Làm sao để bác sĩ tránh ăn đòn oan?

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 21/04/2018 06:00 AM (GMT+7)
Trước tình trạng hàng loạt các vụ nhân viên y tế bị hành hung, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho rằng, cần bệnh viện phải có lực lượng công an cắm chốt, tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, lực lượng công an cũng không thể “canh” bác sĩ 24/24 giờ nếu ý thức của người dân còn quá kém.
Bình luận 0

Bác sĩ làm đúng cũng bị đánh

Ngày 19.4, PGS-TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Xanh pôn cho biết, 23 giờ ngày 13.4, khoa phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được bố đưa vào. Bác sĩ Vũ Hồng Chiến tư vấn cho bệnh nhân về cách điều trị và chi phí khám bệnh thì bố của bệnh nhi lao vào đánh bác sĩ Chiến tới tấp.

img

Khu vực cấp cứu thường xảy ra các vụ hành hung nhân viên y tế hơn cả  (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh:  Diệu Linh

Khi bị đánh, bác sĩ Chiến đang giải thích cho bố bệnh nhân về thương tổn và chi phí tài chính khi điều trị. Đây là quá trình cần thiết, bắt buộc đối với bất cứ ca bệnh nào khi nhập viện và chấp nhận sự điều trị của bác sĩ, để gia đình lựa chọn cách điều trị cũng như biết về các rủi ro, tai biến có thể xảy ra. "Với thương tổn vùng hàm mặt, ngoài sơ cấp cứu chảy máu bắt buộc phải xử lý khâu cầm máu hoặc đưa lên phòng mổ (nếu nguy hiểm đến tính mạng). Với thương tổn không phải mất máu nhiều, gây sốc, bác sĩ sẽ phải đánh giá để đảm bảo xử lý vết thương tốt nhất. Trường hợp như vậy bác sĩ phẫu thuật tạo hình sẽ đánh giá, khâu vết thương để đảm bảo tính thẩm mỹ” – PGS Dũng nói.

Theo PGS Dũng, vết thương của bệnh nhi tại thời điểm đó không được đánh giá là nặng. Việc khâu, khám cấp cứu sẽ ưu tiên những ca bệnh nặng chứ không phải ai đến trước khám trước mà căn cứ vào tình hình bệnh, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Hiện toàn bộ băng hình, thông tin vụ việc đã được bàn giao cho bên công an điều tra.

PGS Dũng chia sẻ, hiện bác sĩ Vũ Hồng Chiến vẫn còn rất hoảng loạn, BV tạm thời cho bác sĩ Chiến nghỉ việc để ổn định tâm lý, sức khỏe. Vụ việc bác sĩ BV Xanh pôn bị đánh chỉ là một trong hàng loạt các vụ hành hung bác sĩ xảy ra thời gian gần đây. Trước đó, đêm 8.4, khoa Nhi - BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng sốt cao. Trong lúc đang thăm khám cho bệnh nhân thì một người đàn ông tự nhận là bố đứa trẻ lao vào đấm bác sĩ Nguyễn Đình Phi. Thấy vậy, thực tập sinh Trần Nhật Giáp chạy đến can ngăn nhưng bị người đàn ông này đánh bất tỉnh.

Chiều 31.3, nữ bệnh nhân L.T.H.T (35 tuổi, trú tại sông Cầu, Bắc Kạn) vào BV Đa khoa Bắc Kạn và được chẩn đoán, thăm khám đầy đủ quy trình. Các bác sĩ đang tiến hành các bước cần thiết để lên phác đồ điều trị, sau đó bệnh nhân kêu đau và tê tay. Người chồng của bệnh nhân này đã tức tốc gọi các bác sĩ, điều dưỡng viên của ca trực và to tiếng lăng mạ, đánh một nữ bác sĩ và một điều dưỡng của ca trực.

img

Một vụ hành hung bác sĩ tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp, TP.Hải Phòng. Ảnh: IT

Ngày 21.2, đối tượng Lê Xuân Duẩn đến BV Đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An) tiêm phòng uốn ván (vì trước đó bị tai nạn, bác sĩ cho điều trị ngoại trú), nhưng do thủ tục chưa đủ nên chị Lăng Thị Hiền là cán bộ BV chưa nhập được vào máy tính. Cho rằng chị Hiền bắt mình phải đi lòng vòng nên Duẩn chửi mắng và dùng chân đá vào người, đầu chị Hiền khiến chị bị thương phải nhập viện, trong khi chị Hiền đang mang thai.

  Để toàn tâm toàn ý cứu người, trước tiên bác sĩ phải được an toàn, được thanh thản để chuyên tâm vào công việc. Khi yếu tố an toàn không còn được đảm bảo, bác sĩ phải tìm cách đảm bảo an toàn cho bản thân mình, rồi mới có thể tìm cách cứu bệnh nhân. Do đó, nếu tình trạng hành hung bác sĩ còn tiếp tục tiếp diễn và gia tăng thì sợ là nhân viên y tế sẽ phát sinh tâm lý vì an toàn cá nhân mà né tránh những ca bệnh khó, cần có sự mạo hiểm, có thể phải đối mặt với kiện cáo. Như vậy bệnh nhân sẽ thiệt thòi”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Ngày 20.2, một đối tượng có vợ sinh nở tại BV Sản Nhi Yên Bái, sau khi bị nhắc nhở vì trèo lên vị trí không cho phép để quay phim, đã rủ 15 đối tượng khác đến hành hung các bác sĩ vừa mổ đẻ thành công cho vợ anh ta. Một bác sĩ đã phải khâu 20 mũi trên đầu.

Cần công an cắm chốt ở bệnh viện

Chia sẻ với báo chí về hàng loạt vụ hành hung bác sĩ trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn các ban ngành, đặc biệt là ngành công an, chính quyền địa phương các cấp cần vào cuộc một các quyết liệt để đồng hành, hỗ trợ ngành y tế và cán bộ y tế không để các bác sĩ đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của chính bản thân mình và yên tâm chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Theo Bộ trưởng: “Cách tốt nhất là phải có lực lượng công an đi tuần tra, kiểm soát, cắm chốt ngay tại trong BV, tại những điểm nóng như phòng cấp cứu thì mới có biện pháp hiệu quả”.

Đồng thời, BV cũng cần phối hợp với công an, lắp đặt hệ thống camera quan sát tại các điểm nóng như khu khám bệnh, phòng cấp cứu để có bằng chứng mỗi khi xảy ra xô xát. Bộ trưởng cũng cho rằng các đối tượng hành hung bác sĩ phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, các vụ hành hung bác sĩ vẫn bị xử lý quá nhẹ. Mới chỉ có 1 đối tượng bị tù giam 2 năm, 1 người tù giam 9 tháng, còn lại đều tạm giam và sau đó xử lý hành chính như tội “Gây rối trật tự công cộng”, với số tiền không đáng là bao.

“Hành vi đánh, đe dọa bác sĩ gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người bệnh. Người hành hung công an, gây rối trên máy bay được cho là gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn của nhiều người, bị tù, bị phạt tiền nặng, cấm bay, tại sao đánh bác sĩ lại chỉ bị phạt hành chính?” – TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) chất vấn.

Về việc cần phải “lập chốt” công an thường xuyên tuần tra, tăng cường lực lượng bảo vệ tại các điểm nóng của BV, một bác sĩ cho rằng, điều này cũng sẽ khó hạn chế được nạn hành hung bác sĩ nếu như người dân còn có thái độ không đúng về bác sĩ. 

Theo thống kê, nếu như từ 2010-2016 chỉ diễn ra khoảng 10 vụ bạo hành bác sĩ thì riêng trong năm 2017 đã gần 10 vụ đánh bác sĩ khi họ đang cứu chính người đánh mình hoặc người thân của họ. Còn từ đầu năm 2018 đến nay đã ghi nhận ít nhất 5 vụ hành hung bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay, các vụ hành hung bác sĩ vẫn bị xử lý quá nhẹ. Mới chỉ có 1 đối tượng bị tù giam 2 năm, 1 người tù giam 9 tháng, còn lại đều tạm giam và sau đó xử lý hành chính như tội “Gây rối trật tự công cộng”, với số tiền không đáng là bao.

Đại tá Lê Văn Chương - Phó cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an):  “Cần nhìn từ hai phía”

img

Bạo lực xảy ra ở bệnh viện cần phải nhìn từ hai phía, thứ nhất thái độ của đội ngũ bác sĩ, y tá và nhân viên y tế. Cần phải hướng dẫn giải thích, trình bày và niềm nở làm sao để người bệnh, người nhà bệnh nhân hiểu, tránh bức xúc dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Thứ hai là người nhà bệnh nhân phải có ý thức coi trọng các bác sĩ, nhân viên y tế, bởi họ là những người đang hỗ trợ cho mình, cho người thân của mình. Anh đến bệnh viện phải giữ thái độ tôn trọng chứ không phải đem thói hành xử côn đồ ngoài xã hội vào bệnh viện, điều đó là không thể chấp nhận được.

Về đường dây nóng của ngành y tế cần tiếp tục được phát huy và hoạt động tốt hơn nữa để người bệnh, người nhà bệnh nhân phản ánh mọi vấn đề bức xúc xảy ra. Trong khu vực bệnh viện hệ thống camera cần được lắp đặt để giám sát hết mọi hoạt động. Từ kinh nghiệm trong hoạt động giám sát ngăn ngừa bạo lực ở các cơ sở mầm non cho thấy, hệ thống camera đã phát huy tác dụng rất nhiều.

Bên cạnh đó, ngành y tế phải luôn làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, nêu cao tinh thần y đức, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Đây là những việc làm mang tính chủ động để phòng ngừa bạo lực xảy ra ở bệnh viện và các cơ sở y tế. Còn việc gì cũng phải công an thì không thể đáp ứng được hết, cần phải phát huy đội ngũ bảo vệ bệnh viện, bảo vệ tổ dân phố nơi bệnh viên đặt địa bàn trong công tác bảo vệ an ninh trật tự.

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng bộ phim tài liệu nói về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở các bệnh viện. Bộ phim này chuẩn bị được phát trên VTV 2 của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong đó chúng tôi nói về nguyên nhân bạo lực ở bệnh viện, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa và chống vi phạm pháp luật ở các bệnh viện.

Nội dung phim cảnh báo về vấn đề vi phạm pháp luật của các đối tượng, điều đó gây nguy hiểm đến an ninh trật tự ở các bệnh viện. Còn về phía bệnh viện cũng rút kinh nghiệm từ thái độ ứng xử, quy tắc, lề lối làm việc. Ví dụ khi các bệnh nhân đang xếp hàng chờ khám bỗng có người nào đó lại được ưu tiên vào khám trước thì những người đang xếp hàng sẽ bức xúc; trường hợp thực hiện thao tác y tế nào đó như tiêm, khám mà có tiêu cực thì người dân cũng dễ bức xúc.

Lương Kết (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem