Sự việc xảy ra vào khoảng 10h, ngày 5.6, tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo các nhân chứng, thời điểm trên, cụ bà khoảng 70 tuổi điều khiển xe máy đi theo hướng Xã Đàn ra ngã tư Ô Chợ Dừa. Khi cụ bà đi đến khu vực đoạn giữa phố Xã Đàn đột ngột bị chóng mặt, rồi ngã gục, nghi sốc nhiệt do nắng nóng.
“Thấy vậy, người dân khu vực đã nhanh chóng sơ cứu và gọi cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó nhân viên y tế của xe cấp cứu 115 xác định nạn nhân đã tắt thở”, anh Hải người dân ở gần khu vực kể lại.
Hiện trường vụ việc ở Xã Đàn (Hà Nội).
Cùng ngày, Công an Thị trấn Đông Anh cũng đang truy tìm tung tích 1 người đàn ông bất ngờ tử vong nghi do nắng nóng vào chiều 3.6. Theo thông tin ban đầu, khoảng 15h chiều 3.6, giữa thời tiết nắng nóng gay gắt, tại công viên Cầu Đôi (Thị trấn Đông Anh), người dân bàng hoàng phát hiện 1 thi thể đàn ông. Sau đó, người dân đã báo sự việc lên cơ quan chức năng. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong là do nắng nóng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ danh tính người đàn ông.
Trước đó, trưa 4.6 tại BV Đa khoa Tuyên Quang, các bác sĩ cũng tiếp nhận bệnh nhân trụy mạch, hôn mê, sốt 41 độ không mồ hôi, suy đa tạng nghi say nắng được các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực.
Như vậy, tính đến nay đã có ít nhất 3 người tử vong nghi sốc nhiệt trong đợt nắng nóng kỷ lục tại miền Bắc.
Theo các chuyên gia y tế, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nếu phơi mình dưới nắng lâu, uống nước không đủ, người dân có thể rơi vào tình trạng sốc nhiệt (còn gọi là say nắng). Nếu không được sơ cứu kịp thời, người say nắng có thể tử vong rất nhanh. Bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Đặc biệt những người trên 50 tuổi rất dễ bị sốc nhiệt. Tuy nhiên, người trẻ khỏe nếu lao động, di chuyển lâu giữa trời nắng nóng cũng có khả năng bị sốc nhiệt”.
Theo bác sĩ Chính, các dấu hiệu của sốc nhiệt có thể là đau nhói đầu, chóng mặt và choáng váng; Không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng; Da đỏ, nóng và khô; Yếu cơ hoặc chuột rút; Buồn nôn và nôn; Nhịp tim (mạch) nhanh, tim (mạch) có thể đập mạnh hoặc yếu; Thở nhanh và thở nông; Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt; Co giật, hôn mê.
Những người làm việc ngoài trời nắng gắt, thời gian dài dễ bị sốc nhiệt. Ảnh: Trần Quang.
Bác sĩ Chính khuyến cáo, nếu người dân nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt thì nên gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Trong khi đợi y tế đến, cần phải tiến hành sơ cứu bằng cách:
- Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát, đồng thời cởi bỏ bất cứ quần áo nào không cần thiết.
- Nếu có thể được, đo nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát để hạ nhiệt độ cơ thể như: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể; Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.
Những người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt: Trẻ em dưới 4 tuổi, người già trên 65 tuổi; Người gặp các bệnh lý mãn tính: Tim phổi, thận, béo phì hoặc suy nhược, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu, những người đang sốt… Những người đang sử dụng các loại thuốc giảm cân, lợi tiểu, thuốc an thần, thuốc kích thích, thuốc điều trị tâm thần, thuốc tim mạch, huyết áp…
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.