Làm thế nào tránh "sập bẫy" hợp đồng giả cách?

Đình Việt Chủ nhật, ngày 25/04/2021 09:23 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, nhiều người dân đã "ngậm trái đắng" khi thực hiện "hợp đồng giả cách" để che giấu bản chất của giao dịch dân sự vay tiền. Chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Thế nào là hợp đồng giả cách?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn mới của một số cá nhân, tổ chức chuyên cho vay với lãi suất cao bằng cách lợi dụng tình trạng cần tiền gấp của người vay, tận dụng kẽ hở của pháp luật một cách tinh vi, các đối tượng cho vay nặng lãi đã hợp thức hóa tài sản của người vay bằng việc lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc các hợp đồng khác có công chứng, chứng thực nhằm che giấu giao dịch cho vay, hay còn gọi là "hợp đồng giả cách". 

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Dưới góc độ pháp lý thì đây được xác định là giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác. Có thể hiểu đơn giản "hợp đồng giả cách" là hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác. 

Nhằm qua mắt người dân các đối tượng cho vay thường có thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp, am hiểu về luật pháp. Các đối tượng đã được tư vấn kỹ về tính pháp lý trong trường hợp bị cơ quan tố tụng làm việc.

Đối tượng thường nhắm đến những "con mồi" đang cần gấp một số tiền nhất định, không am hiểu về pháp lý, sau đó các đối tượng cho vay ra điều kiện người cần vay tiền phải đem tài sản của mình để đảm bảo khoản vay.

Các tài sản thế chấp thường có giá trị lớn như QSDĐ và tài sản gắn liền với đất sau đó sẽ đến cơ quan công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng cho các đối tượng cho vay để hợp thức hoá hợp đồng. Nhưng thực ra đây chỉ là hợp đồng giả tạo.

Những hợp đồng này đa số là hợp đồng chuyển nhượng "giả cách" nhằm che đậy giao dịch vay mượn tài sản. Trong các điều kiện đó có điều kiện người vay tiền vi phạm thỏa thuận về thời gian trả lãi, trả nợ gốc thì mặc định tài sản này được chuyển dịch sang tên người cho vay. 

Người đi vay không có ý định này, nhưng suy nghĩ đơn giản và không lường trước hậu quả sau này.

Hầu như không thể xử lý hình sự các đối tượng cho vay được, vì tất cả các hợp đồng đều qua công chứng hợp pháp. Người vay đã ký và không thể hiểu hết hết hậu quả của giao dịch. Quá trình kiện tụng kéo dài gây tốn kém cũng như mệt mỏi. Có thể đòi lại được quyền lợi nhưng cũng phải bán tài sản để trả nợ.

Nhìn qua các vụ việc gần đây, có thể thấy một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng cho vay có cơ hội lừa đảo là do người dân rất e dè việc đưa tài sản của mình thế chấp cho ngân hàng họ cảm thấy mất nhiều thời gian. Thêm vào đó là số tiền vay không lớn họ nghĩ sẽ có cách trả trong thời gian ngắn nhất.

Có thể vô hiệu hóa loại hợp đồng này

Luật sư Cường phân tích, theo quy định tại Bộ luật Dân sự, một giao dịch dân sự được coi là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng các điều kiện dưới đây. 

Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Tuy nhiên, đối với các giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác thì ý chí của chủ thể tham gia giao dịch được biểu đạt ra ngoài khác với ý chí đích thực của họ và có tồn tại sự khác biệt giữa kết quả thực hiện giao dịch so với mục đích của giao dịch dân sự được xác lập, do đó nó không đảm bảo điều kiện có hiệu lực của giao dịch hợp pháp. 

Chính vì vậy, các nhà làm luật đã quy định riêng về trường hợp Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. 

Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp nếu có giao dịch chuyển nhượng tài sản nhằm che giấu giao dịch vay tài sản thì giao dịch chuyển nhượng tài sản này sẽ vô hiệu, còn giao dịch vay tài sản vẫn có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp vô hiệu theo quy định.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận và lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Người vay chỉ phải chịu mức lãi suất cao nhất theo luật định.

Luật sư bóc trần thủ đoạn tinh vi của các đối tượng cho vay nặng lãi - Ảnh 3.

Thời gian gần đây, các đối tượng cho vay nặng lãi đã hợp thức hóa tài sản của người vay bằng việc lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc các hợp đồng khác có công chứng.

Còn nếu có hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 15 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Còn nếu mức lãi suất vượt quá 5 lần mức Nhà nước quy định và hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, người cho vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo vị luật sư, hiện nay việc cho vay tiền nhưng yêu cầu sang tên nhà đất, thậm chí viết giấy nhận tiền xin việc viết ra khá phổ biến. 

Do không hiểu biết pháp luật nên nhiều người đã không chứng minh được hợp đồng vô hiệu do giả tạo hoặc không chứng minh được yếu tố gian dối dẫn đến câu chuyện mất tài sản thậm chí bản thân vướng vào vòng lao lý.

Bởi vậy, cần nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao trách nhiệm của công chứng viên, văn phòng công chứng và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý có liên quan đến tài sản, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.

Báo Điện tử Dân Việt cũng đã phản ánh những vụ việc mất đất, mất nhà vì lập hợp đồng giả cách ở Bình Dương, TPHCM.

Bên vay dùng giấy tờ nhà để đưa cho bên cho vay, thông qua hợp đồng "chuyển nhượng đất". Bản chất là hai bên vay tiền nhau, chứ không mua bán nhà đất.

Đến khi nhà, đất được chuyển nhượng cho người khác, người vay tiền bằng hợp đồng giả cách mới phát hiện sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem