Lạ kỳ tục thờ kiếm trên bản vùng cao ở xứ Thanh

Minh Phượng Thứ sáu, ngày 06/03/2015 07:00 AM (GMT+7)
Trên bản vùng cao người Thái  ở Chiềng Lau (xã Ban Công, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), đồng bào nơi đây vẫn giữ một phong tục thờ “kiếm thần”. Kiếm được các dòng họ giữ gìn, tôn thờ như một báu vật của tổ tiên.
Bình luận 0
Đã thành lệ, cứ độ Xuân về, các gia đình thờ kiếm lại mang kiếm đi “tắm rửa". Nhằm khám phá tục thờ kiếm độc đáo này, chúng tôi đã đến bản Chiềng Lau để tìm hiểu.

Giáp mặt “kiếm thần”

Dọc theo quốc lộ 15C là một làng quê yên bình của người Thái, song bên trong những ngôi nhà sàn ấy, đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ phong tục thờ kiếm. Anh Hà Văn Sơn, một người cháu trong dòng họ Hà cho biết: “Kiếm trong dòng họ chúng tôi được thờ hàng trăm năm này rồi, vì nó có một sức mạnh kỳ lạ. Tuy nhiên chưa có ai biết hết về bí mật của thanh kiếm này”.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong tục này, anh Sơn liền đưa chúng tôi đến nhà một người chú họ để xem kiếm. Thấy có cháu dẫn khách vào nhà, ông Hà Văn Cối (57 tuổi) liền ôm chum rượu cần ra mời. Những gáo nước liên tục được đổ đầy, tôi cùng Sơn vừa thưởng thức rượu cần, vừa trò chuyện và ngỏ ý muốn được nhìn thấy thanh kiếm. Bất ngờ ánh mắt ông Cối sắc như dao cau nhìn thẳng vào tôi và Sơn rồi im lặng tỏ vẻ không bằng lòng.

Thấy chúng tôi có ý cầu thị, cuối cùng ông Cối cũng chấp thuận. Ông bước vào trong buồng, mặc lại quần áo chỉnh tề rồi lấy một chai rượu trắng cùng một đĩa trầu cau dâng lên bàn thờ khấn vái. Điều ngạc nhiên là thanh kiếm này lại được thờ trên mái nhà, bên cạnh có cả bát hương dành riêng cho kiếm.
img
Giá gác kiếm trong gia đình ông Cối (Nguồn ảnh: Đỗ Việt)
Sau khi khấn xong, ông Cối bắc thang để lấy kiếm xuống. Quan sát kỹ, chúng tôi đoán thanh kiếm có độ dài khoảng 1,2m, nặng khoảng 3kg, chỗ rộng nhất chừng 3cm. Phần chuôi kiếm được làm bằng sừng động vật, hai bên có khắc mấy chữ nho, bao đựng được làm bằng da thú rừng. Theo ông Cối nói, thanh kiếm này có thể chẻ đôi lá mạ theo chiều dọc, chém sắt như chém bùn.
img
Ông Cối lấy kiếm từ trên mái nhà xuống (Nguồn ảnh: Đỗ Việt)
Sức mạnh của “kiếm thần”

Để tìm hiểu kỹ hơn về phong tục thờ kiếm của đồng bào nơi đây, chúng tôi được anh Sơn đưa tiếp sang nhà cụ Hà Văn Moong (87 tuổi, trưởng tộc họ Hà). Khi được hỏi chuyện về nguồn gốc của thanh kiếm, cụ Moong kể: "Ở vùng này, xưa kia nổi lên việc thôi miên, làm bùa giết người. Cụ tổ nhà tôi phải sang tận bên Lào mới học được phép đấy các anh à. Để học được phương pháp chữa bệnh, cụ đã phải tự hủy đôi mắt của mình, thấy vậy người thầy mới dành tặng cho cụ tổ thanh kiếm này”.

Theo cụ Moong kể, nhờ có thanh kiếm quý mà xưa kia, cụ tổ đã giúp cho Tạo Mường (tức địa chủ thời phong kiến) đánh bại các thế lực khác, cai quản cả một vùng đất đai rộng lớn. Tất cả các việc hệ trọng như xua đuổi muông thú, tế lễ trời đất, ma chay, cầu xin các thần linh cụ đều đứng ra đảm nhiệm. Thấy khả năng cao siêu, mọi người đã gọi cụ tổ là ông Mo Mường. Và cũng do có thanh kiếm quý nên ông còn được nhiều người ngưỡng mộ, cũng không ít người ghen ghét, đố kỵ.
img
Cụ Moong kể lại huyền thoại về ông già mù (Nguồn ảnh: Minh Phượng)
Lúc bấy giờ, trong bản có nhiều người mắc bệnh lạ, họ chết mà không rõ nguyên nhân. Thấy hiện tượng đó, ông Mo Mường bắt đầu sử dụng thanh kiếm của mình để làm phép. Cách làm phép của ông là thả lẫn các vật dụng như nanh hổ, móng vuốt gấu vào một bát nước. Sau đó ông dùng thanh kiếm của mình khoắng khoắng, hà hơi rồi đem cho người bệnh uống. Thật ngỡ ngàng, chỉ với một "bát nước phép" mà có rất nhiều người khỏe lại?.

Bà Lò Thị Cúm, (94 tuổi) vợ ông Moong góp chuyện: "Bản thân tôi cũng không biết ông Mo ra sao. Hồi bé tôi chỉ nghe các cụ kể lại, ông cụ là một người cao to, trán rộng, mũi to, tai to như tai phật, giọng nói ồm ồm rất đáng sợ. Mặc dù bị mù nhưng ông có tài múa kiếm rất điêu luyện, đặc biệt ông còn có tài chữa bệnh và cũng là người hống hách khét tiếng nhất ở trong vùng".
img
Cách hà hơi chữa bệnh bằng kiếm của ông Mo (Nguồn ảnh: Minh Phượng)
Thờ kiếm "nghiêm cẩn" hơn thờ gia tiên

Để tránh hậu họa, Tạo Mường đã cho ông uống rượu say rồi nhét vào một cái lồng, sau đó cho người thả xuống dòng sông Mã. Tuy nhiên ông không chết mà lại bất ngờ trở về để tìm kẻ bội bạc dã tâm hãm hại mình. Ông bắt Tạo Mường cải tà quy chính, sau đó ông sắm cho mình một cái bị để đi ăn xin.

Theo chuyện dân gian do chính người dân địa phương kể, ông Mo đã được một con cá Ké kéo vào bờ (loại cá này sống ở sông Mã rất giống cá trê, nó có màu thẫm đỏ, trọng lượng có khi lên tới vài chục kilôgam). Cũng từ đó mà người dân sống dọc bên hai bờ sông Mã, họ vẫn thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện về ông già mù được một con cá cứu trong lúc thập tử nhất sinh. Riêng đối với ông Moong, câu chuyện ấy giống như một truyền thuyết vì nó được người đời ca tụng.
img
Thanh kiếm luôn được dòng họ tôn thờ (Nguồn ảnh: Minh Phượng)
Khi ông mất, thanh kiếm này được giao lại cho dòng họ Hà cất giữ. Chuyện thanh kiếm thiêng được dòng họ thờ phụng, coi trọng hơn cả tính mạng của mình thì đã rõ. Hàng năm, cứ đến ngày lễ tết là con cháu trong họ lại lấy nước suối về rủa cho kiếm. Nước sẽ được đổ ra một cái lư hương bằng sắt, rồi thả các đồ vật như nanh hổ, móng gấu và một số hòn đá có hình thù kỳ lạ vào.

Trưởng bản Chiềng Lau - ông Hà Văn Nguyễn cho hay: "Tục thờ kiếm trong một số dòng họ ở bản Thái đã có hàng trăm năm nay. Kiếm được bảo vệ, tôn thờ như một báu vật của tổ tiên. Theo tôi thờ kiếm là một nét văn hóa tâm linh, không phải dòng họ nào cũng có. Có người còn cho rằng thanh kiếm này chữa được bệnh, sua đuổi mãnh thú, trừ tà ma nhưng tôi không tin. Đó là do người dân tự đồn thổi, thêu dệt lên mà thôi".

"Hiện tại chúng tôi đang tham mưu, đề xuất lên cấp ủy, chính quyền xin ý kiến chỉ đạo trong công tác bài trừ mê tín di đoan, đồng thời bảo tồn phát huy nét văn hoá đặc sắc trong phong cộng đồng dân cư” - ông Nguyễn cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem