Ký ức Tết trong tôi: Nhớ mãi món quà lì xì ba nhận năm ấy

Nguyễn Thành Giang Thứ bảy, ngày 25/01/2020 19:00 PM (GMT+7)
Đến bây giờ, tôi vẫn không quên ký ức của cái Tết Nguyên Đán năm Bính Tuất (2006). Một biến cố lớn với gia đình tôi và cũng là một kỷ niệm để tôi luôn biết ơn cuộc đời, biết ơn những tâm lòng thơm thảo khi xuân về Tết đến.
Bình luận 0

Thời gian những năm ấy, gia đình tôi còn rất nghèo. Ba mẹ làm nông với từng cây cải, cây rau còi cọc trên cánh đồng quê miền Trung cát trắng. Tôi học lớp 12, cái tuổi cũng đã bắt đầu hiểu về cuộc sống, hiểu về thực trạng của gia đình, nhưng vẫn còn là một chú bé vô tư hiếu động mà thôi.

Ba tôi bị các triệu chứng của bệnh tai biến mạch máu não cách đó một thời gian, nhưng nhà không có tiền, nên cứ liều với tính mạng của mình. Đôi khi đang làm việc ngoài đồng, ba ngã quỵ xuống, nằm bất động một lúc lâu rồi mới hồi tỉnh. Ba dặn trước, thấy ba ngã như vậy, cứ để ba nằm im, một chút sẽ tỉnh táo lại; không biết là ba nghe bác sĩ hay ai bày cách như vậy, mà nhiều lúc hiệu quả thật.

img

Mùa xuân là Tết sum vầy. (CHAY.TV)

Sáng mồng Hai Tết Bính Tuất (2006), ba lại mệt và ngã xuống. Lần này, khi tỉnh lại, ba yếu hẳn, không tự đứng và đi được. Gia đình phải nhờ người chở ba vào bệnh viện cấp cứu. Tết, bao nhiêu hy vọng của nhà nông đặt vào mớ rau mớ cải ngoài đồng, năm ấy cải Tết lại không được giá. Đưa ba đi cấp cứu, trong túi mẹ chỉ còn vỏn vẹn mấy chục nghìn đồng.

Sau gần 1 tiếng được theo dõi ở phòng cấp cứu, các bác sĩ nhận định ba bị tai biến mạch máo não, chuyển xuống phóng nặng của khoa Nội điều trị tích cực. Lúc ấy, một nửa người của ba đã bắt đầu mất cảm giác dần. Một cảm giác bất an rất lớn đè nặng lên tâm trí tôi, của mẹ, của chị và em gái tôi nữa.

Tầm 10 giờ trưa ngày mồng Hai Tết ấy, khi ba đang nằm trên giường bệnh, tôi ngồi ngoài hành lang thì có một gia đình đi từ thiện đến bệnh viện. Trên tay những tấm lòng ấy là một xấp phong bì lì xì. Sau khi xin phép bác sĩ trực khoa, họ đến từng giường bệnh, lì xì Tết cho từng bệnh nhân, và chúc mọi người ở đây sớm khỏi bệnh, sớm về nhà đón Tết dù là hơi muộn. Ba tôi cũng nhận được một phần.

Lúc đoàn đi xong, mở phong bì ra, tôi thấy một tờ 50 nghìn đồng mới toanh. Thật ra, ở năm 2006, số tiền 50 nghìn đồng với nhiều người có thể là số tiền ăn vặt, uống nước, nhưng với gia đình tôi lúc ấy thật sự là lớn.

Có số tiền ấy, mẹ có thể lo cho ba thêm một số đồ dùng cần thiết khi nằm việc, trước lúc chạy mượn thêm bà con cô bác tiền để tiếp tục ba nằm viện dài ngày. Mà Tết thì mượn tiền ngay mồng Hai thật sự rất khó…

Nhưng tôi quý nhất là tấm lòng, cùng những lời chia sẻ, động viên của gia đình đến lì xì Tết cho bệnh nhân hôm ấy. Ánh mắt họ hiền từ, những lời động viên chân thành như người thân mong muốn cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Họ đi rồi, mà tôi vẫn nhìn theo, ao ước một ngày nào đó, có thể làm ra tiền, đi lì xì như họ; vừa trả được cái nghĩa cho đời, vừa làm được việc mình thấy là rất ý nghĩa.

Sau lần tai biến ấy, ba tôi bị liệt nửa người bên trái. Nhưng trong họa có phúc, sau gần 2 tháng tập luyện ở nhà, ba đã dần cử động tay chân rồi đi đứng lại được…

Giờ đây, sau 14 năm, ba vẫn có thể cuốc đất, làm nông bình thường, dù đôi lúc hơi mệt. Đó là may mắn lớn của gia đình chúng tôi. Bởi ngày đó, nếu ba không phục hồi, chắc chắn tôi và em gái không thể đi học tiếp, gia đình sẽ lâm vào cảnh bế tắc vô cùng.

Mỗi lần Tết đến, tôi lại nhớ về món quà lì xì mà ba tôi được nhận trong ngày mồng Hai Tết năm ấy. Nhớ, để mãi biết ơn cuộc đời, và để dặn mình phải sống tốt hơn cho xứng đáng với những tấm lòng đã sẻ chia với gia đình mình lúc khó khăn, hoạn nạn.

Tôi may mắn có duyên được bước vào con đường thiện nguyện đã gần 10 năm, là cầu nối để trao giúp tài chính – vật phẩm từ các tấm lòng thiện tâm đến những bà con cô bác khó khăn, bệnh tật. Tết năm nay là cái Tết thứ 6 liên tục tôi kết nối trao những phần lì xì Tết đến các bệnh nhân tại bệnh viện mà ba tôi nằm lúc xưa, trong sáng Mùng Hai.

Năm nay, nhân duyên đầy đủ, tôi đã kêu gọi được số tiền để trao thêm đến 2 bệnh viện lớn khác trong tỉnh Quảng Nam. Chỉ mong sao góp được chút sức rất bé nhỏ của mình để làm cầu nối, để các bệnh nhân được chia sẻ, động viên như ba tôi đã nhận được 14 năm về trước. Những sự động viên thật sự quý báu với nhiều bệnh nhân và gia đình bệnh nhân nữa.

Tết về, là lúc sum vầy, yêu thương. Còn với riêng tôi, Tết là lúc để biết ơn. Biết ơn những ngày Tết bình yên và cả những ngày Tết gian khó. Và, cố gắng để sống tốt hơn, để trả ơn cuộc đời, để mang niềm vui cho mọi người, nhất là trong dịp Tết.

Người dự thi: Nguyễn Thành Giang
Số 270 đường Hùng Vương, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem