|
Nghề mây tre phù hợp với những lao động đã quá tuổi lao động. |
Chờ thanh niên, không người làm nghề
“Cách đây khoảng 2 năm, thanh niên trong làng bỏ đi làm ăn xa hết, làng nghề mây tre đan của chúng tôi tưởng như sắp biến mất. Khi Hội Nông dân mở lớp dạy nghề tạo mẫu mây tre đan, khôi phục làng nghề, chúng tôi rất mừng bởi có thể nâng cao tay nghề, khả năng tạo mẫu, tìm kiếm thị trường”- ông Nguyễn Quang Tâm (xã Lạc Vệ) nói.
Cùng ý kiến với ông Tâm, ông Nguyễn Công Chỉnh, 62 tuổi (thôn Xuân Hộ, xã Lạc Vệ) bày tỏ: “Từ ngày được tham gia lớp học nghề mây tre đan chúng tôi được cập nhật những mẫu mã mới, được hướng dẫn để làm ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn đem đi xuất khẩu. Cũng từ ngày đó tôi có điều kiện phụ giúp con cái làm kinh tế, cải thiện thu nhập gia đình”.
Thực tế tại xã Lạc Vệ, có làng thanh niên đi cả trăm người, nếu chờ tuyển đủ lao động, đủ tiêu chuẩn thì khó có thể mở lớp. Hơn nữa, những nghề đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo như mây tre đan lại không thu hút được thanh niên trong khi những lao động lớn tuổi lại rất hào hứng. Được học cách làm ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cộng với việc Hợp tác xã mây tre đan Lạc Vệ đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm khiến nhiều gia đình thoát nghèo từ một nghề vốn chỉ được coi là nghề phụ trong lúc nông nhàn. Quan trọng hơn cả là có nghề, những lao động lớn tuổi có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống, thay vì chờ con cái hỗ trợ.
Không nên quy định độ tuổi học nghề với làng nghề
Trước khi được học nghề thì đến 40% sản phẩm mà nông dân làm ra không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Khi được học nghề thì tỷ lệ những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ còn lại hơn 10%. Nhiều nông dân làm việc sáng tạo hơn, bắt đầu để ý tới những mẫu mã mới.
Chị Nguyễn Thị Tươi – Chủ tịch Hợp tác xã mây tre đan xã Lạc Vệ
Chị Nguyễn Thị Tươi - Chủ tịch Hợp tác xã mây tre đan xã Lạc Vệ cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có hơn 200 gia đình làm nghề mây tre đan, trong đó lực lượng lao động đã qua tuổi lao động chiếm đến hơn 50%”.
Nếu làm đúng quy định thì những người quá tuổi lao động không được đi học nghề, mà không được đi học nghề thì không được phổ biến cách làm những sản phẩm mới, không được hướng dẫn cách làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Chỉnh là một trường hợp điển hình. Để được học nghề ông Chỉnh đã “lách luật” bằng cách nhờ con trai mình đăng ký học nghề và đi học theo suất của con.
Ông Nguyễn Công Thao - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tỉnh Bắc Ninh bày tỏ: “Theo quy định thì trung tâm dạy nghề không được phép dạy nghề cho những đối tượng quá tuổi lao động (nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi). Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều người đã qua tuổi lao động xin được học nghề”.
Nhiều người để được đi học đã phải nhờ những người trong độ tuổi lao động đi đăng ký hộ. Biết là sai quy định nhưng trung tâm vẫn phải dạy nghề cho họ vì những kiến thức cần cho cuộc sống của họ. Chỉ có điều, đối với học viên đã quá tuổi lao động khi kết thúc khóa học sẽ không được trung tâm cấp chứng chỉ nghề.
Dương Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.