Lâm Thị Mỹ Dạ và những bài thơ còn mãi trong lòng nhiều thế hệ

Yến Thanh Thứ năm, ngày 06/07/2023 15:41 PM (GMT+7)
Nhiều bài thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được đưa vào sách giáo khoa, cũng như phổ nhạc thành các ca khúc nổi tiếng.
Bình luận 0

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã rời trần thế để trở về với cõi vĩnh hằng vào lúc 5h sáng nay (6/7/2023), sau 14 năm dài mắc căn bệnh Alzheimer's. Sự ra đi của một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của Việt Nam trong thập kỷ XX khiến văn đàn và công chúng không khỏi tiếc nuối. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Lâm Thị Vĩ Dạ là một thiên thần bay xuống trần gian bởi gương mặt chị đẹp và thánh thiện, bởi tâm hồn chị trong sáng vô ngần và bởi những câu thơ của chị luôn vang lên như những khúc ca của yêu thương, dịu dàng và mang một đẹp mong manh nhưng đầy lan tỏa".

Lâm Thị Mỹ Dạ và những bài thơ còn mãi trong lòng nhiều thế hệ - Ảnh 1.

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. (Ảnh: VHVN)

"Khoảng trời, hố bom" và những rung cảm tuổi đôi mươi

Lâm Thị Mỹ Dạ viết thơ từ rất sớm. Năm 9 tuổi, 10 tuổi bà đã có tập thơ đầu tiên với khoảng 40 bài. Thế nhưng có lẽ, đến lứa tuổi 20, tài năng của Lâm Thị Mỹ Dạ mới được đông đảo công chúng cả nước biết tới với "Khoảng trời - hố bom" - bài thơ giúp bà đạt giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Nói về tác phẩm này, nhà phê bình Hoài Thanh từng khẳng định: "Khoảng trời, hố bom là một tượng đài bằng thơ và đẹp như thơ". 

Nhắc đến hoàn cảnh ra đời tác phẩm Khoảng trời, hố bom, nhà thơ Lâm Thị Vỹ Dạ từng tâm sự: Năm 1970, trong một chuyến thực tế ở đường 10, nơi chiến tranh diễn ra ác liệt, bà gặp đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có một cô gái người Quảng Bình. Cô đã được giải ngũ 3 năm trước, nhưng về tới nhà thì cả gia đình đã bị bom Mỹ giết chết. Sau mấy ngày ở nhà, cô quyết định trở lại chiến trường. 

Năm 1972, sau ngày có lệnh ngừng bắn, Lâm Thị Mỹ Dạ có dịp trở lại nơi đây, nhưng khi hỏi thăm về những người chiến sĩ thanh niên xung phong này thì hoàn toàn không còn dấu vết, bà không biết ai còn, ai mất. Ám ảnh về câu chuyện, nữ sĩ người Quảng Bình đã viết nên những vần thơ mà dường như bất kỳ ai đọc cũng dâng trào niềm xúc cảm:

"Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn

Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái

Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá

Tình yêu thương bồi đắp cao lên...

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Ðất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau

Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất"

(Khoảng trời, hố bom - 1972)

Một tâm hồn thơ trong trẻo và đầy nữ tính

Theo tác giả Ngô Minh, "sự hồn nhiên, trong sáng, đa cảm cũng là một nét trong tính cách của Lâm Thị Mỹ Dạ. Bà là nhà thơ nữ hiếm hoi thời hiện đại, tự nguyện đi vào thế giới rộng rinh huyền ảo và vẫn tin mình không lạc khỏi chính mình". Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chinh phục người đọc bởi nét dịu dàng, nữ tính, bởi những phát hiện tinh tế mà gần gũi, giản dị. Với tác phẩm Truyện cổ nước mình sáng tác năm 1979 và được đưa vào sách giáo khoa phổ thông sau đó, Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa người đọc trở lại với những câu truyện cổ tích, những gửi gắm chân thành và lương thiện:

"Tôi yêu truyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm

Ở hiền thì lại gặp hiền

Người ngay thì gặp người tiên độ trì".

(Truyện cổ nước mình - 1979)

Lâm Thị Mỹ Dạ còn nổi tiếng với những bài thơ tình. Nhiều tác phẩm của bà từng nằm trong sổ tay của các cô gái trẻ. Ở đó, hiện lên một người phụ nữ khao khát yêu thương và yêu thương tới tận cùng: "Cuộc đời em vo tròn lại/ Và/ Ném vào cuộc đời anh/ Nó sẽ lăn sâu tận đáy/ Cuộc đời anh/ Sâu cho tới tận… Cái chết/ Trời ơi/ Làm sao có một cuộc đời/ Để tôi ném mình vào đó/ Mà không hề cân nhắc đắn đo/ Rằng: Cuộc đời ấy còn chưa đủ"(Vô đề). 

Bản Romance 2 nổi tiếng cũng được nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ của bà với những xúc cảm đặc biệt: "Em chết trong nỗi buồn/ Chết như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng/ Trái tim em còn trẻ dại trắng trong/ Ai cất giùm em cái nhìn già nua/ Ai cất giùm em bàn tay cằn cõi/ Trong xứ sở của anh hiếm hoi niềm vui/ Nỗi cô đơn khô hạn đến nao lòng..." (Romance 2).

Một tác phẩm khác của Lâm Thị Mỹ Dạ cũng được nhiều thế hệ ghi nhớ, đó chính là bài thơ Trắng trong, sau này được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc và đặt tên là Khúc hát ru của người mẹ trẻ. Bà viết vào đó những tâm sự tặng cho cô con gái đầu lòng, khi bà lần đầu làm mẹ vào năm 26 tuổi. Bài thơ đầy những hình ảnh dân dã, quen thuộc, thế nhưng từng lời đều thiết tha, đằm thắm.

"Đôi làn môi con

Nghiêng về vú mẹ

Như cây lúa nhỏ

Nghiêng về phù sa

Như hương hoa thơm

Nghiêng về ngọn gió...

(Trắng trong - 1975)

Ca khúc "Khúc hát ru của người mẹ trẻ" (Nhạc: Phạm Tuyên, Lời: Lâm Thị Mỹ Dạ, Thể hiện: NSND Thanh Hoa). (Clip: Tiếng hát còn xanh mãi)

Vĩnh biệt trần thế ở tuổi 74, Lâm Thị Mỹ Dạ đã để lại một cuộc đời đầy vinh quang với hàng loạt giải thưởng thi ca lớn trên văn đàn, không ít tác phẩm của bà được dịch ra các thứ tiếng khác nhau. Quan trọng hơn cả, những tác phẩm như: Đường ở Thủ Đô, Gặt đêm, Khoảng trời hố bom, Trái tim sinh nở, Anh đừng khen em, Cho anh tựa vào em, Lá cờ trắng, Tôi về với tôi, Anh đã nhìn thấy em, Đề tặng một giấc mơ, Hồn đầy hoa cúc dại... đều có đời sống và chỗ đứng riêng trong tâm hồn trong nhiều thế hệ độc giả. Tâm hồn và thi ca của bà sẽ còn ở lại nơi dương thế, để làm đẹp hơn và trong trẻo hơn cõi trần thế đầy biến động này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem