Ký ức Hà Nội: Nhớ hương vị của Hà Nội những ngày thực hiện giãn cách
Ký ức Hà Nội: Nhớ hương vị của Hà Nội những ngày thực hiện giãn cách
Lê Văn Ngọc (Tuyên Quang)
Chủ nhật, ngày 28/08/2022 06:48 AM (GMT+7)
Tôi nhớ những ngày bạn rủ tôi đi dọc đường Phan Đình Phùng nhâm nhi vài quả sấu chín. Rồi hai đứa rẽ sang ăn bún chả Hàng Quạt, bún đậu Hàng Khay hay phở Bát Đàn nóng hổi thơm phức.
Thành phố mùa này, nắng rót mật mảnh sân, mẹ bung đám chăn phơi hết mùi ẩm mốc. Bố ngồi đầu ngõ đánh cờ như thường nhật, cuối xóm rộn ràng đám trẻ nghịch chạy quanh. Có cô hàng rong quẩy đôi quang gánh, nào cúc, nào hồng, bánh khúc rao vang. Bà rửa chiếc nồi bắc bếp nồi chè bưởi, vị ngọt thanh an ủi tháng cô hồn. Rồi một đêm mây cuộn về vần vũ, mưa lâm thâm dai dẳng kéo dài. Con nước hung hăng tràn lên lênh láng, nuốt chửng bánh xe, ngập hết vỉa hè…
Phố vắng người, lá rụng buồn xao xác. Những hàng cây vốn ngủ quên trầm mê bao lâu nay bỗng chốc trở mình rũ lớp áo tươi xanh chuyển sang màu héo úa. Sương chùng chình giăng giăng ngoài ngõ nhỏ, phủ mờ lối đi, che khuất hết mặt người. Và nàng gió nhẹ nhàng lướt qua, ngẩn ngơ vì ai nên lỡ để quên trái thị ươm vàng ngan ngát hương thơm, mẻ cốm mới rang, sấu chín rụng cành… Tôi nhặt nhạnh mà thấy tim xao xuyến, bồi hồi luyến thương nhận ra thu đã về.
Hà Nội vào mùa dịu dàng như thiếu nữ, dễ khiến người yêu, lắm kẻ si tình. Nở hoa thôi cũng ngại ngùng, e ấp, chúm chím vừa xinh lấp ló hiên nhà. Bắt đầu từ cơm nguội vàng cho đến cây bàng lá đỏ, chầm chậm xuất hiện, ẩn mình biến mất, nghe tiếng gọi mùa nhớ hẹn lại sang.
Lá cứ chất chứa thăng trầm chở đầy năm tháng sum họp cùng phố xưa nhà cổ, nhuộm rêu phong trên mái ngói thâm sầu. Phải chăng ông trời ưu ái hội tụ thiên nhiên miệt mài tô điểm, phác thảo bức tranh mùa thu thành phố đẹp đến nao lòng níu chân người lữ khách.
Tôi nhớ những ngày đeo giày chạy thể dục, gió Hồ Gươm mát rượi khe khẽ vỗ về khuôn mặt, không khí trong lành như bơm căng lồng ngực. Cảm giác khoáng đạt thoải mái đến tận cùng. Đâu đó quanh hồ còn những khoảng sân, vỉa hè rộng rãi được các bà, các mẹ tận dụng tập Aerobic hay tập dưỡng sinh. Tiếng chim thánh thót líu lo trên tán lộc vừng bên cành xà cừ cổ thụ.
Tôi nhớ những ngày bạn sẽ rủ tôi đi dọc đường Phan Đình Phùng nhâm nhi vài quả sấu chín. Rồi hai đứa rẽ sang ăn bún chả Hàng Quạt, bún đậu Hàng Khay hay phở Bát Đàn nóng hổi thơm phức. Hà Nội của những ngày bình thường giản dị thật gần gũi với bản tin sáng lúc năm giờ, khi kẻng rác leng keng, khi còi tàu Thống Nhất hú gọi trong sân ga, tiếng chổi tre cô lao công quét xoèn xoẹt đầu phố. Hà Nội của mùa cúc họa mi trong trẻo tinh khôi. Hà Nội của vạt nắng vàng rơi trên vai áo bạc màu những người dân tỉnh lẻ nặng gánh mưu sinh...
Tôi nhớ những ngày vội vã bắt xe buýt lên giảng đường. Nhiều bữa tắc đường phải nhờ bạn điểm danh hộ mà lòng run rẩy vì lo, chỉ sợ gặp thầy khó tính thì cả đám khỏi thi. Tôi thèm một lần quay về cái cảnh mấy đứa chung nhau chia từng gói mỳ tôm Hảo Hảo hay mẩu bánh mỳ ăn cho đỡ đói. Cả những tối mùa đông chạy xe nửa thành phố để san sẻ nỗi buồn, khóc giúp kẻ chia tay. Tôi nhớ... Nhớ lắm! Những ngày bình thường thân thuộc thế thôi…
Hà Nội của tôi sẽ không vắng vẻ, ôm buồn lặng thinh. Phố xá đâu mất cả bóng người, bỏ hàng cây đứng một mình cô lẻ. Thành phố chẳng căng dây, nhà nhà không đóng cửa. Tôi thèm cảm giác sáng sớm trời còn vương sương lạnh được ngồi nhấm nháp thưởng thức vị phở nóng, cùng nghe đài hay theo bà ra công viên tập dưỡng sinh.
Tôi thèm những ngày ngồi xe buýt dạo chơi quanh thành phố chụp hình từng mái nhà, góc phố. Có hoa ban nở rụng tím một cung đường. Có hoa sưa trắng cả trời thương nhớ. Tôi thèm mùi hoa sữa nồng nàn bên hiên. Thèm thật thèm, những dư vị Hà Nội…
Nhiều lúc tôi thấy mình tham lam quá. Nhưng con người ta vốn dĩ vẫn vô tâm vậy mà. Khi người ta có mọi thứ, họ thường đòi hỏi cao sang xa vời. Khi đã mất hết tất cả, người ta lại thèm chút dư vị bình thường ngày cũ. Mà cái bình thường ấy tưởng dễ hóa ra khó khăn vô cùng.
Như mẹ vẫn ngồi thèm cảm giác buôn dưa lê tám chuyện với mấy cô bạn hàng xóm, những bữa giãn cách mẹ đứng ở cửa nói với sang bên kia qua bức tường rào hay một cuộc gọi video không làm mẹ thỏa mãn. Rồi tụi em tôi phải học online. Bố thôi không đánh cờ đầu ngõ. Tôi chẳng còn lượn lách phố xá, không gặp bạn bè chẳng hò hẹn với ai. Chút khoảng cách vốn dĩ rất gần vào mùa này bỗng chốc xa thật xa.
Không khí quạnh hiu bao trùm khắp thành phố. Người người gặp nhau chẳng dám nói lời chào. Họ nhìn nhau bằng ánh mắt e dè, sợ sệt. Suốt ngày chỉ ngóng lo xem đâu có F1, ai là F0. Những ngày siêu thị trở thành điểm đến duy nhất mỗi lần ra khỏi nhà của bao người đàn bà. Và khi quay về ngỡ ngàng bỗng thấy phố phong tỏa. Những ngày thất nghiệp bạn tôi hết đồ ăn, đói hao gầy mong gói đồ cứu trợ…
Nhiều chuyện người biết, người không, người cười, người khóc. Mấy trăm dựng xây Hà Nội, đã bao giờ thành phố buồn thế đâu!
Ơ mà lạ nhỉ? Cảnh vật vẫn vậy chứ có khác mấy đâu. Phố xưa, nhà cổ cùng bức tường tróc lở vôi trắng. Vẫn hàng xà cừ lấm tấm rêu xanh, gốc sấu già đổ bóng nghiêng nghiêng theo dáng chiều vàng mật. Phải chăng chỉ vì vắng người nên phố buồn hay người buồn thấy phố cũng chẳng vui?
Những ngày đóng cửa ở yên trong nhà, tôi ngồi xem lại từng kỷ niệm hồi xưa. Tấm ảnh chụp hồ Gươm một chiều thu vàng rực, gió lồng lộng cuộn sóng nước dập dềnh. Nhìn ra ngoài ngõ trời trưa nắng gắt, ngõ vắng tanh, cửa khóa then cài, lòng tôi trống rỗng mênh mang vô hạn. Mùa này thành phố đẹp riêng biệt với những nét trầm lắng hiếm hoi lắm mới gặp được của ngày bình thường cũ.
Và chúng tôi lại ngồi đây cùng thực hiện giãn cách, viết cho nhau đọc, kể cho nhau nghe chờ ngày bình thường mới về một Hà Nội của những mùa yêu…
Chắc sẽ rất gần thôi!
Bài viết Nhớ hương vị của Hà Nội những ngày thực hiện giãn cách dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.