Ký ức Tết trong tôi: Ăn tết phương Nam nhớ trời xuân phương Bắc

Nguyễn Thị Thắm Thứ năm, ngày 30/01/2020 17:00 PM (GMT+7)
Mỗi độ Tết đến xuân về, từng dòng người lớp lớp trở về quê hương để đoàn tụ với gia đình đón một mùa xuân trọn vẹn yêu thương.
Bình luận 0

Nhưng vẫn có những người làm ăn xa xứ không có điều kiện để trở về quê nhà, họ phải ăn Tết nơi xứ người. Trong sự bộn bề, tất bật của cuộc sống hiện đại, quanh năm ăn ngon, mặc đẹp thì dường như Tết chỉ đẹp nhất trong những hoài niệm của thế hệ mà với họ thời thơ ấu chỉ có Tết mới no đủ, sum vầy. Nên không ít người ăn tết phương Nam nhưng bồi hồi nhớ trời xuân phương Bắc.

Phương Nam đón mùa xuân bằng sắc mai vàng rực rỡ trong ánh nắng hanh hao. Sắc mai vàng rực rỡ như những ánh nắng tinh khôi của trời đất, tạo hóa ban tặng cho người phương Nam. Chơi mai cũng phải công phu, kiểu cách, việc đầu tiên gia chủ phải chọn được những dáng cây theo thế tượng trưng Long - Phụng – Phong – Vân - Sơn….đến những dáng cành Tam Tài: Thiên - Địa - Nhân, lựa chọn nụ hoa trên cây cũng cần phải có kinh nghiệm, phải lựa chọn sao trên cây những nụ hoa chúm chím căng tròn như những hạt ngọc xanh chỉ trực chờ đủ nắng là bung ra những mật ngọt tinh khôi.

img

Người miền Bắc thường gói bánh chưng mỗi khi tết đến, xuân về. Ảnh minh họa

Sắc vàng biểu tượng của phú quý, giàu sang, tượng trưng cho ý trí và nghị lực kiên cường của người dân phương Nam, họ gửi ước nguyện vào những cánh hoa vàng rực rỡ. Vì vậy dù giàu hay nghèo đối với người dân nơi đây nhà nhà đều lựa có cành mai và được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Nếu thiếu đi sắc mai có lẽ không làm nên mùa xuân phương Nam.

Đối với người dân phương Bắc, khi cánh hoa đào nở e ấp trong mưa phùn gió bấc chính là lúc báo hiệu nàng Xuân đang hiện hữu khắp các nẻo đường từ thành thị đến nông thôn. Hình ảnh những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, trên khuôn mặt hồ hởi vác cành đào trở về nhà trên con đường mưa phùn lắc rắc cũng đủ làm cho những người con xa xứ nôn nao mỗi đợt tết đến, xuân về.

Hoa đào không rực rỡ ánh vàng như hoa mai, mà dịu dàng, e ấp. Hoa đào thật lạ lùng, trong cơn gió lạnh, dưới mưa phùn lây rây hoa càng thắm sắc xuân. Cũng như người phương Bắc luôn nhẹ nhàng, kín đáo, chịu thương, chịu khó luôn vươn lên dù trong hoàn cảnh khó khăn.

Tết đến, xuân về, mâm ngũ quả luôn được bày một cách trịnh trọng nhất trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình người Việt. Mâm ngũ quả vừa thể hiện lòng thành kính của con cháu với bàn thờ gia tiên vừa thể hiện ước muốn gia chủ trong năm mới.

Với người phương Nam, mâm ngũ quả được lựa chọn từ là những loại quả rất gần gũi, thân quen được Mẹ thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng nhiệt đới: Mãng cầu, sung, đu đủ, dừa, xoài với việc đọc chệch âm của người Nam “cầu sung vừa đủ xài” với ước muốn một năm đầy đủ, sung túc. Mâm ngũ quả thể hiện tính cách của người Nam bình dị nhưng phóng khoáng, hài hước và hóm hỉnh. Tuy nhiên, mâm ngũ quả thể hiện triết lý rất sâu sắc của những người Nam bộ xưa muốn gửi gắm lại cho con cháu, khuyên nhủ hậu thế phải biệt “vừa đủ” và tiêu xài đúng lúc, đúng nơi. Ngoài mâm ngũ quả người miền Nam còn trưng trái dưa tròn căng tràn sức sống tượng trưng cho sự may mắn.

Mâm ngũ quả của miền Bắc được những người mẹ, người chị bày biện theo thuyết ngũ hành kim - mộc - thủy - hỏa - thổ với điểm nhấn là nải chuối nằm dưới cùng đỡ những loài quả còn lại, quả bưởi vàng thường ở giữa, điểm xuyết là những quả đào, quả hồng, quả quýt đan xen. Mâm ngũ quả tượng trưng cho ước muốn của gia chủ đạt được Phúc – quý - thọ - khang - ninh (may mắn, giàu có, sống lâu, khỏe mạnh và bình an). Dù ở miền nào đi chăng nữa mâm ngũ quả đã đi vào đời sống của người Việt bao đời nay và trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về.

Trong nhịp sống hiện đại hối hả, tất bật, khi con người sống trong sự đủ đầy thì bánh chưng và bánh tét không còn là đặc sản quý giá mỗi độ Tết đến khiến cho lòng người háo hức, ngày xưa cả nhà quây quần bên nhau gói bánh, rồi hồi hộp ngồi canh bếp lửa bập bùng. Giờ đây mọi người lựa chọn mua bánh trong siêu thị, cửa hàng để về cúng gia tiên. Nếu như ngày Tết chính là dịp con cái quây quần bên những bữa cơm gia đình cùng ông bà, bố mẹ để tâm sự những khó khăn của một năm qua đi, ước mong một năm bình an sẽ tới thì giờ đây nhịp sống hiện đại, Tết là dịp đi du lịch, check in, sống ảo.

Có chút gì đó bâng khuâng khi ăn tết trời Nam nhưng thương nhớ những tết xưa cũ của trời Bắc. Nơi đó có các bà, các mẹ, các chị tất bật lo lắng cho một mùa xuân đủ đầy, nơi đó các ông, các bố, các chú đang quét lại vôi cho ngôi nhà thêm mới, làm cây nêu, viết câu đối đỏ, nơi đó có những đứa trẻ con háo hức đến lạ lùng trực chờ nồi bánh chưng xanh, và mừng rơn khi khoác lên mình những bộ áo mới tung tăng đón xuân sang. Tất cả chỉ còn là tết của ký ức…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem