Ký ức Hà Nội: Nhớ món đặc biệt của con nhà nghèo, ruốc gà công nghiệp

Đinh Thành Trung Thứ hai, ngày 13/06/2022 06:41 AM (GMT+7)
Thời gần ba chục năm trước, người người nhà nhà ở ngoại thành Hà Nội nuôi gà, nuôi lợn để tăng gia, ngay cả các nhà ở nội thành cũng nuôi đủ thứ. Cũng là lúc cô tôi chế biến ra món ăn đặc biệt của con nhà nghèo: ruốc gà.
Bình luận 0

Cái thời thịt gì cũng đắt so với một gia đình bình thường. Thịt lợn đắt thì hẳn rồi, nhưng nhu cầu ăn thịt thì ai cũng có, nhất là bọn trẻ đang tuổi lớn. Lương cứ tính trước hụt sau, các khoản phải chi từ trên trời rơi xuống. 

Bữa ăn có được ít rau, ít đậu đã là sung sướng lắm rồi. Cái khó ló cái khôn, mọi người nghĩ ra một món làm từ thịt: ruốc gà.

Thịt gà nuôi theo kiểu công nghiệp khác với gà ta ở chỗ không dai và ngon bằng vì không có nhiều đường gân. Giá lại rẻ hơn nhiều nữa. 

Chính vì vậy, thịt gà công nghiệp dùng làm ruốc lại rẻ hơn làm từ thịt lợn. Tuy vậy, món ruốc gà lại rất hấp dẫn, có vị ngon tuyệt vời, là "siêu phẩm" với trẻ em thời đó. 

Gặp hôm nào nhà không kịp nấu thức ăn thì chỉ cần luộc rau rồi ăn cơm với ruốc gà là vừa ngon lành vừa no cái bụng.

Ký ức Hà Nội: Một thời ruốc gà công nghiệp ven đô - Ảnh 1.

Món ruốc gà thường xuyên xuất hiện trong các bữa cỗ. Ảnh: Đinh Thành Trung

Người hào hứng nhất với món ruốc gà là cô của tôi. Cô làm ruốc gà cẩn thận lắm, vì ngoài nhà ăn ra còn đem bán. Món ruốc gà xuất hiện thường xuyên trong các bữa cỗ, phủ lên xôi trông thật hấp dẫn, khỏi phải nói sự háo hức của bọn trẻ con chúng tôi mỗi khi thấy món ruốc gà của cô. Trông vàng óng thật hấp dẫn, khác với ruốc làm từ thịt lợn.

Cô bảo, để làm nên ruốc gà ngon cũng phải bỏ không ít công sức. Thịt gà là loại gà công nghiệp, nhưng nếu biết cách làm thì sợi ruốc gà vẫn mềm ngon, không bị quá bở. 

Thịt gà sau khi luộc chín sẽ được tỉ mẩn dùng tay xé từng sợi, xé không quá to mà cũng không quá nhỏ. Thịt gà xé xong sẽ đem vào chảo rang. Lửa ở mức nóng, cho nước mắm đều vừa đủ, không quá mặn bởi thịt gà là loại thịt có thẻ ăn nhạt.

Sợi ruốc gà làm xong vàng óng, lên màu rất thích, dễ ăn hơn ruốc thịt lợn vì mềm mịn hơn. Hơn nữa, thịt gà cũng tốt cho sức khỏe, ruốc lại dễ dàng đem theo ăn trưa, dùng trong những dịp vội vã. Ngày ấy, các nơi ở ngoại thành cũng nhiều người làm ruốc gà công nghiệp, coi như đó là món thay thế cho ruốc thịt lợn.

Thời ấy, ruốc gà cũng là cứu cánh cho những gánh xôi xéo. Ruốc làm từ thịt lợn đắt nên giá bán tổng thể cho một gói xôi cũng cao, nhưng nếu dùng ruốc gà thì gói xôi rất đầy đặn, đủ no bụng cho cánh công nhân hay học sinh, sinh viên nghèo.

Xôi gì cũng ăn với ruốc gà được. Xôi xéo, xôi lạc, xôi đỗ đen, xôi ngô, xôi gấc, tất cả chỉ có năm ngàn một gói nhưng đều được cô bán hàng dúm một nhúm ruốc gà vàng óng. 

Cậu học trò đón lấy gói xôi, cố phân chia sao cho mỗi miếng xôi đều được hòa quyện với ruốc gà mằn mặn, thơm thơm ấy.

Ký ức Hà Nội: Một thời ruốc gà công nghiệp ven đô - Ảnh 3.

Sợi ruốc gà làm xong vàng óng, lên màu rất thích. Ảnh Đinh Thành Trung

Rồi gần đây, khi dịch tả lợn châu Phi làm cho giá thịt lợn tăng cao, người ta lại rộ lên phong trào làm ruốc gà như thuở nào. Dân lao động thì đơn giản thôi, chỉ cần ăn no là hạnh phúc rồi. 

No chỉ cần đến năm nghìn. Hồi hơn hai chục trước khi bùng binh gần chợ Bưởi chưa làm mới, đó là thiên đường của cửu vạn và xôi xéo. 

Ngay gần hồ Tây, mấy chị bán xôi Phú Thượng bám vào đó mà vui sống. Gói xôi xéo to bự chảng, đầy phè đỗ xanh, hành phi và ruốc gà ngon lành.

Món ruốc gà bình dị đó đã trở thành kỷ niệm đáng quý của đám anh em họ húng tôi mỗi lần gặp mặt. Món ăn của con nhà nghèo, chẳng mấy khi thấy bên ngoài nhưng lại thể hiện tình cảm và sự chăm chỉ của một người nông dân bình thường. 

Còn nhớ mỗi khi cô đem ruốc gà biếu mọi người, cô thường nói đùa: nghèo mà sang đấy.

Bài viết Một thời ruốc gà công nghiệp ven đô dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem