác nông dân Hà Nội giúp đỡ tôi mùa thi năm ấy lại hiện về...
Đó là tháng 6 năm 1995. Lúc đó, tôi là chiến sĩ đang tại ngũ trong quân đội. Tôi đã có những năm tháng đẹp ở đây và cứ muốn gắn bó mãi với màu xanh áo lính.
Theo lẽ thường, ở miền Trung quê tôi, cứ vào mùa thi thì đám con gái lại nộp đơn thi vào các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Còn đám con trai thì khăn gói vào quân đội, làm quân nhân chuyên nghiệp hoặc thi vào các trường quân sự.
Lý lẽ của các bậc phụ huynh thời đó rất đơn giản, con gái làm giáo viên thì sau này có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình. Việc nhàn, lương cũng cao. Còn con trai nên vào quân đội, vừa không phải tốn tiền nuôi ăn học, còn "đầu ra" nhà nước cũng lo.
Lớp tôi có 40 đứa, chia đôi một nửa vào quân đội, một nửa vào sư phạm. Chỉ có một vài đứa vào các ngành khác như tài chính, giao thông, văn hóa... Đó là những đứa gia đình có điều kiện.
Lúc đầu vào quân đội tôi thích lắm. Được sống trong môi trường mới, đầy kỷ luật, sống vì tập thể và có lý tưởng nên tôi trường thành rất nhanh. Từ suy nghĩ, đến hình thể cũng phát triển rất khác so với hồi ở nhà với cha mẹ.
Nhưng sau đó, nỗi nhớ về một không gian tự do, thoáng đãng hơn nên tôi lại khát khao muốn chuyển ra ngoài... Tôi quyết định nộp đơn xin thi đại học, vào một khoa chuyên về báo chí, văn hóa. Lúc đầu, rất khó khăn để thuyết phục các chỉ huy ở đơn vị, nhưng thấy sự quyết tâm của tôi, các anh đều đồng ý.
Ngày đi thi, tôi bắt xe khách từ thị xã Tam Điệp - Ninh Bình về Thủ đô, trên người vẫn mặc nguyên bộ quân phục của người chiến sĩ. Xe đến Bến xe Giáp Bát, tôi bắt tiếp xe ôm tìm đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để làm thủ tục và xin vào trọ ở ký túc xá của trường.
Đến trường Sư phạm, lúc đó mặt trời cũng đã đứng bóng, ánh đèn đường cũng đã bật lên chói lóa. Hà Nội lúc đó trong mắt tôi thật nhộn nhịn, đẹp lung linh, san sát nhà cao tầng, không chỉ toàn nhà tranh, nhà cấp 4 như ở quê tôi. Nhưng tôi không có tâm trí để ngắm nhìn. Tôi chưa biết sẽ ngủ nghỉ ở đâu 3-4 ngày thi.
Bởi tất cả các phòng trong ký túc xã đều hết chỗ. Bác quản lý bảo lên giờ này thì làm sao có chỗ trọ. Các bậc phụ huynh và thí sinh đều đến tập trung trước 3-4 ngày, tôi chỉ đến sát ngày thi mới tới nên không thể giải quyết.
Không biết đêm nay mình sẽ ngủ ở đâu để có sức ngày mai làm thủ tục để thi môn đầu tiên. Rồi đêm kia nữa, ngủ đâu? Nhưng rồi tôi nghĩ, ngủ đâu chẳng được, chỉ cần ra công viên cũng có thể có chỗ qua đêm ngon lành...
Tôi lần mò ra chiếc ghế đá ngay trước cổng trường và dự tính chiếm cứ nó làm địa điểm cho những ngày ở Hà Nội, bắt đầu từ đêm nay.
Chỗ này cũng không tệ. Vừa sạch sẽ, có đèn điện chiếu sáng, còn trộm cắp thì chắc nó cũng chừa... lính. Tôi lấy giấy lau qua loa chiếc ghế, rảnh rỗi tôi lấy sách ra để ôn luyện thêm chờ giờ G...
Tầm 7 giờ tối, khi đang lần xem nốt trang sách, một cậu bé dắt đàn bò 4-5 con đi từ phía sân vận động của trường dừng lại trước chiếc ghế đá của tôi. Cậu bé mắt sáng, dáng gầy đen, đầu đội chiếc nón lá rách, tên là Tùng. Cậu hỏi tôi, muộn thế sao anh còn ngồi đây? Tôi cười và thật thà nói, tôi đi thi nhưng hết chỗ trọ trong ký túc xá, nên đêm nay ngủ ở đây.
Thấy tôi trong bộ dạng như thế, Tùng bảo: "Thế anh theo em về nhà, em xin bố mẹ có thể sắp xếp được chỗ nghỉ cho anh không?". Thấy sự chân thành của cậu bé, tôi vác ba lô cùng cậu bé lùa đàn bò về nhà.
Phải đi lòng vòng khá lâu, tôi mới đến được nhà Tùng. Đó là một căn nhà cấp 4 không có số, nằm rất sâu trong một ngõ nhỏ. Bố mẹ Tùng đang đợi cậu bên mâm cơm chỉ có đĩa thịt lợn luộc và đĩa rau muống xào.
Tùng lí nhí kể chuyện của tôi với bố mẹ. Vợ chồng bác nông dân rất vui vẻ mời tôi ở lại nhà, rồi đưa tôi vào một căn phòng nhỏ có cánh cửa sổ nhìn ra được toàn bộ khu vườn trồng nhiều rau cải, hành tây...
Đêm đầu tiên tôi ở nhà bác tôi ngủ rất ngon, với một tinh thần thoải mái hệt như ở nhà mình. Sáng hôm sau, lúc gà vừa gáy le te, bác nông dân đã gõ cửa phòng, ông còn đưa cho tôi nắm xôi và chiếc xe đạp để đến phòng thi.
Ông bảo, từ đây lên điểm thi gần 5 km, nếu đi bộ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và nếu chẳng may chậm giờ thi thì hỏng hết. Tôi xúc động không thốt nên lời. Tôi chỉ là người xa lạ sao ông tốt với tôi quá. Rồi cả 3 ngày tiếp theo, ông đều làm như thế.
3 ngày thi của tôi cuối cùng cũng xong. Ngày chia tay, tôi nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng với gia đình bác, với em Tùng. Tôi cũng gửi phong bì, trong đó có mấy ngàn đồng để nhờ bác thanh toán tiền điện nước, tiền ăn... Nhưng bác nhất quyết không lấy.
Ông bảo, không đáng gì cả, giúp được chú bộ đội là gia đình cảm thấy vui rồi... Tôi không biết nói gì, chỉ cảm ơn và tạm biệt gia đình ông để về đơn vị.
Sau 1 tháng, tôi nhận được giấy báo đỗ đại học và 1 tháng sau tôi nhập học ở KTX Mễ Trì, Thanh Xuân. Do mới nhập học, còn bao nhiêu việc phải lo toan nên mãi đến 3 tháng sau tôi mới tìm đến gia đình bác nông dân để báo kết quả thi cử của mình cũng như có lời cảm ơn. Nhưng tiếc thay, con đường vào nhà ông, tôi không thể kiếm tìm được.
Thành phố đã làm con đường lớn chạy cắt qua, nên những con phố nhỏ tôi đi mấy tháng trước không thể định vị và hình dung ra được... Tôi lần hỏi về gia đình bác, nhưng ở giữa phố mới không ai biết, cũng không ai rõ cậu bé chăn bò tốt bụng của ngày hôm qua. Tôi đạp xe về ký túc xá với nỗi lòng nặng trĩu.
Rồi tháng sau, tháng sau nữa, rồi dịp gần tết của năm học đầu tiên, tôi đều đạp xe qua để tìm ngôi nhà cấp 4 nằm ở ngõ sâu, có khu vườn bé bé, xinh xinh trồng đầy rau cải, hành tây...
Nhưng tất cả đều vô vọng. Không tìm được nhà, tôi lại lần mò ra chiếc ghế đá cũ ở cổng trường hôm nào, mắt ngước về sân vận động trường để chờ Tùng. Chờ mãi cũng không thấy bóng dáng thấp lè tè của cậu bé chăn bò...
Hơn 20 năm ra trường kể từ ngày tốt nghiệp đại học và có chỗ làm ổn định ở Hà Nội, năm nào đến mùa thi tôi cũng một mình lang thang, lần mò đến khu vực nhà trọ xưa để tìm Tùng và gia đình bác nông dân tốt bụng để nói lại lời cảm ơn chân thành từ trái tim mình. Nhưng đều như những lần trước, tôi không thể tìm ra...
Mùa thi năm nay, tôi lại phóng xe máy xuống trường Sư phạm, đi vài vòng qua đường Xuân Thủy, rồi lòng vòng ở mấy cái ngõ trước cổng trường. Không biết tôi còn làm thế bao nhiêu mùa thi nữa. Có lẽ, "món nợ" tháng 6 với Tùng, với gia đình bác nông dân vẫn còn mãi ám ảnh với tôi.
Bài viết Món nợ tháng 6 với gia đình bác nông dân dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nộitrên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.