“Làm phụ nữ thì kiểu gì cũng bị phán xét!”

Thứ năm, ngày 06/03/2014 10:32 AM (GMT+7)
"Tôi thấy nực cười vì dù làm gì, làm thế nào thì phụ nữ cũng đều bị phán xét. Xấu cũng bị chê, đẹp cũng bị bêu riếu..." - Đó là chia sẻ của chị Linh (Cầu Giấy - Hà Nội).
Bình luận 0
Là một một người phụ nữ mạnh mẽ, chuẩn bị kết hôn, chị Linh đã dành thời gian chia sẻ quan điểm của mình về một trong số những bất công mà người phụ nữ đang phải chịu đựng.

Chào chị! Sắp tới ngày tổ chức hôn lễ nhưng trông chị thì… khó đoán quá! Chị có thể chia sẻ cảm xúc khi sắp sửa lên xe hoa?

- Vâng, xin chào anh! Anh muốn hỏi cảm xúc của tôi lúc này ư? Vừa buồn vừa vui. Có lẽ nếu có một cái cân để cân cảm xúc chắc cũng khó mà xác định được vui nhiều hơn buồn hay buồn nhiều hơn vui. Chính bản thân tôi cũng đang không thể kiểm soát được cơn buồn – vui của mình! (Thở dài)

Tôi thấy bất công và nực cười là khi làm phụ nữ thì kiểu gì cũng bị phán xét... (Ảnh minh họa)
Tôi thấy bất công và nực cười là khi làm phụ nữ thì kiểu gì cũng bị phán xét... (Ảnh minh họa)

30 tuổi, công thành danh toại, lại sắp lên xe hoa. Đáng ra phải mừng ra mặt chứ nhỉ! Lẽ nào chị vẫn có điều gì đó trăn trở về cuộc hôn nhân của mình?

- À thì cũng có. Người ta thường bảo gạo nấu thành cơm là xong. Thế nhưng tôi thì cho rằng gạo có nấu thành cơm thì cơm đó vẫn có thể khê được mà. Huống chi là cả một thời kỳ hôn nhân sắp tới. Có ai chắc được gì đâu mặc dù mình yêu người thật, người cũng yêu mình say đắm đấy…

Mà phụ nữ thì lúc nào chả trăn trở. Lúc nào cũng có lý do để buộc phải trăn trở. Tôi không thể hiểu tại sao cũng là kiếp người nhưng làm phụ nữ khổ thế nhỉ. Kiểu gì cũng bị bắt bẻ, phán xét. Thành ra sống xuôi cũng khổ mà sống ngược cũng khó. Khi còn độc thân thì có kiểu trăn trở của độc thân. Khi kết hôn lại vật vã vì những trăn trở kiểu kết hôn. Chung quy đàn ông các anh chỉ được cái giỏi phán thôi. Phụ nữ chúng tôi cũng vì thế mà chẳng lúc nào được yên, lúc nào cũng phải trăn trở.

Chị nói vậy có quá nặng nề và chủ quan không?


- Anh có thể ngẫm lại bản thân mình và nhìn lại thiên hạ. Tôi sẽ vẽ cho anh bức tranh đối xứng để dễ tưởng tượng nhé. Phía trước mặt anh là 2 cô gái. Cô A mắt lồi, thâm quầng vì làm việc khuya, đeo kính cận. Cô ta trang điểm mờ nhạt, trang phục “kín cổng cao tường”, ngay ngắn chỉnh tề, trang điểm nhạt. Ở nhà cô ta là bà vợ chỉ biết quần quật nấu cơm, hầu chồng, phục vụ con đến mức đầu tóc rối bù… Bên kia là cô B. Ở nhà hay đi làm hoặc đi chơi cô ta đều ăn mặc sexy, váy ngắn ngang đùi, cổ áo khoét sâu, trang điểm đậm… Anh phản ứng thế nào khi trông thấy 2 người phụ nữ đó?!

Chắc chắn với người phụ nữ “đồ cổ”, người vợ lôi thôi không chỉ riêng anh mà rất nhiều người cho rằng cô ta nhạt nhòa, như thế thì quyến rũ được ai, chồng đi với bồ là đúng, cần phải tân trang, cải cách… Tưởng chê người phụ nữ “đồ cổ” như vậy các anh sẽ tung hô người phụ nữ tân thời, ăn mặc sexy kia. Thế nhưng không phải. Cô ta sẽ không nhận được sự đồng tình vì “trông như cave”; “khúc nào ra khúc ấy thì chỉ có ngực bơm, mông độn, khắp người đồ giả”…

Nói tóm lại là phụ nữ chúng tôi lôi thôi, nghiêm chỉnh hay xinh đẹp sexy cũng đều bị chửi. Mà bị chửi thì đều vì đàn ông các anh mà ra.

Thế thì các chị phải lên tiếng đòi quyền lợi chứ! Thời đại bình đẳng, bình quyền mà!

Tôi không biết các xứ khác thế nào chứ các ông chồng ở xứ này đều muốn lấy được vợ hiền, tần tảo, nếu bỏ được việc để ở nhà chăm con, phụng dưỡng gia đình chồng là tốt nhất. Mà nực cười một cái là ở nhà nói là chăm con nhưng thực chất là đánh vật với chúng. Vì thế mà quần sắn đến tận đầu gối, ống cao ống thấp thì bị các anh chê là bô nhếch, già khọm. Miệng các anh chê rồi mắt và chân các anh đi tìm những cô ả mơm mởn, chỉ giỏi vuốt ve chiều chuộng cái nhu cầu đàn ông của các anh.

Nhiều chị bạn tôi vì không muốn chồng chê già, chê xấu, không muốn chồng bỏ đi với gái đã chú ý trau chuốt bản thân một chút thì từ người trong nhà, đến người ngoài thiên hạ lại nhòm ngó, chê bai, bóng gió rằng “đã sống bám còn ăn trắng mặc trơn”. Thế là hành vi cố chiều chồng, làm đẹp mặt chồng lại thành hành vi chả ra sao của mụ đàn bà vô công rỗi việc.

Vì khổ và nhục khi mang tiếng ăn bám ở nhà, nhiều chị em muốn bứt phá, muốn thay đổi cuộc sống và số phận. Họ đã phấn đầu và đạt được kết quả nhất định trong công việc thì cũng chỉ nhận được cái bĩu môi từ nhà chồng, từ chồng vì lý do: Phụ nữ giỏi ở đâu mà nhà không giỏi thì cũng vứt. Thế thì bình đẳng bình quyền cái gì? Đòi ở đâu?

Chị nghĩ sao khi nhiều ông chồng cho rằng những điều phụ nữ ca thán chỉ là thói than thở quá quen thuộc của các chị. Các chị giỏi đổ lỗi lại còn hay đòi hỏi?

- Tôi không biết có lúc nào đó các ông chồng tự đặt những câu hỏi: Tại sao phụ nữ phải nấu cơm, rửa bát, chăm con, làm đủ mọi việc nhà và chỉ được khoe giỏi những việc đó. Thành tích công việc của phụ nữ tại sao lại bị coi như bọt bèo? Tại sao từ những người phụ nữ xinh đẹp, có học thức, công việc đang thăng tiến lại phải lui về phía sau?...

Nếu các ông ấy biết được câu trả lời thì các ông ấy sẽ không phũ miệng nói chúng tôi giỏi đổ lỗi và đòi hỏi nhiều. Có lẽ tất cả phụ nữ trên thế gian này chỉ cần biến mất trong một ngày thì các ông ấy sẽ loạn lên. Các ông ấy sẽ hiểu thế nào là than thở. Lúc đó các ông ấy sẽ ước có được cái cọc để cứu các ông ấy khỏi nạn “chết đuối”.

Chị có lo sợ chồng mình cũng sẽ giống bao ông chồng khác: để chị gánh vác, vật lộn với việc nhà?


- Thực tế, có rất nhiều chị em, trước khi kết hôn đã thỏa thuận với người đàn ông mình sẽ cưới làm chồng rằng: “Anh phải chia sẻ việc nhà với em”; “em nấu cơm thì anh phải rửa bát”; “em cho con bú thì anh phải thay bỉm”… Thế nhưng cuối cùng mọi thỏa thuận đều bị phá vỡ. Các ông chồng thì chỉ cần có duy nhất một lý do: “Anh bận việc cơ quan lắm!” là đẩy gọn mọi việc sang cho vợ gánh gồng. Các chị thì vì con, vì chồng mà nhẫn nhịn, hi sinh. Sức có kiệt thì cũng tặc lưỡi làm cố.

Đàn ông rất giỏi la làng và vu vạ phụ nữ ích kỷ. Vì với họ, chiêu thức đó có thể khiến phụ nữ phục tùng theo ý họ. Mình đã biết thế thì cứ xoay vần mà điều chỉnh thôi! Còn điều chỉnh thế nào thì tôi cần phải biết chồng mình có phải là người đàn ông giỏi... la làng không đã!

Vâng, xin được cảm ơn chị!
Tri thức trẻ (Theo Tri thức trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem